Cụ thể, tòa án Quận Bắc Seoul đã tuyên án Ban Joo-hyun, con của ông Ban Ki-sang, em trai Tổng thư ký LHQ Ban ki-moon làm giả giấy tờ cho chính quyền Qatar mua tòa nhà Keangnam tại Việt Nam.
Ban Joo-hyun khi đó giữ vị trí lãnh đạo một công ty đầu tư bất động sản của Mỹ vào thời điểm đó, bị cáo buộc nhận tiền từ Tập đoàn Keangnam vào năm 2014 để dàn xếp việc bán tòa cao ốc Keangnam cho chính quyền Qatar.
Tập đoàn Keangnam đã trong tâm bão bê bối vào năm ngoái. Hồi tháng 3/2015, Keangnam Enterprise phá sản, chủ tịch Sung Wan-jong đã tự tử sau đó 1 tháng cùng cáo buộc có hành vi hối lộ. Cũng trong thời điểm này, thông tin rao bán tòa Keangnam Hà Nội xuất hiện trên truyền thông xứ sở kim chi với lời đồn đại rằng Qatar sẽ mua lại tòa nhà. Tuy nhiên, Qatar khẳng định không có ý định mua lại và thông tin về thương vụ trị giá hàng trăm triệu USD là giả.
Tháng 4/2015, tập đoàn xây dựng Keangnam đã bị hủy niêm yết khỏi sàn chứng khoán Hàn Quốc sau khi nguồn vốn thâm hụt nghiêm trọng do hoạt động kinh doanh thua lỗ, đồng nghĩa với việc tập đoàn cần thêm vốn từ các ngân hàng hoặc phải thu hút được nhà đầu tư mới để tiếp tục duy trì các dự án nước ngoài cũng như trong nước. Trong khi đó, Keangnam đang dính vào một vụ kiện tại Madgascar với nguy cơ phải nộp 110 tỉ won tiền phạt, Cục Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSS) cho biết.
Tòa Keangnam Hanoi Landmark Tower do công ty Keangnam Enterprise xây dựng. Công ty này cũng là chủ sở hữu của công trình với số vốn đầu tư khoảng 1,1 tỷ USD.
Hoàn thành vào năm 2011, tòa Keangnam Hà Nội gồm 72 tầng, cao 330 m và diện tích sử dụng lên đến 610.000 m2. Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, chủ sở hữu của tòa nhà cao nhất Hà Nội quyết định bán nó vì những khó khăn về tài chính, gồm nợ 530 tỷ won từ chi phí xây dựng Keangnam Hà Nội. Vào thời điểm đó, theo định giá của tòa án Hàn Quốc, tòa nhà có thể được bán với giá khoảng 800 triệu USD.
Ông Ban Joo-hyun hiện vẫn chưa có hồi đáp lại phán quyết của tòa án, được tuyên khi vắng mặt ông này.