KTĐT - Dù đã có nhiều cảnh báo về hậu quả của việc hút thuốc lá và đã có quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhưng đi bất cứ đâu, đến bất cứ nơi nào, kể cả trong môi trường bệnh viện, qui định này dường như không có hiệu lực. Và, những làn khói thuốc đã vô tình gieo rắc bệnh tật và cả cái chết cho biết bao người trong và ngoài cuộc.
Hại mình, hại người
Biết là có hại nhưng vẫn cứ hút, biết là sẽ có nhiều khả năng bị ung thư vì hút thuốc lá nhưng vẫn bất chấp… Đó là những câu trả lời chúng tôi được nghe từ chính miệng những bệnh nhân K phế quản hiện đang điều trị tại Khoa Xạ trị tổng hợp (Bệnh viện K Trung ương). Đây cũng là các "nhân vật" được xác định bị ung thư do hút thuốc lá. Cũng qua các bệnh nhân này, chúng tôi được biết, họ đều là những người nghiện thuốc lá, thuốc lào (người hút ít nhất cũng phải 2 bao/ngày, thâm niên hút tới 30 - 40 năm). Và hậu quả là căn bệnh nan y không cứu chữa, nhiều người cuộc sống chỉ tính bằng ngày, bằng tháng. Tuy nhiên, đau lòng hơn là những người chưa bao giờ hút thuốc, nhưng vẫn phải chịu hậu quả của khói thuốc. Trường hợp của bà Ngô Thị Lan, 64 tuổi (Nghệ An) là một ví dụ điển hình. Mặc dù bác sĩ thông báo nguyên nhân dẫn đến căn bệnh phổi của mình là do ảnh hưởng của khói thuốc lá từ môi trường xung quanh, nhưng bà Lan vẫn không thể tin nổi. Chỉ đến khi nhìn tấm phim chụp lá phổi đã mờ gần hết, bà mới giật mình và cho biết, chồng bà nghiện thuốc lá sau không có tiền ông chuyển sang hút thuốc lào, nghiện đến mức nửa đêm cũng phải dậy hút. Hậu quả là chồng bị ung thư đã qua đời năm ngoái, nay lại đến lượt bà...
Cùng chung hoàn cảnh với bà Lan là chị Lưu Thị H., 46 tuổi (xãTiền Phong, Mê Linh, Hà Nội). Chị H. bị ung thư vú và đã điều trị ở BV K được gần 5 tháng. Chị cho biết, từ trước đến nay nghe người ta nói hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, nghĩ rằng mình không hút thì chẳng hại gì, không ngờ lại bị ảnh hưởng từ khói thuốc của chồng và con trai.
Độc hơn mây phóng xạ
Tại Hội thảo "Các biện pháp kiểm soát và phòng chống tác hại thuốc lá"mới diễn ra tại Hà Nội, bà Phạm Hoàng Anh, Giám đốc Văn phòng Heathbridge Canada, tổ chức phi chính phủ hoạt động trong lĩnh vực sức khỏe và phòng chống thuốc lá cho biết, khói thuốc lá còn độc hơn mây phóng xạ. Trong khói thuốc lá người ta đã tìm thấy chất phóng xạ có thể gây ung thư và các bệnh khác. Cụ thể, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư thay vì con số 4.000 chất độc được công bố trước đây. Việt
Bà Phạm Hoàng Anh cho rằng, để thực hiện hiệu quả quy định cấm hút thuốc lá, các BV nên tăng cường thông tin lặp đi lặp lại đến người bệnh bằng cách: Treo nhiều biển báo tại nhiều nơi (nhất là những nơi đông bệnh nhân, người nhà bệnh nhân), nhắc nhở trên loa, trên chỉ dẫn hoặc ghi chú ngay vào sổ khám bệnh phát cho bệnh nhân. Kinh nghiệm của nhiều nước trên thế giới cho thấy, khi công tác tuyên truyền nhắc nhở được đẩy mạnh vẫn thu được hiệu quả. Nếu đợi đến luật có hiệu lực mới thực hiện e rằng quá muộn. Hơn nữa, đối với nơi công cộng đông người như BV, việc phát hiện xử phạt không hề đơn giản. Do đó, cần đẩy mạnh hình thức tuyên truyền nhắc nhở, ở đây không chỉ lãnh đạo BV, bảo vệ mới được quyền nhắc nhở mà tất cả mọi cán bộ y tế, mọi người dân đến khám bệnh đều có quyền yêu cầu tắt thuốc lá trong BV. Hiện nay biện pháp nhắc nhở chưa được đẩy mạnh bởi nhiều người còn có tâm lý đó không phải việc của mình. Hơn nữa, nhiều người chưa nhận thức được tác hại của việc hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe.