Chuyện vợ chồng không đồng tình trong sử dụng tiền bạc cũng là nguyên nhân gây bất hòa trong gia đình. Có lẽ vì thế, nhiều người cho rằng, mặc dù tiền bạc không phải là tất cả, nhưng nó vẫn là phương tiện quan trọng để gia đình đạt được hạnh phúc. Hôn nhân có bền vững hay không phụ thuộc rất nhiều vào cách mà người vợ và chồng khi suy nghĩ về tiền bạc.
Hiện nay, không ít cặp vợ chồng trẻ sống phóng khoáng nên quan niệm về tiền bạc cũng rất thoáng. Khi mới cưới, họ đã thống nhất "tiền của ai người nấy tiêu". Khi có việc gì chung sẽ bàn bạc, cùng đóng góp. Ban đầu, mọi việc có vẻ sẽ dễ dàng và ổn thỏa. Nhưng khi có con, kéo theo nó là một chuỗi những chi tiêu chung. Lúc đó, không tránh khỏi chuyện hạch sách nhau, trách móc vì việc đưa nhiều đưa ít, nghi ngờ và dẫn đến rạn nứt trong quan hệ. Xử lý mâu thuẫn phát sinh
Tiền bạc và cuộc sống gia đình là hai yếu tố luôn song hành. Các chuyên gia tâm lý cho rằng, khi kết hôn, cuộc sống gia đình đối diện với nhiều vấn đề, đặc biệt là chuyện cơm, áo, gạo, tiền. Khi cả vợ và chồng đều đi làm, có thu nhập ổn định, đủ ăn, đủ tiêu, mọi chuyện tưởng đơn giản. Tuy nhiên, khi phát sinh biến cố, đòi hỏi phải chi một khoản tiền lớn hơn khả năng, nếu hai vợ chồng không thống nhất được giải pháp, không khí gia đình căng thẳng mới bắt đầu nảy sinh.
Do đó, để hạn chế những khúc mắc, mâu thuẫn trong vấn đề chi tiêu sau kết hôn, hãy tập nói "của chúng ta" thay vì nói "của tôi" như trước đây. Chỉ khi nào nhận thức được như vậy, vợ chồng mới tin tưởng, cùng nhau chia sẻ tìm cách chi tiêu hợp lý. Một điều cũng khá tế nhị trong quan hệ vợ chồng là nên cư xử với nhau như thế nào nếu một trong hai người có mức thu nhập cao hơn người kia. Trong trường hợp chồng có thu nhập cao hơn vợ, điều tối kỵ là người chồng làm "quản gia" trong việc chi tiêu hàng ngày của gia đình. Còn trong trường hợp vợ có mức thu nhập cao, cũng hãy để người chồng cùng chia sẻ trách nhiệm, có như vậy người chồng mới tự tin và cảm thấy mình được vợ tôn trọng.
Trao nhiệm vụ quản lý tài chính cho vợ hoặc chồng và thường xuyên trao đổi thẳng thắn về vấn đề này, tham khảo ý kiến của người kia trước khi sử dụng đồng tiền, lên kế hoạch chi tiêu cụ thể cho từng tháng, từng giai đoạn… đó là những cách xử lý các mâu thuẫn tài chính trong gia đình. Điều đặc biệt quan trọng, không nên chỉ trích nhau về vấn đề liên quan đến tiền bạc; so sánh khả năng kiếm tiền của vợ/chồng với các gia đình khác. Cùng với đó, nên nói chuyện thẳng thắn, cầu thị thay vì giữ sự khó chịu trong lòng, điều này làm sự việc căng thẳng hơn. Mâu thuẫn về chi tiêu sẽ gây bất hòa, căng thẳng trong đời sống vợ chồng nhưng vấn đề không phải quá khó xử lý, nếu vợ chồng có sự đồng thuận.