Hồi tố hàng nghìn tỷ đồng bằng bù trừ nghĩa vụ thuế
Khoản 3, Điều 8 của Nghị định số 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với DN có giao dịch liên kết quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập DN không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao (Ebitda) trong kỳ của người nộp thuế”.
Có nghĩa là nếu chi phí lãi vay vượt mức 20% tổng lợi nhuận thuần của DN thì khoản vượt đó không được tính vào chi phí hoạt động của DN. Nội dung này đang gây ra thiệt hại đối với nguồn thu và năng lực cạnh tranh của DN có giao dịch liên kết, nhất là các lĩnh vực cần đầu tư vốn lớn như bất động sản, công nghệ cao, chứng khoán.
Tại dự thảo sửa đổi, bổ sung khoản 3 Điều 8 Nghị định 20 được trình hồi tháng 11/2019, điểm thay đổi lớn nhất là Bộ Tài chính đã sử dụng lãi vay thuần (chi phí lãi vay trừ doanh thu từ lãi vay) thay vì chi phí lãi vay phát sinh. Đồng thời, mức trần chi phí lãi vay được nâng từ 20% lên 30%. Do đó, văn bản truyền đạt mới đây, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính sớm hoàn thiện dự thảo sửa đổi Nghị định 20 với nội dung hồi tố chi phí lãi vay của năm 2017, 2018; đồng thời bù trừ nghĩa vụ thuế của các kỳ tính thuế tiếp theo nhưng tối đa không quá 5 năm.
Đánh giá sơ bộ của Tổng cục Thuế xác định năm 2017 số chi phí lãi vay được trừ tăng 10.336 tỷ đồng; năm 2018 số chi phí lãi vay được trừ tăng lên 14.041 tỷ đồng. Với thuế suất 20%, số thuế thu nhập DN mà các DN phải nộp tăng lên do quy định khống chế trần chi phí lãi vay là 4.875 tỷ đồng trong 2 năm 2017 và 2018. Ước tính có khoảng 1.000 DN nằm trong diện này.
Theo Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, gần 5.000 tỷ đồng được hồi tố hoàn trả như một nguồn hỗ trợ quý giá cho DN, nhất là trong giai đoạn DN đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19.
Nới hay bỏ trần chi phí lãi vay?
Ngoài việc hồi tố chi phí lãi vay, đa số các DN đều mong Chính phủ nhanh chóng ban hành sửa đổi trần chi phí lãi vay. Thậm chí, nhiều ý kiến còn kiến nghị ngành tài chính có thể đề nghị dừng triển khai quy định này tại Nghị định 20.
Nghị định 20 nhằm kiểm soát giao dịch liên kết, tránh các hoạt động trốn, chuyển thuế, chuyển giá trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia cam kết quốc tế về thuế. Tuy nhiên, theo thống kê của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), số lượng DN có tỷ lệ lãi vay/Ebitda theo các mức độ khác nhau. Ví dụ, năm 2016, số DN có tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn hơn 20% là 396 DN Nhà nước (chiếm 16,5% tổng số DN Nhà nước), 673 DN FDI (chiếm 4,9% tổng số DN FDI), 37.956 DN ngoài Nhà nước (chiếm 8,2% tổng số DN ngoài Nhà nước).
“Như vậy, DN ngoài Nhà nước có tỷ lệ lãi vay/Ebitda lớn nhất. Số DN FDI chịu sự điều chỉnh của Nghị định 20 rất thấp. Thực tế, các DN FDI vốn có lợi thế hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường quốc tế hoặc từ các công ty mẹ ở nước ngoài” - PGS.TS Phạm Thế Anh, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận xét.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam Nguyễn Trần Nam cho rằng, Nghị định 20 nhằm chống chuyển giá với các DN ngoại nhưng mục tiêu này có thể bị trượt trong khi lại ảnh hưởng đến DN trong nước, vốn là những đối tượng không nằm trong nghi vấn. Đơn cử như trong lĩnh vực bất động sản, một trong những nhóm ngành cần nhiều vốn vay nhất trong hệ thống kinh tế. Hiện mô hình của nhiều DN là tập đoàn đứng ra vay tiền, sau đó cho các công ty con vay lại.
“DN Việt Nam đi vay rất nhiều nên tỷ lệ khống chế tối thiểu theo tôi phải trên 30%. Hơn nữa, thị trường vốn của chúng ta chưa phát triển, nhiều DN chưa phát hành cổ phiếu được” - ông Nam bày tỏ.
Dự thảo lần này, Bộ Tài chính cũng bổ sung thêm một số ngoại lệ như các giao dịch vay, cho vay của các dự án công ích, xã hội, dự án mục tiêu, trọng điểm thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội và Chính phủ. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, nếu chỉ nâng trần chi phí lãi vay cho một số đối tượng DN trong nước, sẽ tạo ra tình trạng phân biệt đối xử, không bình đẳng giữa DN trong nước và nước ngoài.
Chuyên gia VEPR cho rằng, trong tương lai, Bộ Tài chính nên có lộ trình giảm tỷ lệ này xuống thấp hơn nữa và tiến tới loại bỏ hoàn toàn việc khấu trừ chi phí lãi vay giữa các công ty liên kết.
"Với hoàn cảnh DN Việt Nam luôn thiếu vốn thì không nên khống chế tổng chi phí lãi vay ở mức 20%, thậm chí là 50%, miễn là chi phí thật và hợp lý, hợp lệ cũng cần phải được chấp nhận." - TS Võ Trí Thành |