Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sức sống của hợp tác xã kiểu mới

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ vận dụng linh hoạt Luật Hợp tác xã (HTX) năm 2012, nhiều HTX trên địa bàn huyện Phúc Thọ đã hoạt động hiệu quả hơn, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

 Giám đốc HTX Đạt Thắng Nguyễn Văn Hào chăm sóc đàn bò của gia đình.
Năm 2015, anh Nguyễn Văn Hào, cụm 1, xã Thượng Cốc, huyện Phúc Thọ mạnh dạn đứng ra thành lập HTX Sản xuất và dịch vụ tổng hợp Đạt Thắng, chuyên sản xuất, kinh doanh rau an toàn hữu cơ, nuôi và bán bò giống, giống cây trồng tổng hợp. HTX thu hút 7 thành viên tham gia, với tổng vốn điều lệ hơn 1,6 tỷ đồng. Sau 4 năm hoạt động, HTX Đạt Thắng đã trở thành mô hình HTX kiểu mới tiêu biểu trong lĩnh vực chăn nuôi, sản xuất nông sản sạch trên địa bàn huyện Phúc Thọ.
Giám đốc HTX Đạt Thắng Nguyễn Văn Hào phấn khởi cho biết: Đến nay, riêng doanh thu từ đàn bò của HTX là gần 3 tỷ đồng/năm. Không chỉ phát triển chăn nuôi bò thịt, HTX còn đầu tư trồng rau hữu cơ, chủ yếu là măng tây xanh trên diện tích 5.000m2. Với phương châm “sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn”, HTX đã xây dựng quy chế nghiêm ngặt từ việc chọn giống, quy trình trồng, chăn nuôi đảm bảo đúng kỹ thuật. Bên cạnh đó, HTX trực tiếp liên kết với các nhà hàng, khách sạn lớn, cơ sở kinh doanh trong và ngoài TP để ký hợp đồng bán sản phẩm. Lợi nhuận mà HTX thu được từ các mô hình trồng rau và chăn nuôi lên đến hàng trăm triệu đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 15 - 20 lao động trong xã, với mức lương ổn định từ 2 - 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Tương tự, năm 2013, HTX Liên minh chăn nuôi Phúc Thọ được thành lập mới theo Luật HTX năm 2012, với 70 thành viên tham gia sản xuất nông nghiệp trên diện tích 2,5ha. Các thành viên đã góp vốn xây dựng chuồng trại có quy mô 5.000 con lợn thương phẩm, 8.000 con vịt, 200 con bò và 1.000m2 nuôi trồng thủy sản. Nhờ áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn, mỗi năm, HTX cung cấp cho thị trường hơn 600 tấn lợn thịt, gần 300 tấn cá và hàng triệu quả trứng vịt. Trừ chi phí, lợi nhuận của HTX thu được hơn 1 tỷ đồng/năm.
Theo Phó trưởng Phòng Kinh tế huyện Phúc Thọ Bùi Thị Thanh Tuyết, sau khi chuyển đổi theo Luật HTX 2012, đến nay Phúc Thọ có 34 HTX, trong đó có 23 HTX nông nghiệp và 11 HTX chuyên ngành. Các HTX sau khi tổ chức lại theo Luật HTX 2012 hoạt động hiệu quả hơn, bộ máy quản lý và điều hành gọn nhẹ, số lượng cán bộ HTX trẻ đã qua đào tạo tăng lên. Cùng với đó, nhận thức của cán bộ quản lý HTX được nâng cao, các HTX đa dạng hóa ngành nghề, có nhiều dịch vụ cung ứng cho các thành viên như tưới tiêu, làm đất, giống cây trồng… Điều này đã giúp HTX phục vụ nhu cầu thiết thực và nâng cao đời sống của thành viên, đặc biệt góp phần thay đổi cách nghĩ, cách làm, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.