Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Suy giảm kinh tế, báo chí vạ lây

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 12/11, El Pais - nhật báo hàng đầu Tây Ban Nha (ra đời năm 1976) đã bắt đầu phát các thông báo cắt giảm nhân sự tới 149 người trong tổng số 460 nhân viên. Bất chấp các cuộc biểu tình và bãi công của nhân viên El Pais diễn ra rầm rộ trong tuần trước, nhiều phóng viên kỳ cựu đã phải chấp nhận ra đi sau hàng chục năm cống hiến cho tờ báo này.

 Một tháng sau khi Newsweek - tờ tạp chí kinh tế tuần quen thuộc với người dân Mỹ tuyên bố ngừng xuất bản báo in (vào ngày 31/12/2012) để tập trung cho báo điện tử, tin tức từ El Pais tiếp tục là một đòn giáng mạnh vào ngành công nghiệp báo chí toàn cầu. Danh tiếng được gây dựng trong suốt 80 năm qua của Newsweek đã bị đánh gục bởi suy giảm kinh tế toàn cầu đã dẫn đến những thách thức không nhỏ trong hoạt động quảng cáo, phát hành báo in. Doanh thu từ bán báo và quảng cáo của tờ báo này đã sụt giảm liên tục trong những năm qua và thường xuyên phải gánh chịu các khoản thua lỗ lên tới 40 triệu USD/năm.

Sự sụp đổ của “tượng đài” báo chí một thời này đã phản ánh tương lai u ám của lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm báo in khi Newsweek không phải là tờ tạp chí duy nhất buộc phải chuyển sang bản điện tử. Một năm trước, US News & World Report, tạp chí lớn thứ 3 của Mỹ cũng phải ngưng ra bản in để tập trung vào phiên bản điện tử và những ấn bản đặc biệt. Tháng 6 vừa qua, tạp chí SmartMoney cũng có động thái tương tự và các chuyên gia nhận định, nhiều khả năng tạp chí Time có thể là "nạn nhân" kế tiếp. Dù việc đóng cửa ấn bản báo in của Newsweek hay sa thải tới 1/3 nhân viên của El Pais hoặc bất cứ một tờ báo nào khác có gây tác động nhiều đến mấy cũng không phải là dấu chấm hết của ngành công nghiệp báo chí toàn cầu. Vì về cơ bản, thói quen đọc của công chúng vẫn không hề thay đổi, có chăng chỉ là chuyển đổi hình thức đọc, từ báo giấy sang báo điện tử mà thôi.