Sức ép thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên của quận Hoàng Mai

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm học 2022 - 2023 tại quận Hoàng Mai, số học sinh tăng đột biến 5.430 em (tương đương với 3 trường học, hơn 100 phòng học). Sức ép với giáo dục quận Hoàng Mai ngày một lớn, cần phải có giải pháp căn cơ.

Quận Hoàng Mai vừa đưa vào hoạt động trường THCS Hoàng Mai tiện nghi, hiện đại. Ảnh TA
Quận Hoàng Mai vừa đưa vào hoạt động trường THCS Hoàng Mai tiện nghi, hiện đại. Ảnh TA

Với dân số trên 500.000 người, nhiều năm qua quận Hoàng Mai đã đầu tư xây dựng rất nhiều trường học mới. Nhưng sức ép thiếu trường, thiếu lớp, thiếu giáo viên vẫn đè nặng lên ngành giáo dục quận.

Theo dự báo, năm học 2022 - 2023 quận Hoàng Mai có trên 102.000 học sinh và trở thành một trong những quận/huyện có số học sinh nhiều nhất Hà Nội. Hiện tại, năm học chưa khai giảng nhưng tìm đâu cho con một trường học thuận tiện đi lại đang là nỗi lo của không biết bao gia đình. Liên tiếp tại những cuộc tiếp xúc cử tri với các đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND TP người dân đã có kiến nghị về tình trạng này

 Ảnh HM
 Ảnh HM

Do tốc độ đô thị hóa quá nhanh nên quận Hoàng Mai là một trong những địa phương đang chịu sức ép giáo dục lớn nhất Thủ đô. Trên địa bàn quận hiện nay có 91 trường (58 trường công lập, 33 trường ngoài công lập) với 2.009 lớp, 423 nhóm trẻ tư thục; gần 100 nghìn học sinh.

Hiện tổng số cán bộ, giáo viên, nhân viên trên địa bàn quận là 4.165 người (công lập 3.305; ngoài công công lập 860). Trong đó, cán bộ quản lý 215 người, giáo viên 3.268 người, nhân viên 682 viên.

Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Minh Tâm cho biết, năm nay, trên địa bàn quận có thêm 5.430 học sinh, tương đương với khoảng 100 phòng học (3 trường học lớn). Không chỉ thiếu trường, thiếu lớp mà từ nhiều năm nay, giáo dục Hoàng Mai không được tăng biên chế đứng lớp khiến cho tình trạng thiếu giáo viên ngày càng trầm trọng thêm.

Phường Hoàng Liệt có 85.000 dân số, dù đã được xây thêm 1 trường tiểu học và 1 trường THCS, nâng tổng số trường học trên địa bàn lên con số 7 nhưng vẫn thiếu. Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt Nguyễn Xuân Chinh cho biết: “Mỗi năm, dân số phường Hoàng Liệt có thêm 2.000 công dân chào đời, cùng với việc nhiều chung cư cao tầng được đưa vào sử dụng khiến sức ép lên hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục cực lớn. Không còn cách nào khác, chính quyền địa phương và ngành giáo dục phải gồng mình lên lo việc học hành cho các em”.

Để giải quyết tình trạng thiếu thầy, thiếu trường, thiếu lớp, quận Hoàng Mai đành phải chấp nhận tình trạng vượt sĩ số và diện tích/m2 theo quy định. Năm 2020, số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm của quận là 104 trường thì năm 2021 chỉ là 74 (kế hoạch 85). Ngoài ra, nhiều trường phải xoay tua, học cả ngày thứ 7, Chủ nhật, dù biết như vậy sẽ đảo lộn sinh hoạt của nhiều gia đình, chất lượng khó lòng đảm bảo.

Khó nhất chính là việc là quận, phường phải “xoay xở” kinh phí để trả lương cho số giáo viên hợp đồng (ngoài định biên). Rất nhiều giải pháp được đưa ra nhưng cũng chỉ mang tính chất tạm thời, chắp vá nếu như không được duyệt định biên giáo viên cơ hữu.

Ảnh HM
Ảnh HM

Với tốc độ tăng dân số như hiện nay thì tình trạng thiếu thầy, thiếu trường, thiếu lớp của Hà Nội nói chung và Hoàng Mai nói riêng vẫn đang là vấn đề nhức nhối trong thời gian tới. “Xã hội hóa giáo dục” là hướng đi bắt buộc, vấn đề quan trọng nhất chính là phải sử dụng hết các quỹ đất dành cho giáo dục tại các đô thị lớn.

Việc trẻ em thiếu trường học, phải học cả vào thứ 7, Chủ nhật trong khi đó chủ đầu tư “găm đất” không chịu xây dựng đã kéo dài. Câu chuyện của quận Hoàng Mai cũng là tình trạng chung của nhiều quận, huyện khác trên TP Hà Nội. Đã đến lúc UBND TP Hà Nội cần cương quyết hơn, kiểm tra, đôn đốc thậm chí ra quyết định thu hồi đất bởi các chủ đầu tư chây ỳ hàng chục năm nay.