Sức cầu vẫn yếu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Thống kê vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 5 tăng 0,16% so với tháng 4 và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm trước.

Khách hàng mua bán thực phẩm tại chợ Bưởi.  Ảnh: Nguyễn Đức
Khách hàng mua bán thực phẩm tại chợ Bưởi. Ảnh: Nguyễn Đức
Như vậy, sau 5 tháng, CPI chỉ tăng 0,2%, là tốc độ tăng thấp nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ từ năm 2002 đến nay, thấp xa so với tốc độ tăng bình quân sau 5 tháng trong các năm từ 2002 - 2014 (5,03%). Diễn biến của 5 tháng và xét các yếu tố tác động, dự báo CPI cả năm 2015 sẽ tiếp tục tăng thấp so với mục tiêu Nghị quyết của Quốc hội đề ra (dưới 5%).

Tổng cầu tăng nhưng CPI vẫn tăng thấp

Năm 2014, CPI tăng 1,84%, thấp xa so với tốc độ tăng GDP 5,98%. Bước sang năm 2015, CPI tiếp tục tăng thấp và tính chung sau 5 tháng chỉ tăng 0,2%. Đây là tốc độ tăng thấp nhất so với tốc độ tăng của cùng kỳ từ năm 2002 đến nay; thấp xa so với tốc độ tăng bình quân sau 5 tháng trong các năm từ 2002 - 2014 (5,03%). Diễn biến của 5 tháng và các yếu tố tác động trong thời gian tới, có thể dự báo CPI cả năm 2015 sẽ tiếp tục tăng thấp khá xa so với mục tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội (dưới 5%); có thể tăng cao hơn với tốc độ tăng 2%, thì bình quân 2 năm của thời kỳ 2014 - 2015 sẽ chỉ ở mức dưới 1,92%, chỉ bằng 1/3 tốc độ tăng GDP 5,71% trong thời gian tương ứng.

Như vậy, diễn biến CPI từ năm 2014 khác hẳn so với 10 năm trước đó, có thể sẽ lặp lại gần giống như diễn biến trong thời kỳ 1999 - 2003. CPI thời kỳ 1999 - 2003 được coi là “giấc mơ” đối với người tiêu dùng (khi năm 1999 tăng 0,1%, năm 2000 giảm 0,6%, năm 2001 tăng 0,8%, năm 2002 tăng 4%, năm 2003 tăng 3%, bình quân năm thời kỳ 1999 - 2003 chỉ tăng 1,44%, thấp chỉ bằng 1/5 tốc độ tăng GDP).

Lý giải sự lạ lùng của diễn biến này có thể thấy, tổng cầu đã có xu hướng cao lên, nhưng CPI vẫn tăng thấp. Từ việc so sánh 2 thời kỳ trên cho thấy, tốc độ tăng CPI cũng đều thấp xa so với tốc độ tăng GDP, tức là tốc độ tăng của sản xuất - một yếu tố quan trọng của tổng cung trong mối quan hệ cung và cầu - quan hệ cơ bản và tổng quát nhất tác động đến CPI. Vấn đề đặt ra là tốc độ tăng của sản xuất mới có dấu hiệu phục hồi, chứ chưa phải là cao, hay chưa thể nói là cung đã vượt cầu đến mức làm cho CPI tăng thấp. Điều đó được lý giải là tổng cầu tuy có tăng trở lại, nhưng đó là xét về tốc độ với số gốc so sánh đã bị thấp khi bị tác động của khủng hoảng (thời kỳ 1999 - 2003) bị tác động của việc “thắt lưng buộc bụng” do cuộc khủng hoảng 1997 - 1998 ở khu vực. Thời kỳ 2012 - 2014 bị tác động của việc “thắt lưng buộc bụng” do cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế thế giới từ cuối 2008, trong khi về quy mô, tổng cầu vẫn còn yếu. Trong khi tăng trưởng sản xuất cao lên, thì tốc độ tăng của xuất khẩu bị chậm lại (năm 2014 tăng 13,7%, 4 tháng năm 2015 chỉ tăng 6,9%, riêng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản còn bị giảm 6%) và chuyển từ xuất siêu (928 triệu USD) trong 4 tháng rưỡi đầu năm trước sang nhập siêu (gần 3,7 tỷ USD) trong 4,5 tháng đầu năm nay. Tỷ lệ vốn đầu tư phát triển toàn xã hội/GDP đạt thấp hơn nhiều so với những năm trước.

Một loạt yếu tố tác động

Một yếu tố quan trọng khác đối với lạm phát là tiền tệ - tín dụng. Tăng trưởng tín dụng năm nay đã mang dấu dương ngay từ đầu năm và tính chung 4 tháng tăng 3,97% (cùng kỳ năm 2013 tăng 1,04%, cùng kỳ năm 2014 tăng 0,53%). Thông thường, tăng trưởng tín dụng kéo theo CPI tăng lên, nhưng đó là hướng vào tiêu dùng, trong khi đầu năm nay lại tập trung hơn cho sản xuất. Có một phần quan trọng được lái vào thị trường bất động sản, khi thị trường này có dấu hiệu ấm hơn cả về giao dịch lẫn giá cả. Trong khi đó, từ đầu năm đến nay đã có mấy lần tỷ giá nóng lên, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh tăng.

Từ đầu năm đến nay, giá điện đã tăng khá, giá xăng cũng đã 3 lần tăng... Đúng ra, giá những mặt hàng quan trọng này tăng sẽ vừa trực tiếp, vừa gián tiếp làm tăng CPI. Nhưng cần xét thêm hiệu ứng phụ của việc điều chỉnh này là làm cho tổng cầu vốn còn yếu sẽ tiếp tục bị yếu. Bởi với cùng một số tiền chi tiêu dùng, nếu giá mặt hàng này tăng, thì lượng tiêu dùng mặt hàng đó sẽ bị giảm. Nếu không giảm được thì giảm lượng tiêu dùng các mặt hàng khác...

CPI tăng thấp là niềm vui của người tiêu dùng, nhưng lại không vui với người sản xuất. Cần khéo léo giải quyết yêu cầu ngược nhau này. Do vậy, cần kiểm soát lạm phát, chứ không phải là kiềm chế lạm phát.