Sức cạnh tranh của thị trường lao động Hàn Quốc suy giảm

Hà Phương (Theo Yonhap)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Thị trường lao động Hàn Quốc nhiều khả năng “tụt hậu” so với các nước láng giềng trong khu vực châu Á.

 Ngành sản xuất ô tô Hàn Quốc thường xuyên trong tình trạng thiếu nhân công.

Theo báo cáo cạnh tranh toàn cầu (GCI) được công bố tại Diễn đàn Kinh tế thế giới năm 2016, Hàn Quốc đứng thứ 26/138 quốc gia năm thứ ba liên tiếp về sức cạnh tranh. Giới chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu là do Hàn Quốc vẫn tiếp tục “mắc kẹt” vào vấn đề thiếu nguồn nhân lực trong độ tuổi 20. Từ báo cáo cho thấy, chính quyền Tổng thống Park Geun-hye đã “thất bại” trong việc nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á trước các nước trong khu vực. Được biết, Hàn Quốc và Thái Lan là hai quốc gia duy nhất trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương có thứ hạng GCI giảm liên tục trong suốt thập kỷ qua. Nhật Bản và Hồng Kông đều đứng ở vị trí thứ 8 và thứ 9, vượt qua Hàn Quốc. Trong khi đó, Trung Quốc đứng ở vị trí thứ 28, “tăng tốc” nhanh chóng so với những năm trước. Với tốc độ này, “không sớm thì muộn” chính quyền Bắc Kinh sẽ “đuổi kịp” và thậm chí “vượt mặt” Seoul trong cạnh tranh toàn cầu.
Giới phân tích cho rằng, Tổng thống Park Geun-hye phải chịu “một phần trách nhiệm” vì không thể nâng cao sức cạnh tranh của đất nước trong suốt nhiệm kỳ. Mặc dù, trước đó bà Park đã nhấn mạnh cần có chương trình cụ thể hỗ trợ 4 lĩnh vực quan trọng, bao gồm thị trường lao động, khu vực công cộng, giáo dục và các ngành công nghiệp tài chính để đưa Hàn Quốc tiến lên phía trước. Những chỉ số từ GCI cho thấy, kế hoạch của Tổng thống Park Geun-hye trong cải cách các lĩnh vực “then chốt” đã không dẫn đến những kết quả như mong đợi.
Bản báo cáo cũng cho thấy, việc giới chức chính phủ và DN cần phải làm để nâng cao sức cạnh tranh của Hàn Quốc trên trường quốc tế. Trong đó, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết là cải tạo thị trường lao động. Thị trường lao động liên tục suy giảm là một trong những lý do chính khiến nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á khó bước tiếp. Sự “lạc hậu” của thị trường lao động Hàn Quốc được cho là không phù hợp với kích thước của nền kinh tế Hàn Quốc. Trong một đánh giá của ngành lao động cho thấy, Hàn Quốc đang “tụt lại phía sau” các tiêu chuẩn trung của toàn cầu trong vấn đề tương tác giữa người lao động và quản lý. Theo đó, nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á chỉ đứng thứ 135 trước Uruguay, Trinidad, Tobago, và Nam Phi. Trong khi đó, những đối thủ mạnh như Nhật Bản, Hồng Kông, Đài Loan và Trung Quốc lại đạt vị trí cao hơn trong lĩnh vực này, lần lượt là 7, 14, 16 và 47.
Sự “tham lam” của một số công đoàn được cho là đã gây ra những tác động tiêu cực.  Bên cạnh đó, sự “lỗi thời” trong phong trào lao động đang “ăn mòn” sức cạnh tranh của Hàn Quốc. Việc thường xuyên diễn ra các cuộc đình công của người lao động tại những DN lớn như Hyundai Motor… là một trong những lý do khiến thị trường lao động Hàn Quốc “tụt hạng” so với nhiều quốc gia. Như vậy, việc nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á này tiếp tục “trượt dốc” trong sức cạnh tranh toàn cầu sẽ sớm xảy ra, nếu không có một sự thay đổi rõ rệt đối với ngành lao động nói chung. Chính phủ Hàn Quốc cần sớm tập trung vào chương trình nghị sự để tìm ra những giải pháp nhằm cải cách ngành lao động, khi thời gian trong nhiệm kỳ của Tổng thống Park Geun-hye không còn bao lâu.