Syria muốn Trung Quốc giúp tái thiết đất nước sau nội chiến

Nguyễn Phương (Theo RT)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng thống Syria Bashar Assad vừa tuyên bố Damascus hy vọng các công ty Trung Quốc sẽ đầu tư nhiều hơn vào thị trường nước này.

Quá trình tái thiết Syria, vốn tàn phá nghiêm trọng do cuộc nội chiến kéo dài hơn 8 năm, đã bắt đầu, vì vậy Damascus cần đầu tư nhiều hơn để mở rộng quy mô, theo Tổng thống Syria Bashar Assad.
 Theo giới chuyên gia, công cuộc tái thiết Syria cần nguồn ngân sách khổng lồ từ 300 đến 1200 tỷ USD.
“Hiện chúng tôi đã kiểm soát hầu hết các lĩnh vực, chúng tôi đã bắt đầu thảo luận với một số công ty Trung Quốc có kinh nghiệm trong việc tái thiết đất nước sau cuộc nội chiến, Tổng thống Syria Bashar Assad trả lời phỏng vấn kênh Truyền hình Phoenix hôm 16/12.
Tổng thống Assad lưu ý rằng, giai đoạn quan trọng nhất và thách thức lớn nhất là khôi phục hoàn toàn chu kỳ kinh tế, đồng thời cho biết: “Chúng tôi hy vọng rằng các công ty Trung Quốc sẽ bắt đầu tìm kiếm và nghiên cứu thị trường Syria, hiện đang được cải thiện nhanh chóng và an ninh được đảm bảo”.
Theo nhà lãnh đạo Syria, việc xem xét các cơ hội đầu tư là rất cần thiết, bởi việc xây dựng lại các công trình hạ tầng tại các quốc gia bị phá hủy một phần hoặc hoàn toàn bởi chiến tranh sẽ thuận lợi và có khả năng thu được lợi nhuận khá cao.
“Quá trình này không giới hạn ở các khoản vay hoặc cung cấp viện trợ mà không có bất kỳ khoản lãi nào, đó là một khoản đầu tư sinh lời theo mọi nghĩa của từ, ông nói. Các bên đang thảo luận về cách để các công ty Trung Quốc tránh bị trừng phạt và tiếp cận thị trường Syria, Assad nói.
Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), cuộc nội chiến đã phá hủy hàng trăm nghìn ngôi nhà, khiến hơn 470.000 người thiệt mạng và hơn một nửa dân số Syria trở thành những người tị nạn. Hiện khoảng 69% người Syria sống trong tình trạng nghèo cùng cực, hơn 13 triệu người cần sự trợ giúp nhân đạo và 6,5 triệu người bị thiếu lương thực.
Theo giới chuyên gia, công cuộc tái thiết Syria cần nguồn ngân sách khổng lồ từ 300 đến 1200 tỷ USD. Chỉ tính riêng việc khắc phục hậu quả chiến tranh sẽ mất từ 10 đến 15 năm; còn việc tái thiết lại các cơ sở hạ tầng, khôi phục nền kinh tế và đạt mức phát triển như thời điểm trước năm 2011 sẽ là một “nhiệm vụ thế kỷ”.
Trong khi đó chính quyền của ông Assad hầu như không còn bất cứ nguồn lực nào để khôi phục đất nước, còn các đồng minh như Nga hay Iran lại không đủ lực.
Hiện tại, Mỹ và các đồng minh sẽ ngăn chặn viện trợ và đầu tư, ngăn cản Syria tiếp cận các nguồn vốn, cấm các nước đồng minh hợp tác kinh tế và bình thường hóa quan hệ với Damascus, làm thất bại kế hoạch tái thiết của chính quyền Assad./.