Nhập viện cấp cứu vì ăn chay
Thử áp dụng chế độ ăn chay trên mạng bằng phương pháp thực dưỡng với gạo lứt và muối vừng trong liệu trình 49 ngày, tuy nhiên, đến ngày thứ 41, nữ bệnh nhân N.T.T.B. sinh năm 1962 ở Gia Lâm, Hà Nội đã phải nhập viện cấp cứu tại Bệnh viện (BV) Đa khoa Đức Giang do ngừng tuần hoàn, rối loạn natri, kali. Sau 40 phút cấp cứu, bệnh nhân tỉnh, có tim trở lại, trên điện tim sau cấp cứu có hình ảnh tổn thương.
Sau đó, trong quá trình điều trị cấp cứu, bệnh nhân tiếp tục có thêm 5 lần ngừng tuần hoàn với tình trạng rất nặng hạ kali, suy thận cấp không cải thiện nên được lọc máu liên tục, nhiễm khuẩn nặng, viêm phổi thở máy, tiêu cơ vân, suy tim… Rất may sau đó bệnh nhân đã có thể xuất viện. Tuy nhiên, vừa về nhà được một ngày, bệnh nhân đau tim dữ dội trở lại, được gia đình đưa quay trở lại BV Đa khoa Đức Giang. Qua thăm khám và chụp chiếu, các bác sĩ nghi bệnh nhân có “vấn đề” về tim mạch nên chuyển vào Viện Tim mạch Việt Nam cấp cứu.
Tại Viện Tim mạch Việt Nam, bệnh nhân được cấp cứu ngừng tuần hoàn, bồi phụ điện giải. Sau đó bác sĩ phát hiện thêm biến chứng suy thận cấp, tiêu cơ vân. Lần này, bệnh nhân được chẩn đoán bị hẹp động mạch vành, chỉ định đặt stent.
Cẩn trọng với "bác sĩ Google”
PGS.TS Phạm Mạnh Hùng - Viện trưởng Viện Tim mạch Việt Nam cho biết, bệnh nhân B. bị bệnh mạch vành nên chế độ ăn chay sẽ làm giảm điện giải trong máu, kích thích gây ngừng tim. Đây chỉ là một trong nhiều trường hợp liên quan đến "chữa bệnh theo bác sĩ mạng". Trước đó, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân nghe giới thiệu từ người quen, từ mạng internet, bỏ thuốc chữa bệnh tim, trong khi người thay van tim nhân tạo phải uống thuốc chống đông, việc bỏ thuốc dẫn đến kẹt van hoặc các biến chứng nguy hiểm. Bên cạnh đó là các trường hợp uống thuốc nam, thuốc bắc theo mách bảo và đến viện trong tình trạng rất nặng.
Một công bố mới nhất tại Mỹ cho thấy, cứ 5 người thì có 2 người tự tra “bác sĩ Google”, gây chẩn đoán sai bệnh cho bản thân, làm bệnh tình nặng hơn. Tuy nhiên, tại Việt Nam, PGS.TS Phạm Mạnh Hùng cho rằng, con số này còn lớn hơn nhiều. PGS.TS Phạm Mạnh Hùng khuyến cáo, người dân nên có các biện pháp kiểm tra sức khỏe định kỳ. Bởi việc này sẽ mang lại giải pháp an toàn hơn thay vì luôn tìm tới “bác sĩ Google” trong mọi tình huống. “Bác sĩ luôn khuyên bệnh nhân tim mạch giảm tối đa tinh bột chế biến sẵn, thay vào đó ăn các loại hạt chế biến thô như gạo lứt. Song cần đảm bảo chế độ ăn phải cân đối, ăn nhiều cá, rau, củ, quả, hạn chế mỡ động vật, phủ tạng động vật” - PGS.TS Phạm Mạnh Hùng nhấn mạnh.
Đối với những người đã có bệnh lý tim mạch cần thường xuyên đến cơ sở y tế thăm khám định kỳ để các bác sĩ kịp thời có sự điều chỉnh trong dự phòng và điều trị bệnh cho phù hợp, tuyệt đối không học hỏi, áp dụng các phương pháp tự chữa bệnh thiếu cơ sở khoa học kẻo "rước họa vào thân".
Đồng quan điểm, bác sĩ Phạm Duy Tùng, BV Đa khoa Đức Giang cho biết, mỗi người sẽ có một chế độ dinh dưỡng khác nhau, đặc biệt là những trường hợp có bệnh lý nền sẵn. Vì thế, người dân không nên ăn chay theo chế độ trên mạng. Điều này có thể dẫn đến thiếu vi chất gây suy dinh dưỡng, rối loạn điện giải và gây biến chứng nặng nề. “Trước khi ăn chay, bệnh nhân cần được bác sĩ dinh dưỡng tư vấn chế độ ăn hợp lý, đầy đủ dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể” - bác sĩ Tùng chia sẻ.
Theo các chuyên gia, gạo lứt cũng chỉ là một chất tinh bột cung cấp một phần chất dinh dưỡng, vẫn rất cần ăn bổ sung với các nhóm thực phẩm khác giàu protit, lipit, rau, củ, quả để cung cấp đầy đủ vitamin và khoáng chất cho cơ thể. Ngay cả với những người khỏe mạnh bình thường, việc chỉ sử dụng mỗi gạo lứt hàng ngày cũng có thể khiến cơ thể suy nhược trầm trọng vì thiếu chất. Chưa kể đến người đang mắc bệnh, khi cơ thể yếu đi lại là cơ hội cho mầm bệnh bùng phát. Các chuyên gia khuyến cáo, dù với mục đích gì, việc ăn chay vẫn phải đảm bảo đầy đủ các chất dinh dưỡng. Còn việc chỉ ăn duy nhất một món chay là cách sử dụng thực phẩm phi khoa học, có hại cho sức khỏe con người.