Sức xuân trên các công trình trọng điểm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cách đây dễ đến hai chục năm, khi ấy tôi mới là cậu học trò quê mùa, lần đầu được lên Thủ đô để thi đại học. Chốn phồn hoa đô hội, thấy cái gì cũng to, cũng đẹp.

Hôm ấy là buổi thi cuối cùng, nghe tôi báo cáo làm tốt, bố tôi vui lắm và bảo sẽ thưởng cho tôi một chuyến đi thăm cầu Thăng Long – cây cầu hoành tráng nhất Hà Nội lúc bấy giờ. Hai bố con gò lưng đạp xe, đến nơi thì dắt bộ, thở hổn hển mà chả thấy mệt. Bởi cây cầu hùng vĩ quá, tôi chắc mẩm, có khi cả xã, thậm chí cả huyện nữa đem thóc lên đây phơi cũng không hết. Cả cây cầu to như thế, không biết người ta làm thế nào mà giỏi thật.

Bây giờ Hà Nội có thêm cả chục cái cầu nữa rồi. Cái nào cũng to, cũng đẹp và hoành tráng. Thủ đô phát triển với tốc độ chóng mặt, người, xe như nước. Cảm giác mở bao con đường, bắc bao cây cầu cũng chưa đủ. Nhưng ai cũng thấy đỡ hơn rồi, thoáng đãng hơn rồi, hầu như không còn cảnh chen chen lấn lấn cả giờ đồng hồ nữa rồi.

 
Nhà ga T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Nhà ga T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Đầu năm 2015, Hà Nội lại đón thêm 3 công trình trọng điểm cấp quốc gia được đưa vào sử dụng. Đó là cầu Nhật Tân, Nhà ga T2 – Cảng hàng không quốc tế Nội Bài và đường dẫn từ cầu Nhật Tân đến Sân bay quốc tế Nội Bài, tạo thành điểm nhấn kỳ vĩ, hấp dẫn đối với du khách ngay từ khi đặt chân xuống sân bay. Mà chả cứ gì du khách, ngay cả người dân Hà Nội, từ các cụ già tóc bạc phơ đến lớp thanh niên sành điệu cũng đến đây để chiêm ngưỡng công trình thế kỷ cầu Nhật Tân. Để rồi tất cả đều thốt lên “Đẹp thật, hiện đại thật, như Tây ấy”. Có hai cụ từ Đông Anh còn rủ nhau đạp xe lên xem cầu, đến khi quay về chẳng biết đường nào cả, nên các anh công an còn phải điều cả ô tô đến chở các cụ về. Nghe chuyện thấy vừa vui, vừa ấm áp tình người.  

Giữa không gian rộng mênh mông, cầu Nhật Tân vươn lên cao vút, thật vững chãi, thật bề thế. Những dây văng như những dây đàn khổng lồ tạo nên sự duyên dáng, như vẽ  bao cảm xúc lớn lao lên bầu trời. ấy là nhìn từ xa, khi đặt chân lên nhịp cầu chính, phải ngước mỏi cổ để thấy đỉnh, mới càng thấy thán phục trước công trình vĩ đại này, thán phục trước trí tuệ và công sức của bao người. Cần phải nói thêm rằng, với tổng chiều dài 1.500 m, phần cầu dây văng với 6 nhịp của Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân sẽ chỉ kém một chút so với cầu Millau - niềm tự hào của nước Pháp về chiều dài và độ phức tạp. 

 
Sức xuân trên các công trình trọng điểm - Ảnh 1

Bước chậm lại trên cầu và chợt nhớ lại những bộn bề của TP với khối lượng công việc rất lớn, phải giải quyết sao cho đảm bảo tiến độ. Đó là khi thực hiện công tác giải phóng mặt bằng phục vụ dự án cầu Nhật Tân và đường nối đến Sân bay quốc tế Nội Bài với tổng diện tích đất thu hồi 230 ha, liên quan đến hơn 5.000 hộ dân cùng nhiều công trình hạ tầng khác. Riêng việc lên phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã vô cùng khó. Mặc dù là công trình quốc gia, nhưng không phải hộ dân nào cũng hợp tác, đồng thuận. Thắc mắc có, đơn thư khiếu nại có rồi chây ì, bất hợp tác cũng có. Chúng tôi đã từng chứng kiến lãnh đạo quận Tây Hồ phải thường xuyên xuống hiện trường, tuyên truyền, vận động tổ chức đối thoại với người dân, nhất là khi sức ép tiến độ ngày một cao. Rồi mỗi khi bắt buộc cưỡng chế, mặt tất cả mọi người như giãn bớt ra một chút lúc nghe tin đã có thêm vài hộ đã đồng thuận di chuyển. Lãnh đạo TP cũng phải vào cuộc thật quyết liệt, sát sao, trên tinh thần đảm bảo lợi ích của người dân, “coi tài sản của người dân như tài sản của mình” . Bằng nhiều cơ chế chính sách phù hợp cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, hầu hết người dân đều chấp thuận ủng hộ dự án.

Khác với trước kia, công năng của cây cầu chủ yếu là phục vụ các phương tiện, bây giờ mỗi cây cầu còn phải là một điểm nhấn kiến trúc của Thủ đô. Vì vậy, tính phức tạp càng khó. Cầu Nhật Tân ban ngày hùng vĩ bao nhiêu thì đêm đến lại bừng sáng trong ánh đèn lung linh đủ màu bấy nhiêu. Còn cầu Đông Trù với thiết kế cầu vòm ống thép nhồi bê tông, công nghệ mới lần đầu tiên được sử dụng tại Việt Nam cũng tạo nên những đường cong duyên dáng, mềm mại trên sông Đuống. Không chỉ đẹp, mà cầu Đông Trù cùng với tuyến đường 5 kéo dài cũng mới được đưa vào sử dụng đã tạo nên trục giao thông chính (đường đô thị cấp 1), hoàn thiện đường vành đai 2 giúp giải tỏa ùn tắc tại khu vực bắc sông Hồng bao gồm các quận – huyện: Long Biên, Gia Lâm, Đông Anh.

Cầu to, đường đẹp thường đi liền với nhau. Bức tranh giao thông Thủ đô năm 2014 còn sáng hơn rất nhiều bởi hàng loạt dự án “khủng” được đưa vào sử dụng, ngoài đường 5 kéo dài là đường cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên, Hà Nội – Lào Cai. Từ Thủ đô đi các tỉnh chưa bao giờ tiện đến thế. Chỉ mất 3 tiếng ngồi xe trên con đường rải nhựa êm ru là đã đến được Lào Cai, thay vì mất quá nửa ngày uể oải như trước kia. Còn chuyện đi về Thái Nguyên thì quá đơn giản. Cuối giờ chiều có món ngon, nhớ đến bạn gọi về, chỉ tiếng sau đã ngồi thưởng thức cùng nhau rồi. Sướng thế là cùng. 

Một mùa xuân lại đang về với bao niềm vui, ước vọng mới. Ước vọng về Thủ đô ngày càng văn minh hiện đại hơn, để thênh thang vững bước vào tương lai.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần