Lời kêu gọi thiêng liêng, bất hủ của Bác là khát vọng cháy bỏng của cả dân tộc Việt Nam, cũng chính là mục tiêu chiến đấu, là nguồn sức mạnh làm nên chiến thắng của nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp vĩ đại đấu tranh vì độc lập, tự do, vì sự tồn tại và phát triển của dân tộc.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu TTXVN |
Thông tấn xã Việt Nam trân trọng giới thiệu bài viết:
Sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp thắng lợi (năm 1954), cách mạng Việt Nam đứng trước tình hình mới. Miền Bắc nước ta được giải phóng và đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng ở miền Nam, đế quốc Mỹ thay thế thực dân Pháp thống trị và dựng lên chính quyền tay sai, âm mưu chia cắt lâu dài Việt Nam.
Cuối năm 1964 đầu năm 1965, trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của cách mạng miền Nam và sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh đặc biệt”, đế quốc Mỹ vẫn không chịu từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta. Chúng tiếp tục leo thang chiến tranh nhằm cứu vãn cho ngụy quân đang trên đà sụp đổ. Chúng thực hiện chiến lược “Chiến tranh cục bộ” - một “cuộc chiến tranh tàn bạo nhất trong lịch sử loài người” đưa hàng chục vạn lính viễn chinh Mỹ và chư hầu đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, đẩy cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên nấc thang cao nhất.
Ở miền Bắc, đế quốc Mỹ gây ra sự kiện “Vịnh Bắc Bộ” (tháng 8/1964), để dùng không quân và hải quân đánh phá ra miền Bắc, phá hoại công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam, làm lung lay quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam. Đế quốc Mỹ đe dọa, nếu Việt Nam không chấp nhận những điều kiện của chúng, chúng sẽ đưa miền Bắc trở về thời kỳ đồ đá. Cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc Việt Nam bước vào giai đoạn mới với nhiều thách thức hết sức quyết liệt.
Nhân dân hai miền Nam - Bắc tiếp tục vượt qua những khó khăn lớn thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ chiến lược: Miền Bắc tiếp tục bước vào thời kỳ quá độ đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm nhiệm vụ hậu phương lớn cho cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước của đồng bào miền Nam, đồng thời chiến đấu chống lại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Miền Nam tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, là tiền tuyến lớn trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.
Giai đoạn này, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế xuất hiện khuynh hướng đánh giá quá cao (sức mạnh) đế quốc Mỹ, làm nảy sinh tư tưởng do dự, hữu khuynh, “hòa bình chủ nghĩa”, sợ xung đột nhỏ có thể gây ra chiến tranh thế giới, nhất là nguy cơ chiến tranh hạt nhân. Điều này gây ảnh hưởng nhất định đến tư tưởng của quân và dân ta. Ở một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân xuất hiện tư tưởng “sợ Mỹ”, cho rằng đánh Mỹ là “phiêu lưu mạo hiểm”, khác nào “châu chấu đá voi”, “đem trứng chọi đá”.
Tình hình này nếu không được khắc phục sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tâm lý, tư tưởng, sức mạnh chiến đấu của các lực lượng cách mạng. Trước tình hình đó, Hội nghị Ban Chấp Trung ương Đảng lần thứ 11 (tháng 3/1965) và Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 12 (tháng 12/1965) của Đảng đã thống nhất khẳng định quyết tâm: Kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ trong bất cứ tình huống nào, để bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, thực hiện thống nhất nước nhà.
Trước khả năng cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước có thể còn lâu dài và vô cùng ác liệt, để khẳng định quyết tâm sắt đá bảo vệ nền độc lập dân tộc, thống nhất, toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ của đất nước, đồng thời để thống nhất về nhận thức và tư tưởng, củng cố niềm tin cho toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta trong giai đoạn chiến đấu mới quyết liệt hơn, khó khăn, gian khổ và hy sinh nhiều hơn để giành thắng lợi hoàn toàn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã soạn thảo tài liệu quan trọng: Lời kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước.
Tài liệu đã được lấy ý kiến đóng góp của một số đồng chí trong Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Sáng ngày 17/7/1966, Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được phát đi trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam và được đăng trên Báo Nhân Dân số 4484, ngày 17/7/1966. Trong Hồ Chí Minh toàn tập, tác phẩm có tên là: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Bằng lập luận sắc bén, với những minh chứng hùng hồn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã vạch trần bản chất xâm lược và tội ác xấu xa của đế quốc Mỹ đối với nhân dân Việt Nam. Đó là hành động Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam, nuôi dưỡng cho ngụy quân làm công cụ gây chiến tranh; sử dụng những vũ khí dã man như chất độc hóa học, bom napan và những chính sách đốt sạch, giết sạch, phá sạch để khủng bố tinh thần lực lượng cách mạng. Không những thế, đế quốc Mỹ điên cuồng leo thang đánh phá ra miền Bắc, nhằm gỡ thế thất bại ở chiến trường miền Nam và ép chúng ta “đàm phán” theo ý đồ của chúng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Đó là hành động tuyệt vọng của chúng, khác nào con thú dữ bị thương nặng, giãy giụa một cách hung tợn trước hơi thở cuối cùng” và nó cũng là minh chứng hùng hồn tố cáo chiêu trò bịp bợm “đàm phán hòa bình” hòng đánh lạc hướng dư luận thế giới và đổ lỗi cho Việt Nam không muốn “đàm phán hòa bình” với Mỹ. Người lên tiếng phản đối Tổng thống Giôn-xơn: “Ngươi hãy công khai trả lời trước nhân dân Mỹ và nhân dân thế giới: Ai đã phá hoại Hiệp định Giơnevơ, là hiệp định bảo đảm chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam? Phải chăng quân đội Việt Nam sang xâm lược nước Hoa Kỳ và giết hại người Hoa Kỳ? Hay là Chính phủ Mỹ đã đem quân đội Hoa Kỳ đến xâm lược nước Việt Nam và giết hại người Việt Nam?”.
Vạch trần thủ đoạn của Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Nhân dân Việt Nam rất yêu chuộng hòa bình, hòa bình thật sự, hòa bình trong độc lập tự do, chứ không phải thứ hòa bình giả hiệu, “hòa bình” kiểu Mỹ”. Do đó, chỉ sau khi Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom và mọi hành động chiến tranh khác chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mỹ mới có thể nói chuyện và bàn các vấn đề có liên quan đến hai bên. Nhân dân Việt Nam quyết không khuất phục trước vũ lực và quyết không nói chuyện trước sự đe dọa của bom đạn.
Tố cáo bản chất và tội ác của đế quốc Mỹ, Hồ Chí Minh nêu bật quyết tâm sắt đá của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước, giành độc lập, thống nhất Tổ quốc. Người khẳng định: “Dưới sự lãnh đạo kiên quyết và khôn khéo của Mặt trận Dân tộc giải phóng, quân và dân miền Nam ta đoàn kết chặt chẽ, chiến đấu anh dũng, đã thắng lợi rất vẻ vang và quyết tâm chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn, để giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới thống nhất nước nhà”.
Sức mạnh của quân đội, vũ khí và đồng đô la Mỹ không thể làm lung lạc ý chí, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ của quân và dân Việt Nam: Đế quốc Mỹ có thể đưa 50 vạn quân, 1 triệu quân hoặc nhiều hơn nữa để đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền Nam Việt Nam; có thể dùng hàng nghìn máy bay, tăng cường đánh phá miền Bắc. Nhưng chúng quyết không thể lay chuyển được chí khí sắt đá, quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam anh hùng.
Thay mặt cho nhân dân Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên ngôn: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Đồng thời, Người khẳng định một niềm tin không gì lay chuyển nổi vào ngày mai tất thắng: “Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”.
Niềm tin tuyệt đối của Hồ Chí Minh vào thắng lợi của nhân dân Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ, kẻ địch có sức mạnh về kinh tế và quân sự lớn hơn chúng ta rất nhiều, đó là bởi tính chất chính nghĩa của cuộc chiến tranh giải phóng, bảo vệ Tổ quốc; bởi sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc; bởi truyền thống đấu tranh bất khuất của dân tộc và sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ trên thế giới.
Với tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kêu gọi tất cả các lực lượng: “Vì độc lập của Tổ quốc, vì nghĩa vụ đối với các dân tộc đang chống đế quốc Mỹ, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, không sợ hy sinh gian khổ, kiên quyết chiến đấu đến thắng lợi hoàn toàn”. Người đã củng cố niềm tin đó bằng việc nhắc lại chiến thắng vĩ đại của Quân đội và nhân dân Việt Nam trước cả phát xít Nhật và thực dân Pháp trong hoàn cảnh khó khăn hơn lúc này rất nhiều.
Khơi dậy truyền thống yêu nước, ý chí tự lực tự cường, không chịu khuất phục trước cường quyền bạo lực của nhân dân Việt Nam, Người một lần nữa kêu gọi: “Chúng ta quyết đồng tâm nhất trí, vượt mọi gian khổ hy sinh, kiên quyết hoàn thành nhiệm vụ lịch sử vẻ vang của dân tộc ta là đánh thắng giặc Mỹ xâm lược!”.
Tác phẩm “Không có gì quý hơn độc lập, tư do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn khẳng định một luận điểm có ý nghĩa lớn đó là sự ủng hộ của nhân loại tiến bộ đối với cuộc chiến tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam. Người khẳng định, cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta được sự đồng tình và ủng hộ mạnh mẽ của nhân dân thế giới, kể cả những tầng lớp rộng rãi trong nhân dân Mỹ. Mỹ càng tăng cường đưa quân vào miền Nam và mở rộng chiến tranh phá hoại ở miền Bắc thì Mỹ càng bị cô lập trên thế giới và ngay trong nước Mỹ; càng phơi bày âm mưu, thủ đoạn lừa bịp dư luận thế giới với chiêu trò “đàm phán hòa bình”. Do vậy, “Chúng ta có chính nghĩa, có sức mạnh đoàn kết của toàn dân từ Bắc đến Nam, có truyền thống đấu tranh bất khuất, lại có sự đồng tình ủng hộ rộng lớn của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân tiến bộ cả thế giới, chúng ta nhất định thắng!”.
Mặt khác, sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam cũng góp phần thực hiện nghĩa vụ quốc tế trong cuộc chiến chống đế quốc Mỹ; phong trào cách mạng của Việt Nam có ý nghĩa cổ vũ to lớn đối với cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội của nhân dân thế giới.
Hồ Chí Minh thay mặt nhân dân Việt Nam, nhiệt thành cảm ơn sự ủng hộ và giúp đỡ hết lòng của nhân dân các nước xã hội chủ nghĩa, của nhân dân tiến bộ trên thế giới, kể cả nhân dân tiến bộ Mỹ. Người cho rằng trước âm mưu, tội ác mới của đế quốc Mỹ, nhân dân và chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước yêu chuộng hòa bình và chính nghĩa trên thế giới càng ra sức ủng hộ và giúp đỡ hơn nữa nhân dân Việt Nam chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn.
Có thể nói, tư tưởng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” của Chủ tịch Hồ Chí Minh là sự kết tinh những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê nin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đặc biệt, tư tưởng đó là sự đúc kết tinh thần yêu nước mãnh liệt, ý chí sắt đá và nguyện vọng thiết tha của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tác phẩm có giá trị to lớn trên cả phương diện lý luận cũng như thực tiễn.
“Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là chân lý của mọi thời đại. Độc lập, tự do là điều kiện tiên quyết để xây dựng một đất nước phồn vinh, dân tộc phát triển, người dân ấm no, hạnh phúc. Độc lập, tự do của dân tộc là vô cùng quý giá và thiêng liêng. Bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc mình đồng thời tôn trọng độc lập, tư do của dân tộc khác là điều kiện để xây dựng một thế giới hòa bình và phát triển. Do đó, không một quốc gia nào, thế lực nào có thể tự cho mình quyền can thiệp và xâm phạm độc lập, tự do của các quốc gia dân tộc khác, càng không thể có quyền thực hiện sự can thiệp đó bằng những hành động vũ lực. Nền độc lập mà Chủ tịch Hồ chí Minh nói đến trong tác phẩm phải là nền độc lập hoàn toàn, độc lập thực sự trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, có quyền quyết định con đường phát triển của dân tộc mình, không bị lệ thuộc vào bên ngoài.
Để có được độc lập, tự do, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu bài học lý luận có ý nghĩa to lớn, đó là dựa vào sức mình là chính, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, ủng hộ của các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên thế giới. Để có được độc lập, tự do, các dân tộc phải đứng lên tự quyết định lấy chính vận mệnh của dân tộc mình. Một dân tộc không thể có được và không xứng đáng được hưởng độc lập, tự do nếu dân tộc ấy không tự đứng lên để giải phóng cho chính mình. Do đó, khi độc lập, tự do bị xâm phạm thì cả dân tộc phải kiên quyết đứng lên chiến đấu đến cùng để giữ vững và bảo vệ nền độc lập và tự do ấy, không thể bị động chờ đợi sự giúp đỡ của các lực lượng bên ngoài, càng không thể ngồi yên chờ đợi vào sự “ban ơn” của các nước đế quốc, thực dân.
Tư tưởng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" của Chủ tịch Hồ Chí Minh là tư tưởng mang tầm vóc thời đại. Tác phẩm như một lời hịch vang vọng núi sông, hiệu triệu toàn dân tộc đồng tâm, nhất trí, vượt qua mọi khó khăn, thách thức tiến về phía trước; khơi dậy ý chí, quyết tâm của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tộc; thống nhất ý chí, niềm tin, củng cố đội ngũ, đoàn kết một lòng cùng bước vào giai đoạn quyết liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Tác phẩm đã tạo nền tảng tư tưởng vững chắc cho việc xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam - nguồn sức mạnh vô cùng to lớn, động lực chủ yếu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, toàn Ðảng, toàn quân, toàn dân ta vững tin bước vào cuộc chiến đấu mới. Miền Bắc nhanh chóng chuyển từ thời bình sang thời chiến. Phong trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt diễn ra sôi nổi. Quân dân miền Bắc vừa làm tốt nhiệm vụ bảo vệ hậu phương lớn của cả nước, vừa tích cực chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Ở miền Nam, các chiến trường, các mặt trận, các địa phương gấp rút tăng cường lực lượng, tổ chức lại thế trận; một phong trào tìm Mỹ mà đánh, tìm Mỹ mà diệt được dấy lên khắp miền với nhiều “vành đai diệt Mỹ”. Đây chính là cơ sở quan trọng cho chiến thắng của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Sự lan tỏa của tác phẩm đã góp phần tạo nên những thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam trong những thập kỷ 60 - 80 của thế kỷ XX, tác động và ảnh hưởng tích cực đến cuộc đấu tranh của phong trào giải phóng dân tộc, chống đế quốc thực dân trên thế giới, nhằm bảo vệ độc lập, chủ quyền, chống mọi sự nô dịch và lệ thuộc.
Trong bối cảnh thế giới và trong nước hiện nay, chân lý “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” tiếp tục là động lực tinh thần to lớn và là tư tưởng dẫn dắt nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh để bảo vệ, giữ vững nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, bảo vệ tự do, hạnh phúc thực sự của dân tộc và giữ vững chế độ xã hội chủ nghĩa trên tất cả các lĩnh vực: chính trị, văn hóa, tư tưởng, quân sự, ngoại giao… với những nội dung mới, hình thức mới và sắc thái, biểu hiện mới.
Ngày nay, tác phẩm "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" như lời của non sông, lời của đất nước tiếp tục soi sáng cho chúng ta trong việc phát huy tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tinh thần độc lập, tự chủ, phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, sức mạnh bên trong với sức mạnh bên ngoài để tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn, vượt qua mọi thách thức, khắc phục mọi khó khăn, tận dụng cơ hội nhằm thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.