Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Syria vẫn trong vòng xoáy bất ổn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bất chấp việc Công ước Vũ khí hóa học (CWC) đã bắt đầu có hiệu lực với Syria (ngày 14/10) và việc Tổ chức cấm vũ khí hóa học (OPCW) - cơ quan chịu trách nhiệm giải trừ kho vũ khí hóa học lên tới 1.000 tấn của Syria được trao giải Nobel Hòa bình 2013, cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này vẫn chưa thể giải quyết triệt để.

Trong một diễn biến mới nhất, ngày 16/10, thêm gần 70 nhóm nổi dậy chống chính quyền của Tổng thống Syria al-Assad đã khẳng định sẽ không công nhận Liên minh Dân tộc Syria (SNC) - nhóm đối lập chính được phương Tây hậu thuẫn này nữa. Tuyên bố này được đưa ra sau khi một tập hợp các nhóm nổi dậy chủ chốt ở miền Bắc Syria hồi cuối tháng 9 cũng có động thái tương tự. Trước đó, hôm 13/10, một nhóm chủ chốt thuộc SNC từ chối tham gia cuộc đàm phán hòa bình như đã đề xuất tại Geneva (Thụy Sĩ). Nhiều khả năng Hội nghị quốc tế Geneva 2 sẽ không thể diễn ra như kế hoạch và nỗ lực của Nga, Mỹ suốt thời gian qua để đưa các bên tại Syria cùng ngồi vào bàn đàm phán đã trở nên vô ích.

 

Trong khi đó, các vụ tấn công bạo lực, đánh bom khủng bố đã diễn ra với quy mô và mức độ ngày càng nghiêm trọng. Sáng 16/10, ít nhất 21 người đã thiệt mạng trong một vụ nổ lớn đã xảy ra ở tỉnh Daraa ở miền Nam Syria nơi có một tiểu đoàn trung thành với Tổng thống al-Assad đang đóng quân. Hôm 14/10 cũng đã xảy ra một vụ đánh bom xe ở thị trấn Darkush, tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria, làm ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương. Những diễn biến này gây ra lo ngại, Hội nghị quốc tế Geneva 2 sẽ không thể tiến hành và cơ hội tìm ra con đường giải quyết khủng hoảng kéo dài suốt 3 năm qua tiếp tục lâm vào bế tắc.