Sửa thuế thu nhập cá nhân: Hợp lý, nhưng chưa toàn diện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Đề xuất chỉ đánh thuế cá nhân cho người có thu nhập trên 9 triệu đồng/tháng của Bộ Tài chính sẽ được trình Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII diễn ra tháng 10 tới.

Dự kiến, mức điều chỉnh cao cách biệt so với đề xuất ban đầu công bố hồi tháng 3 năm nay được nhiều người cho rằng sẽ hợp lý hơn, song vẫn chưa toàn diện.

Quy định mở

Vấn đề được quan tâm nhất trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là việc tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế. Theo Dự thảo sửa đổi được Bộ Tài chính trình Chính phủ, mức khởi điểm nộp thuế TNCN là 9 triệu đồng/tháng thay vì 6 triệu đồng/tháng (dự thảo cũ) và giảm trừ cho người phụ thuộc ở mức 3,6 triệu đồng/tháng thay vì 2,4 triệu đồng/tháng.

Theo đại diện Bộ Tài chính, căn cứ để đưa ra mức điều chỉnh giảm trừ gia cảnh nêu trên bao gồm: Tốc độ tăng GDP, GDP bình quân đầu người, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) thời gian qua cũng như giai đoạn tới, đề án cải cách tiền lương cũng như thống kê mức sống, thu nhập dân cư. 

Các chuyên gia cho rằng, mức giảm trừ 9 triệu đồng cũng đã sát với thực tế hơn. Mức này gần trùng với góp ý của một số đơn vị cho rằng, nếu căn cứ mức lương tối thiểu năm 2014, theo Đề án cải cách tiền lương giai đoạn 2013 - 2020 và hệ số mức giảm trừ cho bản thân người nộp thuế bằng 6 lần lương tối thiểu hiện hành, mức giảm trừ gia cảnh đến năm 2014 phải tương đương 9,9 triệu đồng/tháng. Nếu tính dựa trên GDP bình quân đầu người và cách xác định mức giảm trừ gia cảnh bằng 2,5 lần mức GDP như hiện hành, mức giảm trừ cho người nộp thuế năm 2014 phải là 8,9 - 9,1 triệu đồng/tháng.

Một điểm mới của Dự thảo Luật lần này là quy định mở, khi giá cả thị trường biến động trên 20%, Chính phủ có thể trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức giảm trừ gia cảnh. Dự thảo Luật Thuế TNCN sửa đổi, dự kiến sẽ được áp dụng từ tháng 7/2013, sớm hơn nửa năm so với dự kiến. 

"Làm như vậy sẽ đảm bảo "nước lên thì thuyền lên", không để mỗi lần điều chỉnh lại phải sửa Luật. Tùy vào tình hình thực tiễn để bổ sung cho phù hợp và tạo được đồng thuận. Khi công tác quản lý thuế tốt hơn, thì nên nghiên cứu bổ sung một số khoản thu nhập chịu thuế, không chịu thuế rõ ràng, đầy đủ hơn"- chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá

Nên giãn khoảng cách giữa các bậc thuế

Hiện nay, số người thu nhập từ tiền lương, tiền công khá lớn, hơn 12 triệu người, nhưng trong đó, có tới 8,8 triệu người có thu nhập từ tiền lương không phải nộp thuế. Theo thống kê của Bộ Tài chính, cả nước chỉ có khoảng 3,8 triệu người hiện đang nộp thuế TNCN, trong đó, khoảng 2,6 triệu người (70%) nộp thuế bậc 1 . Còn lại, 1,2 triệu người nộp thuế TNCN từ bậc 2 trở lên.
Sửa thuế thu nhập cá nhân: Hợp lý, nhưng chưa toàn diện - Ảnh 1
Làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế quận Hai Bà Trưng. Ảnh: Như Ý
 

Nếu áp dụng mức giảm trừ gia cảnh mới, 2,8 triệu người bậc 1 sẽ không phải nộp thuế. Tương ứng, 70% những người đang nộp thuế ở bậc cao sẽ được chuyển xuống nộp ở bậc dưới liền kề. Việc áp dụng này sẽ làm giảm thu ngân sách của năm 2013 khoảng 5.200 tỷ đồng và 2014 khoảng 13.350 tỷ đồng so với chính sách hiện hành.

Cũng vì lý do trên, Bộ Tài chính cho rằng, việc sửa đổi các mức thuế suất và độ giãn cách giữa các bậc thuế của Biểu thuế hiện hành không cần phải đặt ra, vẫn giữ nguyên cách tính thuế chia làm 7 bậc như luật hiện hành. 

Tuy nhiên, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế Nguyễn Thị Cúc cho rằng, đây là hạn chế lớn nhất trong đợt sửa đổi mới dự luật. Theo tính toán của bà Cúc, sau khi giảm trừ gia cảnh, bậc 1 có mức thu nhập chịu 5 triệu đồng cho đến bậc 7 cao nhất là 80 triệu đồng chỉ cách nhau 16 lần. Trong khi đó, tại Trung Quốc, khoảng cách này là 53 lần, ở Philippines 50 lần, ở Malaysia 40 lần và ở Thái Lan 27 lần.

Khi khoảng cách giữa các bậc thuế quá gần, lại cộng với mức giảm trừ gia cảnh tăng mạnh, nghĩa vụ đóng góp thuế còn lại dồn tập trung vào một số ít người có thu nhập cao. Chính sách giữ nguyên biểu thuế như hiện nay sẽ khiến Việt Nam bị hạn chế trong cạnh tranh, thu hút nhân lực so với các nước trong khu vực. "Tôi đề xuất phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế hoặc giảm khung thuế xuống ít hơn bảy bậc như quy định hiện hành. Bậc cuối cùng có thể nâng thu nhập tính thuế từ 80 triệu đồng/tháng hiện nay lên 150 - 200 triệu đồng/tháng mới phải chịu mức thuế suất cao nhất là 35%"- bà Cúc nói.
TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội lại cho rằng, việc nới rộng bậc thang thuế sẽ khiến cho Luật Thuế trở nên thiếu tính công bằng, do người có thu nhập ở sàn của bậc thuế sẽ phải đóng cùng tỷ lệ với người ở trần (có thu nhập gấp đôi). Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều này không quá quan trọng vì, tuy cùng thuế suất nhưng do thu nhập khác nhau, khoản tiền mà các đối tượng này phải đóng cũng khác nhau. Thêm vào đó, việc nới khung, qua đó giảm các bậc thuế sẽ có tác dụng khuyến khích người lao động có tay nghề, trình độ cao. Trong điều kiện kinh tế, mức sống của người Việt Nam hiện nay, nên tính toán giãn mức thuế từng phần, để tạo sức lan tỏa đối với các đối tượng thuộc biểu thuế còn lại.
Biểu Thuế Thu nhập cá nhân hiện hành quy định, bậc 1 là thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng/tháng có mức thuế 5%. Bậc 2, có thu nhập từ 5 - 10 triệu đồng/tháng, nộp thuế 10%, bậc 3 thu nhập từ 10 - 18 triệu nộp thuế suất 15%, bậc 4 thu nhập từ 18 - 32 triệu đồng/tháng, nộp thuế suất 20%, bậc 5 có thu nhập từ 32 - 52 triệu đồng/tháng, nộp thuế suất 25%, bậc 6 có thu nhập từ 52 - 80 triệu đồng/tháng thì nộp thuế suất 30%. Bậc 7, thu nhập chịu thuế từ 80 triệu đồng/tháng trở lên sẽ phải nộp thuế suất 35%.