Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sửa quy định để quản thi chui

Nhật Vũ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong cuộc họp báo quý II/2019 tại Bộ VHTT&DL, sáng 1/8, Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn (NTBD) - Bộ VHTT&DL Trần Hướng Dương khẳng định, không cấp phép cho bất cứ cuộc thi vừa mắc phải các lùm xùm như: Nữ hoàng Thương hiệu Việt Nam, Hoa hậu và doanh nhân Việt – Hàn 2019.

 Ảnh minh họa.
Hiện, Cục NTBD đang giao Phòng Quản lý biểu diễn rà soát báo cáo về trách nhiệm của các địa phương trong từng vụ việc. Tuy nhiên, để hướng đến quản lý chặt chẽ hơn, Cục NTBD đang soạn thảo dự thảo Nghị định Quy định về quản lý biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu mới thay thế cho Nghị định đã lỗi thời.

Kẽ hở của Nghị định

Sau 7 năm thực hiện Nghị định 79/2012/NĐ-CP Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu; lưu hành, kinh doanh bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu, rất nhiều bất cập đã được chỉ ra. Cụ thể là vấn đề cấp phép và rút giấy phép, tổ chức thi núp bóng biểu diễn nghệ thuật. Theo quy định của Nghị định 79, một chương trình có thể xin phép ở một nơi và tổ chức ở nơi khác dưới hình thức tiếp nhận giấy phép. Khi đưa ra quy định này, các nhà soạn thảo Luật mong muốn giảm thủ tục hành chính cho các đơn vị kinh doanh lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Tuy nhiên, sau khi thực hiện, rất nhiều bất cập đã được bộc lộ. Cụ thể, trong vụ việc lùm xùm thi Nữ hoàng Thương hiệu, Sở VH&TT Hà Nội gặp khó vì được quyền tiếp nhận giấy phép nhưng không được tước giấy phép. Chính vì vậy, khi Ban Tổ chức cuộc thi có các biểu hiện vi phạm tổ chức, chờ Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc lên tiếng rút giấy phép không thành, cơ quan quản lý của Hà Nội đành phải dùng đến chiếc gậy cuối cùng là đơn vị cho thuê địa điểm. Cho dù, sự việc đã được giải quyết êm xuôi nhưng rõ ràng Nghị định 79 đang làm khó cơ quan quản lý văn hóa và khiến cho nhiều đơn vị làm trò, lách luật.

Trong cuộc họp báo quý II tại Bộ VHTT&DL sáng 1/8, xung quanh kẽ hở của việc cấp phép chương trình nghệ thuật, cuộc thi nhan sắc, Phó Cục trưởng Cục NTBD Trần Hướng Dương khẳng định: Cục giao Phòng Quản lý biểu diễn rà soát, yêu cầu Sở VHTT&DL Vĩnh Phúc báo cáo về trách nhiệm trong vụ việc này. Tuy nhiên, vi phạm đã xảy ra và rất khó tìm người nhận trách nhiệm. Bởi cho đến nay, Sở VHTT&DL tỉnh Vĩnh Phúc hay Sở VH&TT Hà Nội khẳng định việc cấp phép là đúng. Các đơn vị chỉ cấp phép biểu diễn nghệ thuật cho hai chương trình này, không cấp phép tổ chức cuộc thi. Thế nên rất nhiều chương trình na ná kiểu thi sắc đẹp như vậy đã diễn ra suôn sẻ.

Tăng cường hậu kiểm

Sau các sự việc xảy ra, NSND Nguyễn Quang Vinh - quyền Cục trưởng Cục NTBD thừa nhận, với chức trách của đơn vị chuyên ngành cấp Bộ, Cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ VHTT&DL nhắc nhở địa phương rà soát, tăng cường trách nhiệm trong quá trình cấp phép các chương trình. Tuy nhiên, phân tích nguyên nhân của các vụ việc, ông Vinh đặc biệt nhấn mạnh về lỗ hổng của quá trình kiểm tra, giám sát. Tăng cường công tác hậu kiểm là một trong những điều được quyền Cục trưởng Cục NTBD nhấn mạnh khi sửa đổi bổ sung Nghị định 79. Ngoài ra, quy định cấp phép và kiểm soát tại một địa phương cũng được ban soạn thảo dự thảo Nghị định mới tính tới. “Theo đó chương trình diễn ra ở đâu phải làm việc và xin phép địa phương đó” – ông Nguyễn Quang Vinh nhấn mạnh..

Tuy nhiên, trong một cuộc gặp gỡ báo chí hồi đầu năm 2019, chia sẻ việc xây dựng Nghị định Quy định về quản lý biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp và người mẫu… thay thế Nghị định 79, quyền Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Quang Vinh mong muốn sẽ nới lỏng về thi nhan sắc. Việc đánh giá giá trị của từng danh hiệu sẽ thuộc về công chúng và truyền thông. Theo quan điểm của nhiều người, đây cũng là cách “mở cửa” cho việc loạn danh hiệu, càng tạo mảnh đất cho bệnh háo danh có cơ hội được thể hiện. Đây là điều Cục NTBD cần xem xét trước khi đưa vào bản dự thảo Nghị định mới.

Hiện nay, Cục NTBD đang xây dựng kế hoạch chi tiết, gấp rút hoàn thiện dự thảo Nghị định mới. Dự kiến giữa tháng 9, Cục đăng tải dự thảo công khai lấy ý kiến Nhân dân, trước khi tổ chức hai cuộc hội thảo lấy ý kiến các nhà quản lý, DN và chuyên gia.