Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức mạnh của công nghệ trong bảo tồn di sản văn hóa

Cẩm Tú
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 10/11, tại Trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã diễn ra tọa đàm “Ký ức nhân văn và trí tuệ nhân tạo – Vai trò công nghệ với bảo tồn ký ức văn hóa” trong khuôn khổ Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024.

Ứng dụng AI trong phục hồi ký ức văn hóa

Ứng dụng AI trong bảo tồn văn hóa đã mang lại nhiều kết quả. Điển hình là dự án phục dựng bức tranh nổi tiếng “Thăng Đường Nhập Thất” của danh họa Victor Tardieu. Đây là bức họa khổng lồ với kích thước 11x7m, được vẽ theo phong cách phương Tây nhưng nội dung tác phẩm hoàn toàn mang chất Việt. Dù được công chúng biết đến nhiều qua bản vẽ lại vào năm 2006, nhưng những tâm tư của danh họa cách nay một thế kỷ vẫn còn nhiều bí ẩn.

Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Cẩm Tú
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Cẩm Tú

Chính vì vậy, tác phẩm video art được khởi xướng từ ý tưởng của TS Trần Hậu Yên Thế, TS Phạm Long cùng thạc sĩ Triệu Minh Hải và kỹ sư Viên Hồng Quang đã tái hiện chân thực nhất, sát nhất với nguyên gốc bằng sự kết hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo.

TS Trần Hậu Yên Thế - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học quốc gia Hà Nội cho biết, bức tranh “Thăng Đường Nhập Thất” phản ánh sự giao thoa văn hóa Đông - Tây với hơn 200 nhân vật, nhiều trong số đó là các nhân vật có thật và có địa vị trong xã hội đương thời.

Không chỉ là tác phẩm nghệ thuật, bức tranh còn là tài liệu lịch sử quý giá, cung cấp cái nhìn toàn cảnh về xã hội phương Đông dưới ảnh hưởng của phương Tây như hệ thống vật dụng, phương tiện giao thông, dạng thức kiến trúc, đặc điểm địa lý, giống cây trồng, vật nuôi, trang phục…

Đáng chú ý, bản vẽ lại năm 2006 đã bỏ sót dòng chữ Latinh “Alma Mater Ex Te Nobis Dignitas Ubertas Felicitas” (Đại học mang đến phẩm giá, phồn thịnh, hạnh phúc), điều mà dự án mong muốn tái hiện với sự hỗ trợ của AI để giữ trọn vẹn ý nghĩa của tác phẩm.

Bằng sự tiến bộ thần tốc của khoa học trí tuệ nhân tạo, khối lượng tư liệu đồ sộ mà thế hệ đi trước để lại và cả những câu chuyện từ hồi ký của người đương thời, kỹ sư Viên Hồng Quang khẳng định, việc làm sống lại những tác phẩm mỹ thuật để đưa đến công chúng là hoàn toàn trong khả năng của chúng ta.

“Chúng tôi mong muốn những bức tranh ấy không chỉ mang sứ mệnh về mỹ thuật, mà còn làm sáng tỏ hơn lịch sử xã hội một thời của đất nước Việt Nam” - kỹ sư Viên Hồng Quang nhấn mạnh.

AI không thể thay thế con người

Cũng trong buổi tọa đàm, thạc sĩ Triệu Minh Hải - Trường Khoa học liên ngành và Nghệ thuật, Đại học Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh, AI không phải công cụ vạn năng có thể thay thế bàn tay con người. Dù AI hỗ trợ phục dựng tác phẩm cổ bằng khả năng chuyển đổi hình ảnh và tái hiện màu sắc, nhưng chính các nghệ sĩ mới là người xác định và chọn lọc chi tiết cho phù hợp.

"Mỗi tác phẩm phục dựng từ AI đều đòi hỏi nghệ sĩ cung cấp dữ liệu đúng, xác nhận các điểm mốc chính xác và giám sát từng bước, đảm bảo tác phẩm giữ được giá trị gốc mà không bị bóp méo" - thạc sĩ Triệu Minh Hải chia sẻ.

Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Cẩm Tú
Các diễn giả chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Cẩm Tú

Tiếp nối quan điểm này, thạc sĩ Phạm Trung Hưng - Giám đốc Công ty CMYK cho rằng, AI thực chất là “cánh tay nối dài”, giúp lan tỏa nghệ thuật một cách nhanh chóng hơn nhưng không thể hoàn toàn tự xử lý độc lập. Theo ông Phạm Trung Hưng, AI có thể mở ra các hướng đi mới nhưng nếu thiếu nghiên cứu và giám sát, các sản phẩm nghệ thuật phục dựng từ AI dễ rơi vào tình trạng hỗn loạn, đánh mất ý nghĩa gốc.

PGS Nguyễn Xuân Thành - nguyên Trưởng khoa Điêu khắc, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam cũng nhận định: “Dù AI hiện đại đến đâu, vai trò của cảm xúc và nhận thức của con người vẫn không thể thiếu khi truyền tải các giá trị văn hóa”. Ông cho rằng, công nghệ dù có thể xử lý nhanh chóng nhưng điều làm nên chiều sâu của tác phẩm nghệ thuật chính là cảm xúc và tâm huyết của người nghệ sĩ - yếu tố mà AI khó có thể thay thế.

Qua tọa đàm, các chuyên gia đều nhất trí rằng AI không thể thay thế hoàn toàn sự kết hợp tinh tế giữa cảm xúc, hiểu biết và thẩm mỹ nghệ thuật của con người. AI có thể là công cụ mạnh mẽ cho bảo tồn văn hóa nhưng vẫn cần bàn tay và trí tuệ của người nghệ sĩ để truyền tải trọn vẹn giá trị của các tác phẩm lịch sử đến với công chúng.