Tái cấu trúc để “vực dậy” thị trường chứng khoán

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán đang đứng trước bờ vực phá sản, không thể đứng nhìn thị trường chứng khoán “chìm dần,” các chuyên gia cho rằng, cấu trúc lại thị trường chứng khoán là việc làm cần kíp trong năm 2012.

Thị trường chứng khoán Việt Nam cả năm nay hoạt động khó khăn để lại nhiều hệ lụy cho toàn hệ thống kinh tế, lượng cổ phiếu phát hành trong năm chỉ đạt 13.000 tỷ đồng, giảm 60% so với cùng kỳ, nhiều doanh nghiệp làm ăn thua lỗ khi giá cổ phiếu dưới mệnh giá không thể phát hành được.

Trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán đang đứng trước bờ vực phá sản, không thể đứng nhìn thị trường chứng khoán “chìm dần,” yêu cầu cấu trúc lại thị trường chứng khoán là việc làm cần kíp và bức thiết trong năm 2012.

U ám thị trường chứng khoán 2011

Tại hội thảo “Nhận diện cơ hội và rủi ro năm 2012” được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh mới đây, tiến sỹ Nguyễn Sơn, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho biết hiện chỉ số VN-Index chỉ còn 364,48 điểm, giảm 25% so với đầu năm nay. Thanh khoản của thị trường ở mức thấp, chỉ bằng 50% so với năm 2010. Nếu như không có sự nâng đỡ của nhóm các cổ phiếu “bluechip” thì có lẽ chỉ số đã xuống sâu hơn ngưỡng của năm 2009 (dưới 235 điểm).

Mặc dù số doanh nghiệp niêm yết gia tăng (700 công ty), nhưng mức vốn hóa thị trường lại suy giảm khá sâu (chỉ 32-33% GDP của năm 2010). Điều này ảnh hưởng đến sự nhìn nhận của các nhà đầu tư nước ngoài về Việt Nam dẫn đến dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài chững lại, giá trị danh mục hiện thời khoảng 7,2 tỷ USD trong khi cách đây 2-3 năm là trên 10 tỷ USD. Đối với doanh nghiệp, năm 2011 là một năm quá khó khăn.

Ông Sơn cho biết với chi phí vốn khoảng 18-25%, rất khó có một doanh nghiệp sản xuất nào có thể tồn tại. Không thể tiếp cận được tín dụng trắng (tín dụng chính thức của ngân hàng), doanh nghiệp phải “gò lưng” tiếp cận với tín dụng đen.

Năm 2011 doanh nghiệp huy động vốn qua thị trường chứng khoán quá khó khăn, hàng loạt cổ phiếu trở nên rẻ rúng, mệnh giá chỉ dưới 10.000 đồng. Khoảng 67% doanh nghiệp niêm yết có thị giá thấp hơn giá trị sổ sách, 38% công ty niêm yết trên HOSE (Thành phố Hồ Chí Minh) có thị giá dưới mệnh giá và trên HNX (Hà Nội) là 55%. Điều này khiến thị trường chứng khoán suy giảm mạnh và khó hồi phục nếu như không có chính sách, giải pháp hợp lý thì khả năng thâu tóm giữa các doanh nghiệp cũng như thâu tóm từ phía bên ngoài rất lớn.

Trong 105 công ty chứng khoán và 47 định chế hoạt động trong ngành chứng khoán, đến 68% công ty thua lỗ; một số bị âm vốn chủ sở hữu, đặc biệt yếu tố mất thanh khoản rất nghiêm trọng. Hiện Ủy ban chứng khoán đã tạm thời đình chỉ tư cách thành viên của một số trung tâm lưu ký, thành viên giao dịch và sẽ tiến tới yêu cầu bắt buộc phải rút nghiệp vụ môi giới. Hiện tại đã có một số công ty tự nguyện rút nghiệp vụ này.

Điểm sáng hiếm hoi trong 2011 là huy động vốn qua trái phiếu Chính phủ được phát hành khá lớn, trong 3 quý đã huy động được hơn 70.000 tỷ đồng trái phiếu. Nguyên nhân là do các thành viên tham gia thị trường trái phiếu Chính phủ, nhất là là các ngân hàng thương mại, khi tăng trưởng tín dụng không thực hiện được thì họ phải tìm cơ hội trên thị trường trái phiếu Chính phủ để đảm bảo mức sinh lời nhất định. Tuy nhiên kênh huy động này còn “lủng củng,” vì các ngân hàng thương mại đi huy động tín dụng tiết kiệm nhưng không lấy tín dụng đó để cấp cho nền kinh tế mà quay ra mua trái phiếu Chính phủ. Trái phiếu Chính phủ ấy lại quay sang đầu tư công.

“Giải cứu” thị trường chứng khoán

Tiến sỹ Quách Mạnh Hào, Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Thăng Long dự báo, từ tháng 6/2012 Chính phủ sẽ có những biện pháp nới lỏng tiền tệ, đối với thị trường chứng khoán mà nói, bất cứ giải pháp nới lỏng nào cũng đều có tác động tích cực đến thị trường. Mất 14 tháng để lạm phát chạy từ đỉnh về đáy, sự kỳ vọng vào chính sách tiền tệ lỏng hơn chỉ có thể xảy ra khi lạm phát giảm rõ rệt.

Với mức lạm phát dự kiến năm 2011 ở mức 18,2%, mặc dù xu thế đang giảm nhưng chính sách lỏng hơn chỉ có thể xảy ra khi lạm phát rơi về vùng quanh 12-14%, mức lạm phát này có thể rơi vào khoảng tháng 6/2012 và đây là thời điểm có thể hi vọng liệu thị trường chứng khoán có tăng điểm hay không.

Theo nhận định của tiến sỹ Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, trong năm 2012 thông điệp của Chính phủ vẫn mạnh mẽ với chính sách vĩ mô chặt chẽ, thận trọng; thắt chặt ngân sách; kéo lạm phát xuống từ 8-9% cho bằng được, bắt đầu đi vào tái cấu trúc nền kinh tế một cách quyết liệt và mang tính đột phá. “Nghệ thuật” điều hành chính sách vĩ mô trong năm 2012 phải hết sức khôn ngoan, chính sách tiền tệ linh hoạt, uyển chuyển để hỗ trợ doanh nghiệp. Trong năm 2012 sẽ tiến hành tái cấu trúc dứt điểm hệ thống ngân hàng, đây cũng là điều kiện thuận lợi để tiến hành tái cấu trúc thị trường chứng khoán.

Trong bối cảnh nhiều công ty chứng khoán đang đứng trước bờ vực phá sản, không thể đứng nhìn thị trường chứng khoán “chìm dần,” các chuyên gia cho rằng, cấu trúc lại thị trường chứng khoán là việc làm cần kíp trong năm 2012. Tiến sỹ Nguyễn Sơn cho rằng thách thức trong năm 2012 vẫn khá lớn, lạm phát tuy giảm nhưng vẫn còn cao, tăng trưởng kinh tế chậm lại, thị trường chứng khoán quốc tế biến động mạnh. Tuy nhiên vẫn có thể tận dụng những điểm sáng và chính sách hợp lý để tìm “cửa” làm ăn trong bóng tối.

Trong năm 2012, trọng tâm sẽ đi sâu váo tái cấu trúc thị trường chứng khoán, trong đó xoay quanh 4 vấn đề gồm tái cấu trúc các trung gian tài chính, thị trường hàng hóa, cầu đầu tư và các công ty chứng khoán. Ủy ban Chứng khoán đã chuẩn bị xong đề án tái cấu trúc thị trường chứng khoán. Theo đó, đề án này có 4 nội dung trọng tâm để tái cấu trúc kênh chứng khoán, bao gồm tái cấu trúc công ty chứng khoán, tái cấu trúc các trung gian tài chính (hợp nhất 2 sở giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội), tái cấu trúc hàng hóa và tái cấu trúc cơ sở các nhà đầu tư.

Theo ông Sơn, Việt Nam cần có một sở giao dịch chứng khoán thống nhất nhưng cần có thời gian và công nghệ kéo dài từ 2-3 năm vì còn phải phát triển mảng thị trường phái sinh. Hiện tại, sở giao dịch Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội hoạt động không có gì khác, cũng niêm yết cổ phiếu và doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong 2 sàn. Do đó, trong đề án tái cấu trúc thị trường cho phép cơ cấu lại còn một sở giao dịch chứng khoán thống nhất bao gồm một thị trường cổ phiếu, một thị trường trái phiếu và một thị trường công cụ phái sinh. Thị trường cổ phiếu sẽ đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và 2 thị trường còn lại đặt tại Hà Nội.

 
Về việc cấu trúc lại thị trường hàng hóa, trước kia thị trường chứng khoán Việt Nam theo chiều rộng, các công ty vào sàn càng nhiều càng tốt nhưng bây giờ khi doanh nghiệp vào sàn cần được nâng cấp tiêu chuẩn niêm yết để tạo ra dòng hàng hóa tốt cho thị trường. Hoàn thiện các khung pháp lý, thể chế… để tạo minh bạch cho thị trường. Vì cứ như điều kiện hiện nay doanh nghiệp rất khó huy động các nguồn vốn trong nước nên nhiều doanh nghiệp Việt Nam huy động vốn và niêm yết trên sàn quốc tế.