Sức mạnh cộng hưởng của doanh nghiệp Thủ đô sau hợp nhất

Khắc Kiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, doanh nghiệp, doanh nhân đã khẳng định vai trò, bản lĩnh  trong thời kỳ mới, đóng góp phát triển kinh tế - xã hội… nhờ sức mạnh cộng hưởng, xứng đáng là đầu tàu của đất nước.

Cộng đồng doanh nghiệp Hanoisme chung tay xây dựng nhà Đại đoàn kết trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Khắc Kiên
Cộng đồng doanh nghiệp Hanoisme chung tay xây dựng nhà Đại đoàn kết trên địa bàn Thủ đô. Ảnh: Khắc Kiên

Dấu mốc đổi thay

Theo TS Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP Hà Nội (Hanoisme), đội ngũ doanh nhân Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng sau thời kỳ đổi mới đã nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần liêm chính trong kinh doanh, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội, tham gia chương trình giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội...

Trong phân xưởng tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên
Trong phân xưởng tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

TS Mạc Quốc Anh đánh giá, quãng thời gian 15 năm sau mở rộng địa giới hành chính Thủ đô (1/8/2008 - 1/8/2023) theo Nghị quyết số 15/2008/QH12 là cái chớp mắt của lịch sử. Nhưng đó cũng là dấu mốc quan trọng và khẳng định những chủ trương đưa Hà Nội trở thành Thủ đô lớn thứ 17 trên thế giới là đúng đắn. Hơn hết, sau 15 năm, đời sống kinh tế của người dân nội ngoại thành đều từng bước đổi khác, kinh tế - xã hội Thủ đô ngày một phát triển.

Hà Nội hiện có khoảng 370.000 doanh nghiệp. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% đã và đang đóng góp khoảng 50% GRDP trên địa bàn… Trong 15 năm qua, Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao hơn, đóng góp tích cực vào tăng trưởng cả nước thực sự khẳng định vai trò doanh nghiệp, doanh nhân trong thời kỳ mới của đất nước.

Theo thống kê, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP của Hà Nội tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước (cả nước tăng 5,94%/năm. Quy mô GRDP năm 2022 (theo giá cố định 2010) đạt 772,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,17 lần so với năm 2010. Thu nhập tính theo GRDP tăng lên, bình quân đầu người năm 2022 đạt 141,8 triệu đồng (giá hiện hành) - khoảng 5.950USD, gấp 1,45 lần cả nước (khoảng 4.110USD) gấp 3,5 - 3,8 lần so với năm 2008 (37,4 triệu đồng - khoảng 1.697USD).

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên. Thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn từ 2008 đến nay đều hoàn thành và vượt dự toán được giao.

Hanoisme chung tay phòng chống dịch Covid-19 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Khắc Kiên
Hanoisme chung tay phòng chống dịch Covid-19 tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Sơn Tây, Hà Nội). Ảnh: Khắc Kiên

Không dừng lại ở đó, ngoài bản lĩnh duy trì và phát triển, ngoài các tập đoàn, tổng công ty Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp Thủ đô đã có nhiều trách nhiệm xã hội. Những năm qua, T&T Group, SHB, SHS, Geleximco, Văn Phú - Invest, Tập đoàn Phú Mỹ, Stavian Hóa chất, INOX Hoàng Vũ, M2 Việt Nam… luôn tích cực tham gia ủng hộ, đóng góp Quỹ Vì người nghèo. Hay trong giai đoạn ứng phó với dịch bệnh Covid-19, với các giải pháp thích ứng linh hoạt vẫn duy trì và phát triển sản xuất kinh doanh, đảm bảo đời sống cho người lao động, vừa có nhiều cống hiến và chung tay vượt qua khó khăn…

Đồng hành cùng phát triển

Có thể thấy, sự phát triển vượt bậc của doanh nghiệp Thủ đô sau mở rộng địa giới hành chính đã khẳng định tính đúng đắn, tầm nhìn chiến lược, ý nghĩa lịch sử, thực tiễn lâu dài đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Sunhouse tại Quốc Oai, Hà Nội đang tạo nhiều công an việc làm cho người lao động. Ảnh: Khắc Kiên
Sunhouse tại Quốc Oai, Hà Nội đang tạo nhiều công an việc làm cho người lao động. Ảnh: Khắc Kiên

“Đâu đó, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào đều ghi dấu ấn của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân ra sức nỗ lực đóng góp vào thành tựu chung. Qua đó, góp phần kéo gần khoảng cách giữa thành thị và ngoại thành” – TS Mạc Quốc Anh nói.

Ngoài bản lĩnh tự thân, TS Mạc Quốc Anh khẳng định: Thời gian qua, Chính phủ, thành phố Hà Nội có nhiều giải pháp đồng hành cùng doanh nghiệp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với thực tế từng địa phương sau mở rộng. Đơn cử, Hà Nội đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư... Giai đoạn 2008 - 2022, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội huy động tăng hàng năm 11,04%.

Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT đầu tư nhà máy tại Điểm Công nghiệp Sông Cùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên
Công ty Cổ phần Thiết bị điện MBT đầu tư nhà máy tại Điểm Công nghiệp Sông Cùng, huyện Đan Phượng, Hà Nội. Ảnh: Khắc Kiên

So với Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, dù chỉ bằng 21,2% và 1% tương ứng về diện tích, 41,7% và 8,1% về dân số, nhưng Hà Nội đóng góp tương ứng 47,46% và 12,59% về GRDP, 52,48% và 17,07% về thu ngân sách Nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu, 29,77 và 10,77% kim ngạch nhập khẩu.

“Kinh tế Thủ đô xứng đáng giữ vị trí đầu tàu, là động lực phát triển Vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với của cả nước” - TS. Mạc Quốc Anh khẳng định. Để tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân phát triển, Hà Nội đang tiếp tục không ngừng hoàn thiện hệ thống hạ tầng đồng bộ giữa các quận, huyện, thị xã, thực hiện cải cách hành chính, tinh giản bộ máy, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và gắn bó với Thủ đô…

Một trong những giải pháp thu hút đầu tư, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp là chuyển đổi số. Đầu tháng 2/2023, Hà Nội chính thức khai trương hệ thống thông tin, ứng dụng dùng chung Thành phố.

Tại sự kiện quan trọng này, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định: Với việc sớm đưa vào vận hành hệ thống dùng chung đã thể hiện rõ quyết tâm của Hà Nội trong việc thực hiện "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" của Chính phủ. Ứng dụng này sẽ tạo ra những thay đổi đột phá trong công tác cải cách hành chính, bảo đảm hoạt động của chính quyền công khai minh bạch, hiệu lực, hiệu quả với mục tiêu phục vụ tốt nhất hoạt động của người dân và doanh nghiệp.