Tác giả 8X “thách thức” độc giả trẻ bằng combo sách

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 29/4, tại ĐH Văn hóa Hà Nội, Limbooks đã tổ chức buổi tọa đàm về tiểu thuyết “2030” và tập truyện “Thiên Linh cái - Linh thú” của tác giả sinh năm 1982 Trương Thanh Thùy.

Combo sách trên không chỉ là sự thách thức đối với độc giả trẻ mà còn là thử thách đối với Limbooks và tác giả Trương Thanh Thùy. Bởi, mặc dù là nhà văn trẻ nhưng tác phẩm của Thanh Thùy mang tầm kiến thức rộng lớn, không phải dễ đọc, kén độc giả.
Tiểu thuyết "2030" là một tác phẩm văn học đẹp, đáng đọc và đáng ngẫm chính từ những đều thật sự đơn giản trong cuộc sống trên một sự giả sử mà tác giả Trương Thanh Thùy đã đặt ra.
Tiểu thuyết "2030" là một tác phẩm văn học đẹp, đáng đọc và đáng ngẫm chính từ những đều thật sự đơn giản trong cuộc sống trên một sự giả sử mà tác giả Trương Thanh Thùy đã đặt ra.
Vấn đề mà Thanh Thùy lựa chọn chính là niềm tin tâm linh, tín ngưỡng của con người. Ba tác phẩm được tác giả 8X xử lý khá “lai Tây” từ đề tài cho tới cách triển khai, sáng tạo tác phẩm, lối hành văn chính luận pha trộn khá nhiều yếu tố điện ảnh, kịch nghệ. Cả ba tác phẩm khơi gợi cho người đọc nhiều cảm xúc, trong đó có cả sự hồi hộp, gay cấn đến mức nổi da gà. Văn phong ấy hoàn toàn trái ngược với trào lưu văn học “ngôn tình”, mang màu sắc thi vị đang được giới trẻ yêu thích hiện nay. Vì thế, bộ ba tác phẩm của Thanh Thùy dường như “làm khó” cho chính lãnh đạo của Limbooks trong việc xin cấp phép xuất bản cũng như kén chọn độc giả.
Tiểu thuyết “2030” đề cập tới mối liên hệ giữa ma cà rồng - người sói - con người. Đây không phải là đề tài quá mới lạ với độc giả Việt Nam nhưng cũng có thể liệt vào danh sách những đề tài “khó nguội” nếu tác giả có thể khai thác những mảng mới phụ thuộc vào tư duy sáng tạo của từng người.

Trên nền tảng những truyền thuyết quen thuộc về ma cà rồng, người sói, những cuộc thanh trừng săn máu bản năng và bảo vệ lãnh quyền đã có, tác giả Trương Thanh Thùy khai phá những mảng rất mới, rất đời và rất thực từ những nhân vật truyền thuyết này như sự giao kết không tưởng giữa người sói và ma cà rồng, hay giữa con người với thế giới siêu nhiên, hoặc giả là đặt ra thêm một “hội đồng trừng phạt” nhằm bình ổn thế lực của những thứ được liệt vào hàng siêu phàm... để tôn vinh giá trị tình cảm giữa hai trái tim yêu, giữa những con người đặt tình yêu thương đồng loại lên trên hết.

“2030” có cấu trúc khá mới lạ so với mặt bằng chung văn học Việt, khi tác giả chia phân đoạn bằng bối cảnh tạo nên tình tiết rồi từ đó phát triển nên hành động và tâm lý nhân vật liên quan. Có thể nói “2030” tuy rất “Tây” với lối hành văn phóng khoáng, những cách xử lý tình huống hoàn toàn mới lạ của nhân vật nhưng lại khá gần gũi với những người thật sự quan tâm đến nghệ thuật Việt vì suốt cả tác phẩm, chính từ sự “phân cảnh” này, tác giả tạo ra được những “lớp kịch” rất sân khấu, khiến câu chuyện tuy mang đề tài “Tây”, cách xử lý “Tây” nhưng xúc cảm để lại hoàn toàn gần gũi với độc giả Việt.
Ấn phẩm sách hai đầu "Thiên Linh cái-Linh thú" có lối hành văn, kể chuyện hoàn toàn trái ngược nhau được đặt vào cùng một chỗ chỉ vì cả hai cùng hướng đến sự thức tỉnh con người trước những cám dỗ đằng sau định nghĩa dị đoan.
Ấn phẩm sách hai đầu "Thiên Linh cái-Linh thú" có lối hành văn, kể chuyện hoàn toàn trái ngược nhau được đặt vào cùng một chỗ chỉ vì cả hai cùng hướng đến sự thức tỉnh con người trước những cám dỗ đằng sau định nghĩa dị đoan.
Trong khi đó, tác phẩm “Thiên Linh cái” và “Linh thú” lại là bộ sách đặc biệt từ hình thức đến nội dung. Ấn phẩm sách hai đầu với một truyện dài vừa “Thiên linh cái” viết về bùa ngải Thiên Linh và một truyện dài vừa “Linh thú” viết về hủ tục của một bộ lạc da đỏ. Điều đặc biệt ở ấn phẩm này là cách xử lý đề tài sáng tạo của tác giả Trương Thanh Thùy. “Thiên linh cái” được lấy cảm hứng từ câu chuyện có thật của một nhân vật từng gây chấn động cả vùng Đồng Tháp Mười là “Thầy Tưng”. Câu chuyện được viết với văn phong miền Nam Việt Nam khá giản dị và “ngọt”. Ngược lại, “Linh thú” lại được tác giả xử lý “rất Tây”, lối kể chuyện nhanh, mạch lạc nhưng đòi hỏi tư duy logic để xâu chuỗi được câu chuyện về ảo vọng quyền lực của một bộ lạc da đỏ đã đi vào truyền thuyết.

Đại diện Limbooks cũng thẳng thắn thừa nhận: “Hành trình để xin cấp phép cho “Thiên Linh cái - Linh thú” vô cùng gian nan bởi rất dễ bị hiểu lầm là tác phẩm Tây đến mức phóng khoáng và dung tục, bị đánh giá là sởn da gà và gây ám ảnh cho người đọc. Nhưng sau những thẩm định của nhiều tác giả, của Nhà xuất bản Hội nhà văn, nhiều người đều công nhận rằng, nhận xét đó sẽ là một đánh giá thiếu công bằng với câu chuyện tổng thể, với ý nghĩa nhân văn toát lên trong bộ sách. Hơn nữa, sau combo sách này, Limbooks có hàng loạt tác phẩm dòng văn học “lai Tây”, tự tin với dòng văn học mang phong cách mới này.”
Tác giả Trương Thanh Thùy (bên trái ảnh) và Nhà Phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi tọa đàm sáng 29/4.
Tác giả Trương Thanh Thùy (bên trái ảnh) và Nhà Phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên tại buổi tọa đàm sáng 29/4.
Nhà Phê bình Văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá: “Chúng tôi cho rằng ấn phẩm ma cà rồng thì văn học phương Tây đã nói rồi, dễ đọc. Còn “Thiên Linh cái” mang đậm âm hưởng Nam Bộ, “Linh thú” khiến người ta phải đọc nhiều, bị cuốn hút vì có nhiều tuyến nhân vật nhưng lại là một thách đố với độc giả, khó tiếp nhận. Còn “2030” là tiểu thuyết được viết chắc tay, câu chuyện lớp lang, cấu trúc vững vàng và nghệ thuật, đề tài mới lạ, hiện đại. Còn “Thiên Linh cái - Linh thú” nói về tâm linh, tín ngưỡng giúp con người lay động thức tỉnh và bất cứ tập tục nào không vì con người đều đáng lên án, phê phán. Tác giả là người chuyên viết kịch bản phim nên cảnh trí trong tác phẩm có hình ảnh, có gay cấn, hồi hộp và lo sợ, ấn tượng là con người phải đối diện nhiều thứ bủa vây vô cùng tàn ác và chỉ có lòng nhân ái mới cứu vớt được con người. Điều đọng lại trong tôi về hai tác phẩm này khiến tôi liên tưởng tới “Biểu tượng thất truyền” của Dan Brown.”

Bản thân tác giả Trương Thanh Thùy chia sẻ: “Thùy lĩnh hội kiến thức từ nhiều người nên Thùy không nhận văn của mình mới mà chỉ dám viết những đề tài nhiều bạn biết nhưng không viết. Thùy đã tìm đọc nhiều tài liệu để sách có một phần của sự thật và đề tài Thùy chọn luôn xuất phát từ sự thật. Thùy đọc văn học nước ngoài rất nhiều nhưng khi viết buộc mình tách ra khỏi sự ảnh hưởng của các nhà văn phương Tây. Với mỗi tác phẩm trong bộ sách, Thùy dành ra không dưới một năm để nghiên cứu, tìm hiểu tài liệu và chấp bút. Thùy không nhận mình là nhà văn mà chỉ là tác giả, Thùy không đồng ý với quan niệm của nhiều bạn trẻ hiện nay coi văn chương chỉ là cuộc dạo chơi.”

Trương Thanh Thùy từng làm phóng viên tại quê hương Đà Lạt, Lâm Đồng, sau đó cô chuyển vào sinh sống tại TP Hồ Chí Minh và bắt đầu theo đuổi văn chương. Năm 2014, Thanh Thùy ra mắt cuốn sách dành cho thiếu nhi mang tên "Đốm trắng". Ngoài việc sáng tác văn học, Thanh Thùy viết kịch bản phim. Một số bộ phim Thanh Thùy tham gia viết kịch bản nổi bật như Bảo mẫu thời @ (30 tập), “Tóc rối”, “Yêu anh, em dám không?”... Hiện cô đang làm free lancer, cộng tác biên tập với Today TV. Thanh Thùy quan niệm, xem phim để bổ trợ cho viết văn.