Ý thức sâu sắc vai trò quan trọng của công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” mà Đảng, Nhà nước quán triệt, Đảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của T.Ư để vận động và tập hợp Nhân dân. Từ đó, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân cùng chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô phát triển…
Trong bài “Dân vận” trên báo Sự thật (số ra ngày 15/10/1949) cách đây 75 năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho… Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”.
Theo Người, để quần chúng Nhân dân thực hiện được vai trò cách mạng của mình thì cần thực hiện công tác dân vận. Để thực hiện tốt công tác dân vận, mỗi chủ thể tiến hành công tác dân vận phải có phương pháp dân vận cụ thể, dân vận khéo bởi “dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Đây được coi là cẩm nang của công tác dân vận, chỉ dẫn đầy đủ, sâu sắc về mục đích, đối tượng, nhiệm vụ, phương pháp công tác dân vận đối với cán bộ, đảng viên, tổ chức chính quyền và các đoàn thể trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng.
Thấm nhuần tư tưởng của Bác, phương thức lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong những năm qua có những đổi mới nhất định theo hướng bám sát thực tiễn, nguyện vọng của Nhân dân để ban hành các nghị quyết, tuyên truyền, vận động, thuyết phục Nhân dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, Đảng ta cũng đã ban hành Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị (Quyết định 290-QĐ/TW, ngày 25/2/2010 của Bộ Chính trị khóa X; Quyết định số 23-QĐ/TW, ngày 30/7/2021 của Bộ Chính trị khóa XIII).
Theo đó, lần đầu tiên, một kỳ Đại hội của Đảng đã đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” vào Văn kiện Đại hội. Trong Nghị quyết Đại hội XIII, nội dung và nhận thức về công tác dân vận được đề cập một cách toàn diện, sâu sắc, với nhiều điểm mới nổi bật như: khẳng định sâu sắc hơn tầm quan trọng; yêu cầu cao hơn về mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân; vai trò của Nhân dân đối với công tác xây dựng Đảng…
Đảng xác định rõ yêu cầu, nhiệm vụ là “thắt chặt hơn nữa mối quan hệ mật thiết giữa Đảng với Nhân dân, dựa vào Nhân dân để xây dựng Đảng”. Để thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân, Đảng nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị về công tác dân vận; có cơ chế phát huy vai trò của Nhân dân tham gia xây dựng Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh trong tình hình mới”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cũng chỉ rõ: “Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện tốt phong trào thi đua “Dân vận khéo”, tuyên truyền, biểu dương, nhân rộng các mô hình, điển hình về công tác dân vận” là một trong những giải pháp quan trọng để củng cố, phát huy sức mạnh đoàn kết của toàn dân tộc, góp phần thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân.
Vào thời điểm năm 1999, nhân kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ viết bài báo “Dân vận”, Bộ Chính trị đã quyết định lấy ngày 15/10 hằng năm là “Ngày Dân vận của cả nước”. Ngày 11/8/2000, Thường vụ Bộ Chính trị ban hành Công văn số 4626-CV/VPTW về việc chỉ đạo tổ chức thực hiện “Ngày Dân vận của cả nước”. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Bộ Chính trị, ngày 22/8/2000, Ban Dân vận T.Ư đã triển khai Kế hoạch số 03-KH/BDVTW “Về việc tiến hành Ngày Dân vận của cả nước và Kỷ niệm 70 năm truyền thống công tác Dân vận của Đảng” với các nội dung, hình thức và phương pháp “Dân vận khéo” theo tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đến năm 2009, trên cơ sở tổng kết thực tiễn các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” đã được xây dựng, tiếp tục mở rộng hình thức vận động quần chúng Nhân dân, đổi mới và nâng cao chất lượng công tác dân vận của Ðảng, Ban Dân vận T.Ư chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước bằng Kế hoạch số 70-KH/BDVTW ngày 26/02/2009 về việc tổ chức phong trào thi đua này giai đoạn 2009-2010 và Hướng dẫn số 151-HD/BDVTW ngày 27/4/2009 về tiêu chí cơ bản đánh giá điển hình “Dân vận khéo”.
Phong trào thi đua “Dân vận khéo” được Ban Dân vận T.Ư đề xuất và phát động được các cấp ủy đảng trên cả nước nói chung và TP Hà Nội nói riêng quan tâm thực hiện và được hệ thống dân vận các cấp triển khai thực hiện khá hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng tới cả hệ thống chính trị. Với nhiều mô hình, cách làm hay, thiết thực đã tạo ra hàng nghìn điển hình tiên tiến mỗi năm. Từ đó, đóng góp tích cực vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm quốc phòng - an ninh, xây dựng Đảng, chính quyền ở cơ quan, địa phương, đơn vị.
Từ năm 2013, thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành T.Ư khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” đã chính thức đưa phong trào thi đua “Dân vận khéo” thành nhiệm vụ, giải pháp để các cấp ủy đảng lãnh đạo và hệ thống chính trị tổ chức thực hiện.
Đảng bộ TP Hà Nội là Đảng bộ lớn, có số lượng đảng viên đông nhất so với cả nước. Những năm qua, Đảng bộ TP Hà Nội luôn chủ động vận dụng sáng tạo, linh hoạt các quan điểm chỉ đạo của Đảng và Bác về công tác dân vận. Hoạt động của hệ thống dân vận từ TP đến cơ sở có nhiều đổi mới, chủ động, thiết thực, hiệu quả trong công tác tham mưu, phối hợp tốt với các lực lượng, cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện công tác dân vận đồng bộ, hiệu quả hơn.
Cụ thể hóa thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết số 25-NQ/TW, ngày 3/6/2013 của Hội nghị T.Ư 7, khóa XI, về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”, phong trào thi đua “Dân vận khéo” đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở đẩy mạnh chỉ đạo và tổ chức thực hiện, nên đã có sức lan tỏa, đạt hiệu quả thiết thực trên các lĩnh vực.
Quán triệt sâu sắc quan điểm “dân là gốc”, “dân là trung tâm”, thời gian qua, Đảng bộ TP Hà Nội đã thực hiện nghiêm túc, vận dụng sáng tạo, linh hoạt các chủ trương, đường lối của T.Ư để vận động, tập hợp Nhân dân. Qua đó đã phát huy dân chủ, khơi dậy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để cùng chung sức, đồng lòng xây dựng Thủ đô “văn hiến - văn minh - hiện đại”.
Cách đây 15 năm, khi Ban Dân vận T.Ư chính thức phát động phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong cả nước, Thủ đô Hà Nội là địa phương tích cực hưởng ứng và có nhiều mô hình, cách làm sáng tạo được T.Ư ghi nhận, đánh giá cao. Thực hiện các kế hoạch, hướng dẫn của Ban Dân vận T.Ư và chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy đã chủ động ban hành các văn bản triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong từng năm và từng giai đoạn với các nội dung thiết thực, cụ thể, bám sát các nhiệm vụ chính trị trọng tâm, các vấn đề khó khăn, phức tạp của từng địa phương, đơn vị và toàn TP.
Theo đó, đã tham mưu Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị số 12-CT/TU ngày 5/12/2016 về “đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2016-2020”; Công văn số 88-CV/TU ngày 15/3/2021 về “tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025”.
Thành phố đã triển khai cuộc thi viết về gương “Dân vận khéo” năm 2018, 2020; tổ chức hội thi “Dân vận khéo” bằng hình thức sân khấu hóa năm 2019 và mới đây nhất đã tổ chức thành công hội thi năm 2024; phát hành cuốn sách "Những điển hình “Dân vận khéo” của Thủ đô năm 2020", “Dân vận khéo trong phát triển văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh” năm 2023; hưởng ứng cuộc thi Báo chí viết về gương “Dân vận khéo”… Đồng thời chú trọng khảo sát, đánh giá, biểu dương, nhân rộng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh đó, Thành ủy Hà Nội đã xác định đúng, trúng và thống nhất quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo” gắn với các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của từng cơ quan, địa phương, đơn vị và toàn TP với các cuộc vận động, các chương trình mục tiêu quốc gia, các phong trào thi đua yêu nước. Nhất là việc “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” hay cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, thực hiện dân chủ ở cơ sở...
Ngoài ra, công tác tuyên truyền phong trào thi đua “Dân vận khéo” được tăng cường với nhiều hình thức phong phú. Theo đó, cùng với việc đẩy mạnh tuyên truyền, lan tỏa các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn TP đã triển khai phong trào với các hình thức đa dạng, thiết thực, hiệu quả như: tổ chức Hội thi “Dân vận khéo”, Ngày hội “Dân vận khéo”, các hội nghị tọa đàm, cuộc thi viết, xuất bản sách về gương điển hình “Dân vận khéo” tiêu biểu... Từ đó, tạo đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trên địa bàn về công tác dân vận nói chung, phong trào thi đua “Dân vận khéo” nói riêng.
Kết quả, từ năm 2010 đến nay, hàng nghìn mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu đã được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ TP đến cơ sở ghi nhận, biểu dương khen thưởng và nhân rộng, đóng góp tích cực trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô. Đặc biệt, công tác dân vận và phong trào thi đua “Dân vận khéo” càng được đẩy mạnh khi thực hiện các nhiệm vụ khó khăn, phức tạp và trong những hoàn cảnh cam go, thử thách như thiên tai, dịch bệnh...
Thông qua đó, đã phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội, nhân lên những nghĩa cử cao đẹp và tinh thần tự nguyện. Huy động nguồn lực to lớn từ sức mạnh và sự đồng thuận, ủng hộ của Nhân dân, cùng với cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện thành công các chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ trọng tâm của TP. Từ đó, tạo động lực quan trọng để Hà Nội phát triển nhanh và bền vững. (Còn nữa…)
09:23 22/11/2024