Kinh nghiệm xây dựng Vùng Thủ đô của Nhật Bản và Hàn Quốc
Góp ý vào Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), PGS-TS Bùi Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại thương cho biết, Nhật Bản là một quốc gia tương đối thành công trong phát triển Vùng Thủ đô với vai trò tiên phong của Thủ đô Tokyo. Trong quy hoạch đô thị Tokyo 2016, Thủ đô của nước Nhật hướng tới “phát triển thành một thành phố tiên tiến về môi trường với sự hấp dẫn và sức sống để trở thành hình mẫu cho thế giới”.
Với mục tiêu đó, Vùng Thủ đô Tokyo hướng tới xây dựng mô hình “đô thị tuần hoàn” trong đó Thủ đô và các tỉnh, thành phố lân cận sẽ cùng thực hiện các chức năng về kinh tế cũng như xã hội, xây dựng các tổ hợp đa chức năng nhỏ gọn quanh khu vực các nhà ga cũng như các địa điểm trung tâm khác trong thành phố. Chính quyền Tokyo đã chỉ ra các biện pháp phải được thực hiện như bảo trì và phát triển sức sống đô thị, hiện thực hóa một thành phố phát triển hài hòa, bền vững song song với bảo tồn môi trường. Chính quyền đã công bố các cơ chế và kế hoạch quy hoạch đô thị được xây dựng dựa trên Quy hoạch đô thị.
Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) quy định một số nội dung về liên kết, phát triển Vùng Thủ đô nhằm cụ thể hoá chính sách liên kết, phát triển vùng Thủ đô thành khu vực phát triển nhanh, bền vững về kinh tế - xã hội, xanh, văn minh, năng động, trở thành khu vực trọng điểm.
Ví dụ, ngoài việc hoàn thành đường cao tốc ba vành đai và nâng cao chất lượng của các chuyến bay quốc tế, các sáng kiến nhằm tạo ra một thành phố tiên tiến về môi trường, bao gồm việc tạo ra những không gian cây xanh rộng lớn xung quanh các tuyến đường huyết mạch và phát triển cảnh quan thành phố trang nhã xung quanh Cung điện Hoàng gia, được thúc đẩy.
Vùng Thủ đô Seoul của Hàn Quốc được phát triển trong đó hạ tầng giao thông được xem là điểm mấu chốt để phát huy vai trò của dẫn đầu cũng như tăng tính kết nối giữa Seoul và các đô thị vệ tinh thuộc vùng Thủ đô Seoul. Cụ thể, các thành phố của khu đô thị được kết nối chặt chẽ với nhau bằng đường bộ và cả đường sắt. Nhiều tuyến đường sắt được xây dựng, như đường sắt cao tốc Gyeongbu, được xem như tuyến đường lâu đời và quan trọng nhất ở Hàn Quốc. Tàu điện ngầm Seoul có các tuyến phục vụ tất cả các quận của Seoul cũng như thành phố Incheon và các thành phố lân cận khác trong tỉnh Gyeonggi, cung cấp dịch vụ vận chuyển nhanh chóng. Khu vực này là nơi giao lưu giữa đường hàng không và đường thủy. Hai sân bay lớn nhất của cả nước là Sân bay Quốc tế Incheon và Sân bay Quốc tế Gimpo, cũng đều nằm trong khu vực đô thị…
Xây dựng cơ chế đặc thù lĩnh vực ưu tiên trong phát triển Vùng Thủ đô
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản và Hàn Quốc xây dựng Vùng Thủ đô, PGS-TS Bùi Anh Tuấn đề xuất, Dự thảo Luật Thủ đô cần xây dựng cơ chế đặc thù cho các lĩnh vực ưu tiên trong phát triển Vùng Thủ đô như giao thông liên vùng, đô thị xanh, đô thị tuần hoàn, đô thị số, đô thị thông minh... Dự thảo Luật Thủ đô cũng cần tạo cơ chế đặc thù để Thủ đô và Vùng Thủ đô được tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là nâng công suất của nhà ga Nội Bài và các tuyến đường vành đai từ Hà Nội đi các thành phố/tỉnh vệ tinh như Bắc Ninh, Phú Thọ, Thái Nguyên...
Cùng với đó, cần quy định phân quyền cho UBND TP Hà Nội được chủ động hội nhập với các thành phố bên ngoài để tạo thành một mạng lưới đô thị, trong đó mỗi đô thị đều là một điểm nút của các dòng chảy kinh tế, thông qua kết nối quốc lộ, đường cao tốc, đường vành đai và tuyến đường bộ, hàng không, hàng hải xuyên biên giới; kết nối không chỉ các đô thị trong Vùng Thủ đô mà còn với các đô thị đặc biệt tại Việt Nam, Thủ đô của các quốc gia Đông Nam Á, Đông Á, châu Á và thế giới.
Ngoài ra, việc phát triển và quản lý Thủ đô theo định hướng giao thông công cộng (TOD) gắn với cơ chế hợp tác công tư (PPP) hiệu quả và quản lý chuỗi cung ứng đô thị trên cơ sở quy hoạch vùng đô thị nên được gắn kết với nhau khi hoạch định chiến lược phát triển Thủ đô và cần được thể hiện xuyên suốt, mạch lạc trong các quy định của Luật Thủ đô (sửa đổi). Có thể coi đây là một vòng tròn với nhiều “mắt xích” kết nối với nhau mà bất kỳ “mắt xích” nào bị lỗi thì đều có thể làm cho “vòng quay” phát triển của Thủ đô bị trục trặc.
Hiện nay, TOD là hướng đi mới được nhiều quốc gia lựa chọn để thiết kế quy hoạch đô thị. Chính vì vậy, Luật Thủ đô cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể gắn kết giữa quy hoạch Vùng Thủ đô và vận dụng nguyên lý TOD vào quá trình thiết kế, cải tạo, mở rộng và quy hoạch xây dựng đô thị nhằm giải bài toán về tắc nghẽn giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm chất lượng cuộc sống... ở các đô thị lớn hiện nay, trong đó có Thủ đô Hà Nội.
Chúng ta phải tổ chức bộ máy chính quyền linh hoạt; có sự phân biệt giữa đô thị lõi (Thủ đô) và đô thị vệ tinh, với các vùng lân cận không thuộc Thủ đô. Theo đó, chính quyền đô thị có thể tổ chức theo những mô hình khác nhau. Đặc trưng nhận diện của một chính quyền địa phương tự quản là có cơ quan đại diện để quyết định cách thức thực thi các thẩm quyền tự quản. Bên trong các đô thị tự quản có thể phân chia các cấu trúc hành chính khác, là đơn vị chính quyền đầy đủ (có cơ quan đại diện) hoặc không đầy đủ - tuỳ theo nhu cầu của đô thị đó.
Các thành phố lớn như Paris, Lyon, Marseille của Pháp là ví dụ điển hình về tổ chức chính quyền đô thị linh hoạt. Ở cấp thành phố, với vị trí pháp lý là đơn vị hành chính tự quản, nên có đầy đủ các cơ quan đại diện và cơ quan hành chính, với các thẩm quyền tự quản…
PGS-TS Nguyễn Hoàng Anh (Trường Đại học Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội)