Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức nóng từ Fintech

Nguyên Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuộc cách mạng công nghệ số đang tạo ra nhiều đối thủ mới cho các ngân hàng, trong đó có các Fintech (công ty công nghệ khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính).

Sự trỗi dậy của Fintech đang đe dọa thị phần và trở thành cái gai trong mắt nhiều nhà ngân hàng.

Nhiều tiện ích vượt trội

Dịch vụ e-banking là tiện ích cộng thêm trên nền tảng tài khoản ngân hàng hiện hữu, gồm mobile-banking, internet-banking, SMS-banking… Để sử dụng thêm những dịch vụ này, người dùng cần đến ngân hàng làm thủ tục như bình thường. Trong khi đó, với Fintech (viết tắt của từ Financial Technology, có nghĩa là công ty công nghệ tài chính), khách hàng có thể tiếp cận hầu hết dịch vụ tài chính với chi phí rẻ hơn, dễ dàng hơn, mà không cần đến ngân hàng, tiết kiệm được thời gian, chi phí. Hiện nay, các Fintech đã đáp ứng hầu hết dịch vụ tài chính mà trước đây ngân hàng “độc quyền” như gửi tiết kiệm, rút tiền, chuyển tiền, thanh toán…

Hướng dẫn khách hàng làm thủ tục tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Hải Linh

Nổi bật nhất trong việc đón bắt xu hướng Fintech tại Việt Nam có thể kể đến ví điện tử Vimo. Ngoài việc cho phép người dùng kiểm soát thông tin tài khoản trực tuyến, thanh toán hóa đơn, chuyển tiền thanh toán, nạp tiền điện thoại…, Vimo còn hỗ trợ khách hàng rút tiền tại ATM mà không cần quẹt thẻ hay sử dụng thiết bị đọc thẻ di động (mPoS) kết nối với điện thoại để nhận hoặc chuyển tiền thanh toán. Để nạp tiền vào ví điện tử, người dùng cũng dễ dàng hơn với nhiều lựa chọn: Nạp tiền từ tài khoản ngân hàng cá nhân, thẻ thanh toán, thẻ cào di động, nhận chuyển khoản ngân hàng, internet banking, chuyển tiền tại cây ATM… Thậm chí, đại diện MobiFone - đơn vị phát triển ví Vimo cho biết, trong tương lai, Vimo sẽ hỗ trợ thanh toán cho cả các thuê bao không có tài khoản ngân hàng. Đặc biệt, chi phí chuyển tiền qua Vimo rất tiết kiệm, chỉ từ 1.000 đồng, thấp hơn nhiều so với giao dịch qua ngân hàng thông thường. Các chuyên gia nhận định, theo xu hướng toàn cầu, các Fintech Việt sẽ tiếp tục thu hút đầu tư trong thời gian tới.

Ngân hàng chạy đua

Xuất hiện ở Việt Nam chưa lâu, song các Fintech ở Việt Nam phát triển rất nhanh chóng và đang chiếm giữ thị phần đáng kể. Đơn cử như ngách thị trường có thể thấy là ECPay với thanh toán hóa đơn tiền điện; MoMo với dịch vụ chuyển tiền và thanh toán di động; Nganluong, 123Pay, VTCPay, Baokim... phục vụ các sàn thương mại điện tử, mạng viễn thông, kinh doanh nội dung số hoặc game trực tuyến. Những loại hình Fintech mới cũng góp mặt như Loanvi (huydong.vn) - hệ thống kết nối cho vay ngang hàng trực tuyến (P2P); Mobivi với giải pháp mua hàng trả góp iCare, tương tự Manhthuongquan như cổng kết nối các tổ chức tín dụng với dịch vụ trả góp không lãi suất nhắm đến người thu nhập bình dân. Bên cạnh đó, manh nha các dịch vụ như gọi vốn cộng đồng, nền tảng xử lý thanh toán ảo, thanh toán thẻ di động...

Ông Nguyễn Hòa Bình - một trong những người phát triển Fintech sớm nhất tại thị trường Việt Nam cho biết: “Năm 2008, khi eBay vào khu vực, liên kết với sàn chodientu.vn của chúng tôi để ra mắt eBay.vn, tôi thấy khách hàng gặp khó khăn về thanh toán xuyên biên giới bởi sản phẩm của ngân hàng chưa có hoặc còn yếu, chưa bám sát nhu cầu thị trường. Chính vì vậy, chúng tôi tự nghiên cứu và đầu năm 2009 ra mắt Fintech đầu tiên: nganluong.vn. Đây là cổng thanh toán điện tử đầu tiên tại Việt Nam và cũng đang phát triển rất mạnh”.

Vừa qua, thị trường cũng đã chứng kiến lần đầu tiên trung gian thanh toán “qua mặt” ngân hàng trong lĩnh vực tiện ích. Theo báo cáo thu hộ tiền điện của điện lực Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, Payoo có lượng giao dịch tăng nhanh những năm gần đây, năm 2015 tăng 89% so với năm 2014. Số liệu tháng của điện lực TP Hồ Chí Minh cho thấy, gần đây tỷ lệ thanh toán qua kênh này chiếm 44% với hơn 900.000 hóa đơn trị giá 2.980 tỷ đồng. Payoo dẫn đầu với 8,36%, bỏ xa đơn vị kế tiếp ABBank 4,27%, Sacombank 2,6%, Vietcombank 2,43% và các ngân hàng khác dưới 1%.

Đây cũng là lý do mà nhiều ngân hàng đang chạy đua để đầu tư cho công nghệ số. Tại Vietcombank, mỗi năm có 30 - 40 triệu USD được chi để đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ. Số lượng khách hàng sử dụng internet banking nhờ vậy cũng tăng trung bình 1 triệu khách/năm. TPBank cũng nhờ ứng dụng công nghệ số mà đã vượt qua khủng hoảng, vươn lên ngân hàng tầm trung và được các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá cao. Rõ ràng, công nghệ không chỉ đưa đến nhiều đối thủ mới cho các ngân hàng, mà còn khiến cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng ngày càng gay gắt.

Nếu không tận dụng Fintech, chính chúng ta sẽ mất đất phát triển. Chính phủ nếu thấy tiềm năng của Fintech thì cần khẩn trương vào cuộc. Thách thức với nhà hoạch định chính sách là khung pháp lý cần cải tiến để thích ứng với các thay đổi “vừa chấp nhận đột phá, vừa kiểm soát được các biến động, đồng thời bảo vệ người tiêu dùng và duy trì tính thống nhất của các thị trường.

Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia  Vũ Viết Ngoạn


Theo đề án phát triển và đa dạng hóa dịch vụ thanh toán, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang cho phép thí điểm một số mô hình thanh toán hiện đại nhưng dễ sử dụng, phù hợp với địa bàn nông thôn, trên cơ sở liên kết giữa mạng lưới ngân hàng với các tổ chức kinh doanh như các cửa hàng xăng dầu, đại lý viễn thông, hệ thống bưu cục... NHNN sẽ dần hoàn thiện hành lang pháp lý cho các tổ chức phi ngân hàng tham gia hoạt động thanh toán, thúc đẩy các ứng dụng công nghệ phục vụ tài chính phát triển.

Vụ trưởng Vụ Thanh toán (NHNN)  Bùi Quang Tiên


Cuộc đua công nghệ được dự đoán sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nữa trong năm sau, khi nhiều startup Fintech ra đời và các ngân hàng quốc tế vốn đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng của thị trường Việt Nam. Quan hệ ngân hàng - Fintech cũng sẽ đi qua một giai đoạn tương tự cái nhìn “thù địch” của ngành vận tải truyền thống đối với Uber hay ngành khách sạn đối với Airbnb. Ngân hàng nên xác định Fintech là đối tượng cạnh tranh hay bạn bè hợp tác? Câu trả lời là cả hai, bởi các ngân hàng có thể dựa trên đội ngũ của Fintech để tối ưu hóa dịch vụ mình đang cung cấp, đồng thời không nên bỏ qua sự mạo hiểm đầu tư vào Fintech.

Chuyên gia Ngân hàng Thế giới  Ivan Mortimer Schutts