Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức mua chưa tăng như mong đợi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sức mua trên thị trường những ngày cuối năm vẫn trầm lắng. Tuy nhiên, điều đáng ghi nhận là các mặt hàng do doanh nghiệp trong nước sản xuất đã được người tiêu dùng tín nhiệm.

Thị trường trầm lắng

Tại các siêu thị lớn trên địa bàn Hà Nội như Big C, Fivimart, Hapro… mặc dù lượng người mua sắm đã bắt đầu tăng khoảng 20 - 30% so với ngày thường nhưng so với cùng thời điểm năm trước chỉ bằng 70 - 80%. Đại diện các siêu thị đều có chung nhận định: Những năm trước từ đầu tháng 12 Âm lịch, sức mua trên thị trường tăng khá mạnh, nhưng năm nay lượng khách không tăng mạnh như mong muốn.

Đại diện một công ty kinh doanh bánh mứt kẹo trên địa bàn Hà Nội chia sẻ: Thông thường sức mua cuối năm cao hơn bình thường từ 50 - 80%, nhưng do kinh tế khó khăn, thu nhập của người lao động chưa được cải thiện nên sức mua bị hạn chế. Vì vậy, công ty cũng chỉ dám chuẩn bị lượng hàng nhiều cùng kỳ năm trước 10%, đồng thời vừa sản xuất vừa theo dõi thị trường để điều chỉnh kế hoạch chứ không sản xuất đón đầu tràn lan như trước. 

 
Người tiêu dùng mua hàng Tết tại cửa hàng của Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội.      Ảnh: Thanh Hải
Người tiêu dùng mua hàng Tết tại cửa hàng của Công ty CP Bánh mứt kẹo Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội phân tích: Có 2 yếu tố ảnh hưởng tới sức mua dịp cuối năm, đó là tăng dân số cơ học và tăng số tiền trong túi của người dân. Tuy nhiên, năm nay lương, thưởng đều sụt giảm, điều này ảnh hưởng lớn tới sức tiêu thụ hàng hóa. Thực tế cho thấy, sức mua hàng dịp cuối năm chưa tăng còn do xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Thay vì mua thực phẩm tích trữ ăn cả tuần như trước đây, người dân chỉ mua thực phẩm đủ ăn trong 2 - 3 ngày. Do đó, sức mua của người dân đến thời điểm này không tăng đột biến cũng là điều không quá khó hiểu.

Bánh kẹo Việt được ưa chuộng

Những năm trước, các loại bánh, kẹo nhập khẩu được tiêu thụ mạnh, nhưng năm nay các sản phẩm bánh kẹo do các doanh nghiệp trong nước như Kinh Đô, Bibica, Hải Hà, Hữu Nghị đã được nhiều người lựa chọn. Nguyên nhân là do sản phẩm nội đã có sự cải tiến nhất định về mẫu mã, chất lượng lại chẳng thua kém gì hàng ngoại nhập quan trọng hơn cả là xuất xứ rõ ràng. 

Theo đánh giá của ông Nguyễn Tiến Dũng - Giám đốc Siêu thị Co.op Mart Hà Nội: Thị trường bánh kẹo năm nay ghi nhận sự bứt phá của doanh nghiệp nội cả về chủng loại, bao bì và chất lượng. Nhằm thu hút người tiêu dùng sử dụng hàng nội, qua đó hỗ trợ doanh nghiệp trong nước chiếm lĩnh thị phần hầu hết các siêu thị đều dành hẳn một khu vực riêng bày bán những mặt hàng này. Tại hệ thống Siêu thị Co.op Mart, hàng Việt hiện chiếm từ 90 - 95% cơ cấu hàng hóa của siêu thị. Ngoài ra, cũng có một tỷ lệ lớn hàng đặc sản của làng nghề, những thương hiệu hàng Việt Nam truyền thống nổi tiếng.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Việt Hùng.
Khách hàng lựa chọn sản phẩm tại siêu thị Co.op Mart. Ảnh: Việt Hùng.
Bà Dương Thị Quỳnh Trang - Giám đốc đối ngoại hệ thống Siêu thị BigC cho biết: Các loại thực phẩm chủ đạo dịp cuối năm như rượu, bia và mứt bánh kẹo, trà, cà phê... đại đa số là hàng Việt Nam. Trong cơ cấu giỏ quà Tết của Big C, trừ các giỏ quà loại trung và cao cấp có rượu ngoại, còn lại khoảng 97% hàng hóa trong giỏ quà là hàng sản xuất tại Việt Nam gồm mứt bánh, kẹo, cà phê, trà, hạt điều. 

Theo số liệu điều tra do Bộ Công Thương công bố, qua 4 năm triển khai Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", đã có 71% người dân trong nước tin dùng hàng Việt. Tại thị trường Hà Nội, nhận thức về hàng Việt của người tiêu dùng được thể hiện rõ nét. Cụ thể là nếu như năm 2009, chỉ có 32% người tiêu dùng quan tâm đến hàng Việt Nam thì đến nay con số này đã tăng lên hơn 60% và dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Sức mua tăng trong dịp cuối năm cũng sẽ là cơ hội cho doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh đầu tư, mở rộng sản xuất, từ đó chiếm lĩnh thị trường.