Tại 22 chốt kiểm soát: Thực hiện test nhanh Covid-19, linh hoạt và không "ngăn sông cấm chợ"

Đạt Lê - Hoàng Tuấn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Lãnh đạo Công an Hà Nội cho biết, các chốt kiểm soát có nhiệm vụ chính là tập trung phòng ngừa và tuyên truyền cho người dân về việc bảo đảm phòng, chống dịch khi ra vào Hà Nội. Đồng thời, đảm bảo giao thông thông suốt an toàn, với tinh thần làm linh hoạt nhưng với mục tiêu không "ngăn sông cấm chợ"...

 Chuẩn bị công tác kiểm soát từ sáng sớm.
Linh hoạt trong công tác kiểm soát
Sáng 14/7, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND TP Hà Nội về công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình, diễn biến mới, Công an Hà Nội chủ trì phối hợp với Sở Giao thông, Sở Y tế, Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã chính thức triển khai 22 chốt kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 tại các cửa ngõ lớn ra vào Thủ đô.

Nhiệm vụ của các chốt nhằm kiểm soát toàn bộ lưu lượng phương tiện vận tải hành khách, gắn với di biến động của lực lượng lao động, người dân giao thương giữa Hà Nội với các tỉnh, thành phố khác. Đặc biệt, các tỉnh, thành phố đang có dịch nhưng không gây ách tắc phương tiện vận tải, duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh ở mức cao nhất trong điều kiện dịch bệnh.

Kiểm tra tại chốt kiểm soát dịch ở Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), một trong những chốt đặc biệt quan trọng, Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội thông tin: Hà Nội thành lập 22 chốt kiểm tra Covid-19, đây không phải là để phong toả thành phố mà chủ yếu tập trung vào vấn đề phòng chống dịch và tuyên truyền cho người dân từ các tỉnh về Hà Nội thực hiện nghiêm túc công chỉ đạo phòng chống dịch.
Đại tá Trần Ngọc Dương  Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội kiểm tra, động viên các lực lượng tại chốt kiểm soát dịch ở Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì, Hà Nội).
Tất cả các phương tiện từ các tỉnh về Hà Nội đều được kiểm tra thân nhiệt, kiểm tra công tác phòng chống dịch Covid-19, cần thiết sẽ tổ chức xét nghiệm nhanh. Đặc biệt những người ở vùng dịch, nếu có giấy xét nghiệm, có việc cần vào Hà Nội, ngành chức năng sẽ xem xét giải quyết cho vào theo quy định.

Đại tá Trần Ngọc Dương nói, để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19, cũng như đảm bảo giao thông thông suốt an toàn, với tinh thần làm linh hoạt nhưng với mục tiêu không ngăn sông cấm chợ. Công an TP Hà Nội đã chỉ đạo các chốt làm thật nhanh như đo thân nhiệt, khai báo y tế qua mạng, tình huống xử lý nhanh nhất.

“Như trên tuyến Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình có 2 chốt kiểm tra Covid-19, ở chốt trên Cầu Giẽ đã kiểm tra các phương tiện sẽ thông báo cho chốt đầu Hà Nội sẽ cho xe qua luôn. Tình huống đặt ra, nếu trên tuyến đường xảy ra ùn tắc giao thông sẽ cho lực lượng CSGT sẽ tiến hành điều hành phân luồng từ xa”- Đại tá Trần Ngọc Dương cho hay.

Cũng theo Phó Giám đốc Công an Hà Nội, Công an TP chủ trì phối hợp với lực lượng Thanh tra Sở GTVT Hà Nội để xử lý đối với những trường hợp vận tải hành khách và lực lượng y tế chủ công triển công tác phòng chống dịch, chốt kiểm tra ở địa bàn quận, huyện nào thì có cán bộ tư pháp tham gia để hỗ trợ trong việc phòng chống dịch, lực lượng quân đội xử lý đối với trường hợp liên quan đến quân đội.

Đối với công tác tuyên truyền, Đại tá Trần Ngọc Dương  rất mong cơ quan báo chí tuyên truyền cho Nhân dân các tỉnh biết Hà Nội đã kiểm tra các chốt phòng chống dịch Covid-19. Tuy nhiên, không phải việc kiểm tra các chốt là để ngăn sông cấm chợ, mà để đảm bảo người dân các tỉnh về Hà Nội hoạt động kinh doanh thì mọi người chuẩn bị các điều kiện, thủ tục kiểm tra test nhanh Covid-19 một cách nhanh nhất.
 Đo thân nhiệt lái xe khi qua chốt.
Test nhanh Covid-19 tại các chốt
Tại chốt kiểm soát dịch ở Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì, Hà Nội), Trung tá Hà Văn Tuấn, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 14, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội cho biết, đơn vị đã huy động tối đa lực lượng tham gia trực 24/24 giờ tại các chốt kiểm dịch.

Theo đó, các cả lực lượng tại đây với tinh thần sẽ kiểm tra toàn bộ lưu lượng phương tiện nhưng tập trung vào phương tiện tại 14 tỉnh, thành phố đang có dịch. Để công tác kiểm soát được thông suốt, tại các chốt kiểm soát, chúng tôi có sự phối hợp với thanh tra giao thông, lực lượng tư pháp, quân đội… sẵn sàng xử lý khi xảy ra các tình huống.

Về công tác y tế tại chốt, chị Nguyễn Vân Anh, nhân viên Trung tâm y tế huyện Thanh Trì cùng các đồng nghiệp tới khu vực lập chốt kiểm dịch để sắp xếp các thiết bị y tế, mặc quần áo bảo hộ từ sáng sớm. Tuy công việc sẽ khá vất vả nhưng theo ghi nhận cho thấy nhân viên y tế luôn với tinh thần làm việc luôn sẵn sàng.

Chị Vân Anh chia sẻ: "Một ngày làm việc sẽ chia thành 4 ca, mỗi ca kéo dài 6 tiếng, đa phần lực lượng y tế tham gia chốt kiểm soát dịch là nữ nên những chị em phải tham gia ca tối sẽ vất vả hơn. Đây là làn thứ 2 lượng Trung tâm y tế huyện Thanh Trì tham gia chốt kiểm soát dịch tại cửa ngõ ra vào Thành phố".

Theo bà Nguyễn Kim Nhung, Phó Giám đốc Trung tâm y tế huyện Thanh Trì, khác với lần trước, lần này Trung tâm y tế huyện đã có đầy đủ vật tư y tế để tiến hành test nhanh Covid-19 tại chỗ, kết quả sẽ có sau khoảng 30 phút. Bởi vậy, khi phát hiện các trường hợp nghi nhiễm sẽ tiến hành test nhanh ngay lập tức. Việc này sẽ ngăn chặn tối đa người nhiễm bệnh vào địa bàn Thành phố Hà Nội đảm bảo tốt nhất công tác phòng chống dịch.

 Kiểm tra y tế tại chốt số 7.
Anh Nguyễn Văn Hùng khi qua chốt cho biết, hằng ngày vẫn lái ô tô vào khu vực nội thành Hà Nội làm việc. Bản thân đã 2 lần tiêm vắc xin phòng dịch nhưng luôn ủng hộ việc kiểm soát khép kín phòng, chống dịch khoa học, nghiêm túc như thành lập chốt, khai báo y tế, liên tục tuyên truyền lan tỏa thông điệp “5K” của Bộ Y tế.

Tại chốt kiểm soát thuộc địa bàn huyện Gia Lâm, Trung tá Thiều Mạnh Ngọc, Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông số 5 (Phòng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội) cho biết, trên địa bàn huyện Gia Lâm và quận Long Biên, cả 5 chốt trực do đơn vị chủ trì đã được kích hoạt từ 4 giờ cùng ngày. Đến 6 giờ, các lực lượng y tế, quân sự đã có mặt đầy đủ làm nhiệm vụ tại chốt.

Tại chốt 7 (Thanh Trì - Ecopack), ông Phạm Xuân Th. (cư dân Ecopack) là người đầu tiên thực hiện khai báo. Bác Th chia sẻ: "Người dân chúng tôi đã nắm được thông tin lập 22 chốt kiểm soát người và phương tiện vào Hà Nội. Hôm nay, tôi chủ động vào chốt để đo thân nhiệt, khai báo y tế, thực hiện trách nhiệm của người công dân trong phòng, chống dịch. Các lực lượng thực hiện công tác kiểm tra rất cẩn thận và linh hoạt".