Sức sống mới từ không gian nghệ thuật cộng đồng

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhờ bàn tay tài hoa của các nghệ sĩ những không gian nghệ thuật như bích họa Phùng Hưng, con đường nghệ thuật ở bãi rác Phúc Tân xuất hiện ngày càng nhiều. Tuy nhiên, không phải không gian nghệ thuật cộng đồng nào cũng thành công, mang lại hiệu quả sử dụng cho người dân.

Nâng cao giá trị cảnh quan
Những năm gần đây, các dự án nghệ thuật công cộng ở Hà Nội xuất hiện ngày càng nhiều cùng với khả năng tương tác, biến người xem trở thành một thành tố quan trọng, góp phần thay đổi môi trường sống, ý thức của một bộ phận người dân Thủ đô. Đơn cử, năm 2020, trước khi triển khai dự án cải tạo bãi rác Phúc Tân trở thành con đường nghệ thuật, 16 nghệ sĩ thực hiện dự án phải bắt đầu dọn rác từ chính nơi mình đứng, dựng từng viên đá cũ lên thành chỗ ngồi. Sau nhiều ngày tháng thực hiện, 16 tác phẩm được làm từ những vật liệu tái chế từ vỏ chai nhựa, thùng phuy đến lốp xe… đã thức tỉnh không gian sống của người dân nơi đây.
  Không gian nghệ thuật công cộng tại Phúc Tân. Ảnh: Lại Tấn
Trước đó, năm 2018, quận Hoàn Kiếm đã khởi động dự án bích họa trên phố Phùng Hưng với sự hợp tác của Hội Kiến trúc sư Hà Nội, Korean Foundation, UN Habitat và các nghệ sĩ tình nguyện. Ngay sau khi hoàn thành, dự án đã nhận được sự đón nhận nhiệt tình của người dân Thủ đô và du khách, với hàng triệu lượt khách ghé xem và tương tác trong suốt hơn 3 năm qua. Đáng kể hơn, dự án đã đem lại một sức sống hoàn toàn mới cho một đoạn phố nhếch nhác và ô nhiễm trước đó. Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Nghệ thuật công cộng càng ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng một xã hội đáng sống, hình thành trên nền tảng những công dân biết yêu cái đẹp, hướng đến tính thiện và biết chia sẻ yêu thương”.

Cần giải pháp bền vững

Thực tế cho thấy, không phải dự án nghệ thuật công cộng nào sau khi thành công, làm thay đổi ý thức của người dân đều có thể duy trì, tồn tại được mãi. Đơn cử, năm 2000, dự án con đường gốm sứ ven sông Hồng đã mang lại nhiều điều mới mẻ cho cư dân Thủ đô khi biến gần 4km tường đê ven sông Hồng đang lâm vào tình trạng bong tróc, hôi hám, mất vệ sinh thành một đoạn đường đê lung linh sắc màu của gốm. Tuy nhiên, giờ đây, ở nhiều đoạn xuất hiện cảnh vứt rác hoặc tùy tiện phóng uế.

Để dự án nghệ thuật công cộng có thể tồn tại bền vững, theo các kiến trúc sư, khi bắt đầu một ý tưởng sáng tạo một không gian nghệ thuật công cộng, nghệ sĩ cần biết rõ đang sáng tác cho ai. Nếu sáng tác cho cộng đồng dân cư thì phải đối thoại với họ để nắm rõ mong muốn, tâm tư, để những tác phẩm trong không gian ấy trở nên gần gũi, dễ tương tác với công chúng. Công chúng sẽ rất công bằng, khi yêu thích, họ sẽ có ý thức gắn kết, phát triển không gian nghệ thuật đó.

Đồng thời, theo Giám tuyển dự án nghệ thuật ở Phúc Tân, họa sĩ Nguyễn Thế Sơn: "Muốn kêu gọi sự nhận thức và chung tay của cộng đồng, chúng tôi đã quyết định tiến hành dự án theo cách từ dưới đi lên. Sẽ chỉ tiến hành thi công và làm tác phẩm khi có được sự chia sẻ, cảm nhận đầy đủ từ phía người dân và chính quyền địa phương”. Với cách tiếp cận đó, các nghệ sĩ đã tổ chức những buổi chia sẻ, giải thích ý nghĩa tổng thể cũng như từng tác phẩm tới người dân ở đây. Sự cởi mở và chân thành của họ đã được đáp lại bằng sự hồ hởi, nhất trí cao của cộng đồng, cam kết hỗ trợ chung tay thu gom phế thải, bảo vệ trông coi tác phẩm sau khi dự án hoàn thành.

Bên cạnh các yếu tố về việc thích hợp với cộng đồng dân cư, một yếu tố quan trọng là kinh phí tối thiểu cho vật liệu và nhân công. Bởi, các nghệ sĩ khi tham gia dự án nghệ thuật công cộng đều dựa trên tinh thần tự nguyện đóng góp công sức, khả năng huy động kinh phí từ các đơn vị tài trợ của địa phương còn gặp khó khăn. Vì vậy, cần có cơ chế, chính sách khơi thông nguồn lực cho những công trình nghệ thuật cộng đồng.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần