Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức hấp dẫn của du lịch Quốc Oai

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với hệ thống di tích văn hóa lịch sử kết hợp hài hòa cùng vẻ đẹp thắng cảnh tự nhiên, huyện Quốc Oai được đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn nhất nhì vùng ngoại thành Hà Nội.

Trong những năm gần đây, huyện đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, biến di sản thành tài sản để phát triển kinh tế - xã hội.

Với hệ thống di tích văn hóa lịch sử kết hợp hài hòa cùng vẻ đẹp thắng cảnh tự nhiên, huyện Quốc Oai được đánh giá là điểm du lịch hấp dẫn nhất nhì vùng ngoại thành Hà Nội. Trong những năm gần đây, huyện đã có kế hoạch đẩy mạnh phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, biến di sản thành tài sản để phát triển kinh tế - xã hội.

Chùa Thầy, xã Sài Sơn. Ảnh: Phương Nga
Chùa Thầy, xã Sài Sơn. Ảnh: Phương Nga

Nhiều sản phẩm du lịch đặc sắc

Nằm ở phía Tây, cách trung tâm Thủ đô Hà Nội chỉ khoảng 20km, huyện Quốc Oai có nhiều lợi thế để phát triển du lịch như giao thông thuận lợi, nguồn tài nguyên thiên nhiên và văn hóa phong phú… Với tiềm năng du lịch tâm linh, sinh thái nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, Quốc Oai đã và đang được biết đến như một trong những điểm đến thú vị cho du khách khi đến với Hà Nội.

Hiện nay trên địa bàn huyện có hơn 220 di tích lịch sử văn hóa, kiến trúc nghệ thuật, trong đó có 2 di tích Quốc gia đặc biệt. Ngoài ra còn có nhiều loại hình văn hóa phi vật thể, tiêu biểu như Lễ hội Hát Dô đền Khánh Xuân, xã Liệp Tuyết; hát ví Hàm Rồng, xã Tuyết Nghĩa; nghệ thuật Tuồng thôn Dương Cốc, xã Đồng Quang; Chiếu Chèo nhạc lễ thôn Tình Lam, xã Đại Thành; nghệ thuật Rối nước xã Sài Sơn... Cùng đa dạng các làng nghề truyền thống, những di tích, danh thắng… Nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng đã và đang được xây dựng.

Nhắc đến Quốc Oai, điều đầu tiên khiến nhiều người nhớ tới là truyền thuyết về thiền sư Từ Đạo Hạnh gắn với cụm Di tích Quốc gia đặc biệt chùa Thầy (xã Sài Sơn). Cùng cụm di tích như chùa Long Đẩu, hang Cắc Cớ, bàn cờ Tiên… tạo thành một quần thể danh thắng không thể tách rời. Vào tháng 3 hàng năm, khi hoa gạo rực đỏ, lễ hội chùa Thầy diễn ra với nhiều hoạt động văn hóa đặc sắc đã trở thành đặc sản hấp dẫn du khách.

Cách chùa Thầy không xa, một di tích cũng tạo nên tên tuổi ở Quốc Oai là đình So (xã Cộng Hòa). Nơi đây được mệnh danh là “đệ nhất đình Đoài”, với kiến trúc độc đáo. Đình được xây dựng vào năm 1673 thờ Tam vị Đại Vương, là tướng nhà Đinh có công giúp vua Đinh Tiên Hoàng – Đinh Bộ Lĩnh dẹp loạn 12 sứ quân. Hiện rất nhiều cấu kiện gỗ của ngôi đình vẫn được giữ nguyên vẹn từ cách đây hàng trăm năm. Trong đình còn lưu giữ 40 đạo sắc phong từ năm Hoằng Định thứ 2 thời nhà Lê đến năm Khải Định thứ 9 thời nhà Nguyễn cùng nhiều hoành phi, câu đối cổ.

Không chỉ có các di tích cổ, Quốc Oai hiện còn là điểm đến thu hút khách khi hình thành lên quần thể Tổ hợp khu du lịch, sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu Hà Nội với tổng diện tích khoảng 250ha. Đây là một khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí mang tầm vóc quốc tế, với các dịch vụ như biểu diễn cá heo, hải cẩu; chợ quê và đặc biệt là show diễn thực cảnh “Tinh Hoa Bắc Bộ”...

Hơn nữa, khi đến với Quốc Oai, du khách còn có thể khai thác các tour du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại các địa phương có tiềm năng và thế mạnh như xã Đông Xuân, Phú Mãn, Hòa Thạch... Du lịch trải nghiệm, du lịch homestay tại khu vực Đông Xuân, Phú Mãn... Hay du lịch làng nghề mộc, miến dong, mây tre đan…

Ưu tiên phát triển du lịch, thu hút đầu tư

Thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII Đảng bộ huyện, Quốc Oai xác định phát triển kinh tế du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng. Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai Hoàng Nguyên Ưng nhấn mạnh: “Huyện luôn đặt vai trò của du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, mũi nhọn, mang nội dung văn hóa sâu sắc, có tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao”.

Theo ông Hoàng Nguyên Ưng, định hướng của huyện trong thời gian tới là phát triển sản phẩm du lịch dựa theo tiềm năng, thế mạnh của từng khu vực. Ngoài thế mạnh du lịch văn hóa tâm linh; du lịch vui chơi giải trí nghỉ dưỡng, huyện tập trung phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với nông nghiệp, nông thôn; du lịch sinh thái trải nghiệm và nghỉ dưỡng, homstay... tại các xã Đông Xuân, Phú Mãn, Phú Cát và Hòa Thạch.

Để khai thác tối đa tiềm năng du lịch, năm 2022, huyện đã có nhiều chủ trương, chính sách, kế hoạch cụ thể, thiết thực thu hút khách du lịch về địa phương. Trong đó có thể kể đến như: Chủ động phối hợp triển khai chương trình tuyên truyền, quảng bá du lịch huyện Quốc Oai trước, trong và sau SEA Games 31; phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội tổ chức đón hơn 1.200 đại biểu dự Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, tham dự chương trình biểu diễn nghệ thuật Tinh hoa Bắc Bộ tại Khu Du lịch, đô thị sinh thái Tuần Châu; phối phợp với Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội và Sở Du lịch Hà Nội đón hơn 400 đại biểu tham dự chương trình “Hành trình Hữu Nghị” năm 2022…

Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực tham gia các sự kiện lễ hội định kỳ hàng năm trên địa bàn TP, như Lễ hội Du lịch Hà Nội, Lễ hội Quà tặng Du lịch Hà Nội, Liên hoan ẩm thực và du lịch làng nghề Hà Nội, chương trình quảng bá sản phẩm du lịch tại Festival sản phẩm nông nghiệp và làng nghề Hà Nội năm 2022...

Để hướng tới hình ảnh là điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”, huyện cũng tập trung triển khai kế hoạch nâng cấp chất lượng sản phẩm du lịch, điểm đến du lịch. Phối hợp tổ chức các chương trình tọa đàm nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ khách du lịch, các lớp tập huấn du lịch cộng đồng. Đồng thời, đầu tư xây dựng thí điểm một số mô hình phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; du lịch cộng đồng theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững. Khuyến khích triển khai các hoạt động du lịch trải nghiệm, du lịch Homestay tại khu vực Đông Xuân, Phú Mãn... UBND huyện đã phối hợp với Sở Du lịch tiến hành khảo sát, đánh giá tiềm năng phát triển Du lịch.

Đặc biệt, huyện đã triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ DN lữ hành, hướng dẫn viên du lịch và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Tập trung hỗ trợ các đơn vị, DN, tổ chức, cá nhân xây dựng một số mô hình sản phẩm du lịch, tour du lịch mới, độc đáo, an toàn.

 

Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2022, huyện đã đón trên 200.000 lượt khách du lịch về tham quan, trải nghiệm. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2023 sẽ đón và phục vụ từ 400.000 - 600.000 lượt khách trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, du lịch thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn của huyện, đồng thời sẽ đón và phục vụ khoảng 1,5 triệu lượt khách du lịch. Phát triển du lịch trên địa bàn, với hình ảnh là điểm đến “an toàn - thân thiện - chất lượng - hấp dẫn”.