Gần đây, Bộ Tài chính đã đề xuất dự thảo luật sửa đổi về thuế GTGT. Theo đó, Bộ Tài chính đưa ra 2 phương án, trong đó phương án 1 tăng từ 5% lên 6% và từ 10% tăng lên 12%. Phương án 2 tăng các mặt hàng có thuế suất 5% lên 10%. Dự kiến nếu được Quốc hội thông qua, luật sẽ có hiệu lực từ 1/1/2019.
Theo TS Nguyễn Việt Cường - Đại học Kinh tế Quốc dân, với phương án tăng thuế VAT từ 5% lên 6%, tỷ lệ chi tiêu bình quân giảm đi 0,89%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm phần trăm, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên. Còn với phương án chỉ tăng thuế VAT ở một số mặt hàng từ 5% lên mức chung 10% thì tác động nhỏ hơn, chủ yếu ở nhóm hộ tiêu dùng nhiều thực phẩm như rau và thịt sẽ bị ảnh hưởng...
|
Làm thủ tục hành chính tại Cục Thuế Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải |
Theo ông Cường, hiện chi tiêu bình quân hiện nay của người dân vào khoảng 34,5 triệu đồng/người/năm, trung bình một tháng là gần 3 triệu đồng. Nếu áp dụng phương án 1, mức VAT tăng 1,2% thì chi tiêu thực tế hộ gia đình giảm đi tương ứng 0,89%, giá cả tăng lên. Trường hợp này khiến người dân phải giảm chi tiêu vì phải tiết kiệm để bù đắp hoàn toàn chi phí giá tăng lên. Nếu áp dụng tăng VAT những hàng hóa chịu thuế 5% lên 10%, các hộ chi tiêu nhiều về lương thực, thực phẩm thiết yếu ở mức 5% sẽ chịu ảnh hưởng, nó có thể chiếm 23% tổng chi tiêu, mức ảnh hưởng thấp hơn.
“Qua phân tích đánh giá của nhiều tổ chức nghiên cứu thì thấy rằng với việc tăng thuế VAT, lợi ích đối với tăng GDP là hoàn toàn không có. Tăng thu ngân sách là có nhưng không nhiều. Trong khi đó, việc này lại tạo ra bất lợi là mất công bằng xã hội”. - Chuyên gia Kinh tế Lưu Bích Hồ
“Việc Dự thảo sửa đổi các Luật Thuế bị dư luận phản đối mạnh mẽ vừa qua là một bài học cần cần rút kinh nghiệm khi chuẩn bị các Dự thảo Luật thuế. Cụ thể, các Dự Luật cần chuẩn bị công phu và thông tin nhiều hơn, đánh giá tác động nhiều hơn. Nếu có đánh giá kỹ càng, minh bạch về mức tăng, mục tiêu tăng, tăng để làm gì, người dân được thụ hưởng gì từ việc tăng thuế đó thì sẽ tạo được sự đồng thuận cao trong dư luận". - Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành |
Nghiên cứu của VEPR cũng chỉ rõ, xét về tác động lên nghèo đói thì thuế VAT chỉ có tác động lên nhóm thu nhập thấp ở cận chuẩn nghèo. Các hộ gia đình có mức sống cao cũng bị giảm mức chi tiêu, nhưng mức giảm này không làm cho họ rơi vào nghèo như nhóm cận nghèo. Đối với các hộ gia đình đông người, có tỷ lệ trẻ em và người già từ 80 tuổi trở lên cao hơn, tỷ lệ lao động nữ lớn, bị ảnh hưởng nhiều nhất về nghèo đói. Các hộ gia đình mà chủ hộ có học vấn thấp, nghề nghiệp kỹ năng thấp và trong nông nghiệp cũng chịu nhiều tác động.
Các chuyên gia đồng tình, việc tăng thuế VAT nhìn chung đều ảnh hưởng đến các hộ gia đình, người dân, vì giá cả tăng theo. Sự tổn thương sẽ có mức độ khác nhau giữa các nhóm. Khi tăng thuế VAT, người có thu nhập cao bị ảnh hưởng hơn một chút so với người nghèo, tuy nhiên người nghèo sẽ bị thiệt hại về thực tế thu nhập nhiều hơn so với người giàu do thu nhập của họ ít hơn. Và về cơ bản, các hộ ở nông thôn, nhiều thành viên, trình độ học vấn thấp… thì ảnh hưởng mạnh hơn từ việc tăng thuế VAT.
Cần chi tiêu khôn ngoan hơnTheo các chuyên gia kinh tế, hiện nay thuế VAT đang chiếm 28 - 29% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nếu so với các nước khác thì như vậy là khá cao. Kết quả nghiên cứu của VEPR chỉ ra rằng, tăng thuế không làm tăng sản lượng thực của nền kinh tế mà còn làm giảm phúc lợi của tất cả các hộ gia đình. Thậm chí, nếu tiền thuế tăng thêm lại được Chính phủ đưa vào chi thường xuyên mà không chi đầu tư phát triển sẽ làm cho sản lượng thực của nền kinh tế giảm.
Viện trưởng VEPR Nguyễn Đức Thành lo ngại, nếu không có cải cách đáng kể trong chi tiêu mà chỉ tăng thuế, phúc lợi xã hội sẽ giảm; năng suất cũng như sản lượng tăng không đáng kể. Việc tăng thuế trong bất kỳ trường hợp nào cũng buộc Chính phủ phải sử dụng nguồn tăng thuế đó để sinh lợi, đầu tư hạ tầng mới tốt hơn. "Nếu chi tiêu khôn ngoan hơn, đầu tư hiệu quả sẽ giúp tăng năng suất nền kinh tế trong dài hạn. Trường hợp bất đắc dĩ phải tăng thì cần tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, phân tán nguồn thu ra để tránh tập trung vào đối tượng phổ thông, yếu thế” - ông Thành đề xuất.