Tuy nhiên nhìn nhận lại thực trạng cho thấy vẫn còn những tồn tại, hạn chế thiếu đồng bộ, chồng chéo, chưa theo kịp sự phát triển của thực tiễn trong công tác xây dựng thể chế, chính sách cho cải tạo và phát triển đô thị.
Cải tạo, tái thiết đô thị còn manh mún
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho biết, hiện nay những nguồn lực để cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn phát huy giá trị khu vực nội đô lịch sử, bao gồm các khu phố cổ, khu phố cũ, biệt thự cũ và những công trình kiến trúc có giá trị khác theo hướng bảo tồn không gian văn hóa và cảnh quan còn manh mún, chưa tập trung, vì vướng những vấn đề về quy định pháp luật và nguồn lực xã hội.
Các quy định pháp luật hiện tại chưa tạo điều kiện để có sự hợp tác công tư hoặc các giải pháp đột phá để có thể phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội cũng như bảo tồn của các công trình này.
Ngoài ra, việc cải tạo, tái thiết các khu vực hiện hữu trong đô thị tại 4 quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa và Hai Bà Trưng (theo khoản 3 Điều 10 Luật Thủ đô) yêu cầu phải giải phóng mặt bằng lớn để có thể đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đồng bộ cũng như để giãn mật độ dân số và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường ở khu vực trung tâm Thủ đô.
Vấn đề này dẫn đến khối lượng công việc tái định cư lớn, phải đầu tư nguồn lực lớn về tài chính, bố trí quỹ đất, quỹ nhà để phục vụ công tác tái định cư, giải phóng mặt bằng trong các dự án cải tạo, tái thiết do phải di chuyển nhiều hộ dân, khó đạt tỷ lệ đồng thuận cao của người dân.
TP Hà Nội cũng đã phê duyệt Đề án giãn dân phố cổ (khu vực quận Hoàn Kiếm) từ năm 2014, tuy nhiên việc thực hiện còn chậm và chưa hiệu quả do có nhiều vướng mắc trong cơ chế, chính sách pháp luật. Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ tại khu vực nội đô lịch sử và toàn TP Hà Nội vẫn chưa phát huy hiệu quả…
Kiến trúc sư Phạm Thị Nhâm - Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng) nhìn nhận, trên thực tế, giải quyết khu nội đô lịch sử của Hà Nội trở thành không gian đô thị đáng sống đang gặp nhiều nan giải do nguồn lực hạn hẹp và sự phức tạp về sở hữu đất đai tồn tại từ lâu trong quá khứ.
Yêu cầu chính đối với khu vực này là giảm áp lực về dân số, giảm tải hoạt động xây dựng công trình quy mô lớn làm gia tăng nhu cầu phát sinh xe cơ giới; làm thế nào để nâng cao tính hấp dẫn của mỗi địa điểm và củng cố các thể chế cho sự vận hành chung cả đô thị.
Tạo bước đột phá từ những quy định mới
Hà Nội là một TP đặc biệt, vừa phải phát triển mới, vừa bảo đảm hài hòa với cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị cũ gắn với bảo tồn phát huy giá trị văn hóa. Sau hơn 10 năm triển khai Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô, công tác cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị gắn với bảo tồn, phát huy giá trị không gian lịch sử văn hóa, truyền thống tại khu vực nội đô lịch sử đã được gắn với nhiều chính sách, giải pháp của chính quyền các cấp tại Thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, qua thực tiễn thực hiện thời gian qua cho thấy kết quả vẫn còn nhiều tồn tại, bất cập, cần phải xây dựng các chính sách đặc thù, vượt trội thì mới có bước chuyển biến mới.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang được trình Quốc hội đã đưa ra những quy định đặc thù nhằm tạo đột phá trong cải tạo, chỉnh trang, tái thiết đô thị, nhất là phát huy những giá trị đặc biệt, riêng có của khu vực nội đô lịch sử; bổ sung nhiều nội dung phù hợp với đặc thù riêng, duy nhất của Thủ đô Hà Nội.
Chẳng hạn như “hỗ trợ cá nhân, tổ chức cải tạo, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị; hỗ trợ cá nhân, tổ chức đầu tư cải tạo, chỉnh trang, tái thiết nhà ở cũ tại phố cổ, phố cũ theo quy chế quản lý kiến trúc và thiết kế đô thị; hỗ trợ kiểm định chất lượng công trình, tạo điều kiện để khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô”.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng cho rằng, đây là quy định đột phá so với các quy định pháp luật hiện hành nhằm khuyến khích người dân cùng tham gia vào công tác bảo tồn, chỉnh trang và tái thiết đô thị tại khu vực nội đô lịch sử và các khu vực khác của Thủ đô. Quy định này khác với Luật Đầu tư công khi Thủ đô sử dụng ngân sách để hỗ trợ người dân chỉnh trang đô thị như quy định ở trên.
Tuy nhiên, để hoàn thiện hơn nữa, quy định này cần cho phép Nhà nước bằng kinh phí của mình hỗ trợ người dân trong việc cung cấp bản vẽ, thiết kế trong kho tư liệu của Nhà nước về công trình hoặc thiết kế phục dựng của các công trình nhà cổ, biệt thự cũ, các công trình kiến trúc có giá trị cần bảo tồn.
Bên cạnh đó, trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng đề xuất quy định, có cơ chế hỗ trợ đền bù tái định cư, di dời, chuyển đổi nghề nghiệp; điều chỉnh chức năng sử dụng đất theo quy hoạch chi tiết trong khu vực nội đô lịch sử để tái thiết, tái khai thác giá trị, bảo tồn biệt thự cũ, công trình kiến trúc có giá trị ở khu vực nội đô lịch sử. Nhiều chuyên gia đánh giá đây là một cơ chế có tính thúc đẩy công tác giãn dân trong khu vực nội đô lịch sử và cải tạo, chỉnh trang trong khu vực nội đô lịch sử.
Để giải quyết bài toán về nguồn lực cải tạo, tái thiết, bảo tồn khu vực nội đô lịch sử, dự thảo Luật lần này có quy định mới về việc lập quỹ bảo tồn khu vực nội đô lịch sử của Thủ đô. Đây là giải pháp về tài chính nhằm thu hút nguồn vốn ở khu vực tư nhân đầu tư đóng góp và đầu tư cho các hoạt động bảo tồn, sửa chữa, cải tạo, chỉnh trang các công trình kiến trúc ở khu vực nội đô lịch sử nói riêng và các công trình kiến trúc khác có giá trị về văn hóa và lịch sử.
Một trong những nội dung mới của dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này so với Luật năm 2012 là có quy định về cải tạo, chỉnh trang tái thiết đô thị. Dự thảo đã nêu được một số chính sách cụ thể song đối tượng áp dụng chỉ đề cập đến công trình kiến trúc có giá trị là chưa đủ. Cần đề cập đến cả các không gian kiến trúc đặc thù của Thủ đô như khu vực Hồ Gươm, Hồ Tây, thành cổ Sơn Tây…
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm
Việc thành lập quỹ bảo tồn bảo tồn khu vực nội đô lịch sử sẽ giúp giảm gánh nặng về đầu tư của ngân sách TP cho công tác cải tạo, chỉnh trang và tái thiết khu vực nội đô lịch sử. Ngoài nguồn tài chính để thực hiện các dự án bảo tồn, hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân, còn có tác dụng nâng cao vai trò, trách nhiệm của các chủ thể liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, việc dự thảo Luật đề xuất quỹ bảo tồn là cần thiết, song không nên chỉ áp dụng cho khu vực nội đô lịch sử mà nên mở rộng cho cả TP. Vì nhiều công trình kiến trúc có giá trị, thậm chí nhiều công trình còn là di tích cấp Quốc gia nằm ở ngoài nội đô như ở Đường Lâm, Sơn Tây, Đông Anh… cũng rất cần được hỗ trợ từ quỹ này.