Ưu tiên lĩnh vực thế mạnh
Với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, chất lượng hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường… Việt Nam đang là điểm đến hấp dẫn được lựa chọn. Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) Đỗ Văn Sử cho biết, trong 5 năm qua, Trung Quốc luôn là một trong các quốc gia có lượng đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.
Trong 11 tháng năm 2023, Trung Quốc đã đầu tư 3,96 tỷ USD vào Việt Nam, đứng thứ 4/10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Lũy kế đến nay, các nhà đầu tư Trung Quốc đã đầu tư vào Việt Nam 4.161 dự án, tổng vốn đăng ký trên 27 tỷ USD, đứng thứ 6 trên tổng số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc vào Việt Nam đã có sự thay đổi đáng kể trong những năm gần đây với đa dạng ngành nghề và lĩnh vực. Theo đó, bên cạnh việc đầu tư vào các lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, hàng tiêu dùng,… thời gian qua, các nhà đầu tư Trung Quốc đã mở rộng sang các lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo như điện, điện tử, sản xuất lốp, dệt may, da giày,… việc này đóng góp quan trọng vào ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam.
“Với chủ trương hợp tác, thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, hướng đến chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường, Việt Nam ưu tiên thu hút các dự án thuộc các ngành, lĩnh vực. Đó là khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu và phát triển; kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức; linh kiện điện tử, ô tô điện,…; sản xuất chất bán dẫn, năng lượng mới (hydrogen), năng lượng tái tạo; công nghệ sinh học, y tế,… Trong đó, các dự án lĩnh vực điện, điện tử là một trong số các lĩnh vực ưu tiên thu hút của Việt Nam” - ông Đỗ Văn Sử nói.
Tạo sức hút
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử điện thoại Trung Quốc - Ấn Độ - Việt Nam (CMA) Yang Shu Cheng thông tin, CMA là một hiệp hội doanh nghiệp có uy tín chuyên hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư kinh doanh ở nước ngoài. CMA đã tổ chức nhiều khóa đào tạo và xuất bản các tài liệu về logistics, luật, tài chính, thuế, hải quan...
Thực hiện mục tiêu, vào tháng 12/2022, CMA đã tổ chức đoàn khảo sát đầu tiên có 50 thành viên và 15 công ty tham gia vào Việt Nam. Tháng 4/2023, CMA tổ chức đoàn khảo sát lần thứ hai với 126 thành viên và có 17 công ty đầu tư. Đoàn khảo sát lần thứ 3 vào tháng 6/2023, với 40 thành viên, 8 doanh nghiệp đã đầu tư vào Việt Nam để cùng hợp tác phát triển trong lĩnh vực.
“Các hội viên của CMA là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có nhiều kinh nghiệm, năng lực sản xuất các sản phẩm công nghệ cao, đặc biệt là các sản phẩm chip bán dẫn, ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ như điện tử, điện thoại linh kiện bán dẫn, thiết bị điện, thực phẩm và sinh học, tự động hóa... tại Trung Quốc và quốc tế” – vị này nói.
Đồng thời khẳng định, việc ký hợp tác với Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) và Công ty CP Tập đoàn N&G (N&G Group), hay các doanh nghiệp, địa phương khác là một minh chứng để tạo ra chuỗi giá trị.
Theo Chủ tịch Hiệp hội HANSIBA, Chủ tịch điều hành N&G Group Nguyễn Hoàng, Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng đang có rất nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Với chức năng của mình, Tập đoàn sẽ chuẩn bị cơ sở hạ tầng hiện đại, đồng bộ, chất lượng cao tại các khu công nghiệp do N&G Group phát triển tại 3 miền Bắc - Trung - Nam của Việt Nam cho việc hợp tác này.
Việc liên doanh, liên kết sản xuất, kinh doanh để hình thành nên các Tổ hợp sản xuất chip bán dẫn, Tổ hợp cơ khí chính xác cao... trước tiên tại giai đoạn 2 của Khu công nghiệp HANSSIP Hà Nội. Hiện các cơ sở hạ tầng đảm bảo đáp ứng tiêu chí hệ sinh thái công nghiệp đầy đủ, hoàn chỉnh như nhà ở công nhân chuyên gia, trung tâm y tế, khu thương mại dịch vụ - thể thao - văn hoá, trường học, cơ sở đào tạo nghề công nghệ cao chuyên sâu, logistics, hải quan… hướng đến các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp quốc.
Ngoài ra, N&G Group còn có nhiều chính sách hỗ trợ đầu tư, ưu đãi về giá thuê đất, thuê nhà xưởng, dịch vụ hỗ trợ một cửa nhanh nhất và có chiến lược đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao nhằm thu hút các dự án đầu tư, nghiên cứu phát triển, sản xuất các sản phẩm công nghệ cao từ quốc tế, trong đó có Trung Quốc.
Đặc biệt, trong lĩnh vực sản xuất vi mạch, bán dẫn, sản phẩm cho ngành ô tô điện, máy nông nghiệp, linh kiện điện tử và hàng không, máy bay không người lái… với công nghệ cao hướng tới sản phẩm chip bán dẫn mang thương hiệu Việt Nam, mục tiêu để doanh nghiệp Việt Nam và Trung Quốc cùng tham gia mạnh mẽ vào chuỗi sản xuất cung ứng toàn cầu.
Đồng quan điểm, Trưởng Ban quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hải Dương Nguyễn Trung Kiên chia sẻ, Hải Dương duy trì phương châm thu hút các dự án đầu tư theo hướng chọn lọc các dự án quy mô lớn, sử dụng công nghệ hiện đại, công nghệ cao, sản phẩm giá trị gia tăng cao, có sức cạnh tranh, lan tỏa, thu hút các dự án khác. Kiên quyết không chấp nhận những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, áp dụng công nghệ cũ và tiêu tốn nhiều năng lượng, thâm dụng lao động.
Từ thực tế, ông Đỗ Văn Sử kỳ vọng, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài nói chung, Trung Quốc nói riêng sẽ tăng cường hơn nữa hợp tác trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi kinh nghiệm quản trị, phát triển văn hóa kinh doanh; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo, chuyển giao công nghệ, hợp tác với khu vực trong nước, đưa Việt Nam tham gia sâu hơn vào cấu trúc, trật tự đầu tư mới và chuỗi cung ứng toàn cầu.