Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Sụt lún giếng Thiên Quang (Văn Miếu – Quốc Tử Giám): Cần tu sửa khẩn cấp

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã hơn 3 tháng giếng Thiên Quang (Văn Miếu – Quốc Tử Giám) bị sụt lún, phải quây bạt giữ an toàn cho du khách, song quy trình tu bổ vẫn nằm ở giai đoạn báo cáo kết quả khảo sát, xin ý kiến phương án tu bổ.

Nói như PGS.TS Đặng Văn Bài: “Chờ đủ các quy trình, chắc nửa năm hoặc một năm nữa di tích mới được tu bổ. Đến lúc đó giếng Thiên Quang bị sập sẽ không ai chịu trách nhiệm”.

Nguy cơ sụp đổ

Từ tháng 4/2017, các phương tiện truyền thông đã đưa thông tin móng của đoạn tường lan can dài chừng 10m của giếng Thiên Quang bị trôi và nguy cơ gây đổ tường. Sở VH&TT Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm Hoạt động VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám phối hợp với Trung tâm Tư vấn và kiểm định xây dựng khảo sát, kiểm định, đánh giá kỹ lưỡng chất lượng công trình giếng Thiên Quang.

Theo kết quả khảo sát của Trung tâm: “Phần móng công trình hiện bị sụt lún, trôi trượt nghiêm trọng, làm giảm khả năng chịu lực, ảnh hưởng xấu đến sự ổn định của tường giếng. Mức độ an toàn của công trình hiện nay khá thấp, một số đoạn móng kè đã bị lún sụt có nguy cơ sụp đổ xuống giếng bất cứ lúc nào. Ngoài ra, nếu công trình còn phải chịu thêm các tác động bất lợi khác như: Nền đất vẫn tiếp tục lún sụt, thời tiết mưa bão... thì thực sự nguy hiểm, nếu không được chống đỡ xử lý ngay có thể dẫn đến phá hoại hoàn toàn. Việc hư hỏng xuống cấp của giếng như hiện tại còn gây ảnh hưởng thẩm mỹ chung của khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám”.

Tình trạng sụt lún của giếng Thiên Quang rất nghiêm trọng.  Ảnh: Linh Anh

Giếng Thiên Quang được ví như tấm gương thu nhận tinh túy vũ trụ và soi sáng tri thức. Hơn nữa vị trí trung tâm ngay cạnh Khuê Văn Các và hệ thống 82 bia tiến sĩ hai bên cũng là nơi tập trung lượng du khách dừng lại chụp ảnh nhiều nhất, tác động lên nền đất yếu. Theo PGS.TS Đặng Văn Bài – nguyên Cục trưởng Cục Di sản, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia: “Giếng Thiên Quang không chỉ có giá trị về mặt kiến trúc nghệ thuật, mà nó còn là nơi soi bóng của Khuê Văn Các, nên có ý nghĩa về mặt tâm linh. Sự xuống cấp của hạng mục di tích này đã ở cấp báo “cháy”, cần phải tu sửa hết sức khẩn trương, cấp thiết”.

“Không cùng bàn thì đến bao giờ?”

Theo ông Lê Xuân Kiêu – Giám đốc Trung tâm Khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám, hồi cuối tháng 6/2017, Sở VH&TT Hà Nội đã tổ chức cuộc họp với Cục Di sản văn hóa, các cơ quan chức năng của TP, các nhà khoa học. Các chuyên gia đã thống nhất nguyên tắc tu bổ hạng mục quan trọng tại Văn Miếu, cũng như góp ý thêm về phương án tu bổ. Đặc biệt PGS.TS Phạm Mai Hùng nhấn mạnh khi đã xem xét, lựa chọn được phương án tu bổ tối ưu, các cơ quan chức năng có liên quan cần áp dụng những quy định có lợi nhất cho di tích, rút ngắn thời gian giải quyết quy trình, thủ tục… để tránh xảy ra tình trạng di tích xuống cấp không thể cứu vãn. Nhiều đại biểu lo ngại kéo dài thời gian xin các thủ tục, thành giếng và móng có thể đổ sập gây ảnh hưởng tới các hạng mục xung quanh như Khuê Văn Các và di sản tư liệu 82 văn bia tiến sĩ.

PGS.TS Đặng Văn Bài tỏ ra khá sốt ruột, bởi đã gần một tháng sau cuộc hội thảo quy trình xin tu bổ cấp thiết vẫn còn ở giai đoạn hoàn thành báo cáo gửi UBND TP. Sau khi báo cáo UBND TP, sẽ còn phải báo cáo Bộ VHTT&DL… xin ý kiến, thẩm định nội dung tu bổ, duyệt kinh phí… “Chờ xin đủ ý kiến của các phòng, cục, vụ của các Bộ chắc phải đến nửa năm hoặc gần một năm nữa di tích mới được tu bổ. Tôi thấy hệ thống cơ chế bây giờ không thoáng, di tích sụp đến nơi rồi mà vẫn không cứu nguy” – PGS Đặng Văn Bài nhấn mạnh.

Theo PGS Đặng Văn Bài, giải pháp rút ngắn chờ thủ tục mà đảm bảo đúng luật là tất cả các cơ quan có thẩm quyền liên quan đến quá trình tu bổ hạng mục giếng Thiên Quang (như Bộ VHTT&DL, Sở VH&TT Hà Nội, các nhà khoa học…) nên cùng ngồi lại họp bàn 1 - 2 buổi, thống nhất phương án tu bổ, sau đó chỉ cần một lần làm văn bản trình UBND TP đồng ý cấp kinh phí, phê duyệt quá trình tu bổ di tích.

Sau hơn một tháng khảo sát, đánh giá hiện trạng, Trung tâm Tư vấn và Kiểm định Xây dựng cũng đề xuất cần chống đỡ ngay các đoạn đường tường thành giếng đang có nguy cơ bị lún sụt; phải có phương án thiết kế gia cố móng kè, chắn đất chống sạt lở chân móng; xây chèn đá hộc kè vào đế móng và bơm bê tông vào các chỗ rỗng hở hàm ếch dưới đế móng để tạo thành khối liên kết cứng; phá dỡ, xây lại các đoạn móng kè đã bị hư hỏng không thể khắc phục… Trong lúc chờ tu bổ, giếng Thiên Quang đã được Trung tâm Văn Miếu – Quốc Tử Giám quây bạt, gia cố móng để ngăn phần móng và tường tiếp tục trôi ra. Nhưng với tình trạng thời tiết mưa bão như hiện nay, việc chống đỡ này cũng sẽ không kéo dài được bao lâu.

Đã nhiều lần tôi đề xuất nên xây dựng cơ chế đặc thù cho Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Cần đưa ra quy định cho phép Trung tâm được sử dụng để duy tu, tu bổ hàng năm, khống chế khoản tiền và phần việc cho phép. Văn Miếu – Quốc Tử Giám là đơn vị có nguồn thu, có thể chủ động nguồn vốn, không thể tu sửa một chi tiết nhỏ, liên quan đến vài ba trăm triệu đồng hoặc một tỷ đồng cũng phải làm hồ sơ trình 4 - 5 cấp thì rất khó cho việc bảo quản, gìn giữ di tích.

PGS.TS Đặng Văn Bài Nguyên Cục trưởng Cục Di sản, thành viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia