Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tắc trách

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là nguyên nhân gây không ít những vụ cháy nổ, thậm chí có không ít vụ thiệt mạng thương tâm nhưng xem chừng việc quản lý mặt hàng khí hóa lỏng, đặc biệt là bình chứa, đến nay vẫn bị buông lỏng.

Cụ thể, tại cuộc họp về quản lý thị trường kinh doanh khí hóa lỏng ngày 18/1, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã rất gay gắt với trách nhiệm của Cục Quản lý thị trường, những đơn vị liên quan khi đến nay việc quản lý vẫn chỉ dừng lại ở hô hào “Tăng cường hiệu lực, hiệu quả”.
 Ảnh minh họa
Không phải đến khi một loạt vụ tai nạn liên quan đến việc kinh doanh, sang chiết gas gây hậu quả nghiêm trọng người ta mới giật mình vì sự buông lỏng của các cơ quan chức năng, dù lời cảnh báo đã được đưa ra từ rất lâu. Tuy nhiên, hiện vẫn còn không ít đơn vị kinh doanh chiếm dụng trái phép bình khí hoá lỏng (LPG), cưa tai mài vỏ, không có kiểm định vẫn đưa ra tiêu thụ trên thị trường gây mất an toàn cháy nổ, đe dọa trực tiếp tới tài sản, tính mạng người sử dụng.

Đã có không ít những quy định, những biện pháp được triển khai trong thời gian qua nhưng có thể thấy cơ quan quản lý vẫn còn nhiều lúng túng, chồng chéo. Đơn cử như liên quan việc kiểm định chất lượng vỏ bình gas, theo quy định, phải được kiểm định theo quy chuẩn Việt Nam. Khi kiểm tra, nếu vỏ bình không đủ chất lượng, lực lượng quản lý thị trường có trách nhiệm thu hồi. Song xem ra, việc kiểm định này rất khó và chưa thực hiện được do thuộc trách nhiệm của chi cục đo lường ở địa phương. Ngoài ra, các quy định đến nay vẫn chưa làm rõ việc sở hữu bình gas là thương hiệu hay tài sản, vì người sử dụng khi dùng gas đã bỏ một khoản tiền để mua vỏ bình. Vì thế, có thể hiểu DN phân phối bình gas đến người tiêu dùng đã nhận lại một khoản tiền tương đương. Mặt khác, các đơn vị khi thu gom bình trong dân cũng đã trả một khoản tiền cho người tiêu dùng để thu mua lại vỏ bình gas, hoặc đưa bình khác của mình để trao đổi.

Quy định còn nhiều lỗ hổng, trong khi chủ DN kinh doanh vì lợi nhuận mà bất chấp các điều kiện an toàn, đủ thủ đoạn để đối phó, thì lực lượng chức năng đưa ra không ít lý do khách quan để né tránh trách nhiệm, việc phối hợp quản lý, xử phạt nhiều nơi, nhiều lúc chỉ dừng lại ở hô hào “tăng cường hiệu lực, hiệu quả”… Nhưng người gánh chịu những sự tắc trách này không ai khác vẫn lại là người tiêu dùng.