70 năm giải phóng Thủ đô

Tác hại khôn lường từ gian lận xuất xứ

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng hàng hóa được nhập khẩu từ nước ngoài hoặc đặt gia công ở nước ngoài nhưng lại đội lốt hàng Việt, ghi nhãn xuất xứ “Made in Viet Nam” đánh lừa người tiêu dùng… đang ngày càng gia tăng, có chiều hướng tinh vi hơn.

Nó không chỉ ảnh hưởng tiêu cực đến DN làm ăn chân chính và nguy hại cho người tiêu dùng mà còn gây ra những tác hại khôn lường trong hoạt động thương mại quốc tế của hàng hóa Việt Nam.
Hàng hóa trong nước đứng trước nhiều rủi ro
Theo đại diện Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN), tình hình vi phạm sở hữu trí tuệ các nhãn hàng đã được bảo hộ đang diễn ra phức tạp. Trong vòng 3 năm trở lại đây, Cục này đã phát hiện và đề xuất cơ quan chức năng xử lý hơn 400 đơn vị vi phạm với nhiều hình thức khác nhau.
 Người tiêu dùng mua hàng tại một siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Các nước tiên tiến đều có quy định về việc ghi nhãn nước sản xuất. Đối với mặt hàng cần bảo hộ hoặc đã xây dựng được thương hiệu mang tầm quốc tế, các nước quy định tiêu chí cho một số sản phẩm cụ thể. Về chế tài xử phạt, một số nước có chế tài xử phạt rất nặng với các trường hợp cố tình ghi sai nhãn xuất xứ hàng hóa.
Ví dụ, tại Canada, theo Luật Cạnh tranh, nếu tổ chức, cá nhân vi phạm việc gây hiểu sai, hiểu nhầm về sản phẩm có thể bị phạt hành chính lên đến 15 triệu đôla Canada, truy cứu trách nhiệm hình sự và/hoặc phạt tù từ 1 – 14 năm.
Việt Nam lại chưa có quy định về tiêu chí để hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam việc gian lận ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam không chỉ làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng mà còn có tác động đến sản xuất trong nước, làm giảm uy tín và tính cạnh tranh của hàng sản xuất tại Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, chỉ tính riêng trong 11 tháng năm 2018, lượng xe đạp điện của Việt Nam xuất khẩu sang EU là trên 138.000 chiếc, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2017.
Không chỉ xe đạp điện, trong năm 2018, hàng chục loại hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam như sắt, thép, tấm năng lượng mặt trời, tôn, gỗ ván ép, nguyên liệu thủy sản… có sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu một cách đột biến từ 20 - 47%. Sự gia tăng đột biến này khiến nhiều mặt hàng Việt Nam rơi vào các vụ kiện điều tra chống lẩn tránh thuế với 19 vụ điều tra chống lẩn tránh đối với hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam được triển khai.
Xuất khẩu sẽ gặp nhiều thách thức
Trên thực tế, Việt Nam đã tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do, mới nhất là CPTPP. Theo đó, các loại hàng hóa sẽ dần dần được hưởng thuế nhập khẩu thấp hoặc giảm về 0%. Điều này khiến tình trạng làm giả xuất xứ hàng hóa có nguy cơ ngày càng cao.
Theo số liệu thống kê của WTO, trong vòng 6 tháng gần đây, các nước thành viên G20 đã khởi xướng tổng cộng 85 vụ việc phòng vệ thương mại , bao gồm 63 vụ việc chống bán phá giá, 19 vụ việc chống trợ cấp và 3 vụ việc tự vệ. Một khi phát hiện hành vi gian lận, nước áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại có xu hướng áp dụng luôn biện pháp này cho hàng hóa tương tự của quốc gia mà tại đó hành vi gian lận xảy ra, gây ảnh hưởng liên đới tới các DN xuất khẩu chân chính.
LS Trần Hữu Huỳnh - Chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế Việt Nam, phân tích: Cơ hội xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam gia tăng khi các FTA đi vào thực hiện. Tuy nhiên nguy cơ hàng hóa nước ngoài lợi dụng khai thác xuất xứ Việt Nam để hưởng lợi cũng khá lớn. Theo LS Huỳnh, để giảm thiểu các hiện tượng trên, cần hoàn thiện chính sách cùng với kiểm tra giám sát tốt. Nếu những sản phẩm đã công bố mã truy xuất nguồn gốc hàng hóa, người tiêu dùng có thể sử dụng điện thoại thông minh quét mã sản phẩm để kiểm tra.
Theo ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, trường Đại học Fullbright Việt Nam, trước hết cần phải rà soát và sửa đổi các quy định chưa phù hợp liên quan đến xuất xứ hàng hóa … Thường xuyên tra cứu các mặt hàng bị các thị trường lớn như EU, Hoa Kỳ, Nhật Bản,... áp thuế chống bán phá giá và áp với các nước nào.
Khi phát hiện ra những DN xuất nhập khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp chống bán phá giá, hoặc đang điều tra... hải quan cần có cảnh báo cho các cơ quan liên quan tiến hành các biện pháp kiểm tra chặt chẽ.

Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 2, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết đang lấy ý kiến các bộ, ngành liên quan về việc ghi nhãn mác hàng hóa, đồng thời, sẽ phối hợp các đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ Việt Nam cho hàng xuất khẩu.

Trong đó, đặc biệt lưu ý tới một số mặt hàng có nguy cơ cao trong việc làm giả xuất xứ Việt Nam. Bộ Công Thương đề xuất tăng hình phạt cho DN vi phạm. (Hiện nay, mức phạt cao nhất chỉ là 200 triệu đồng/vụ, nhưng nếu thực hiện trót lọt, mỗi vụ việc, DN có thể kiếm lời hàng tỷ đồng).