Tài chính xanh mở ra cơ hội lớn cho các ngân hàng Việt Nam

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gần 7 trong 10 khách hàng Việt Nam (67%) sẽ cân nhắc chuyển đổi các nhà cung cấp dịch vụ tài chính hiện tại của mình, sang một ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có cam kết mạnh mẽ hơn về phát triển bền vững.

Người tiêu dùng muốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của họ trở nên bền vững hơn trong tương lai
Người tiêu dùng muốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của họ trở nên bền vững hơn trong tương lai

Ngày 1/6/2022, nền tảng ngân hàng lõi thuần đám mây kinh doanh theo mô hình dịch vụ cho thuê phần mềm Software-as-a-Service Mambu, đã ra mắt báo cáo khảo sát về sự hiểu biết và tương tác của khách hàng với tài chính xanh.

Báo cáo khảo sát với hơn 6.000 người trên toàn cầu, bao gồm hơn 500 khách hàng tại Việt Nam. Kết quả chỉ ra rằng, hơn 2/3, tương đương 67% người tiêu dùng muốn ngân hàng hoặc tổ chức tài chính của họ trở nên bền vững hơn trong tương lai.

Bà Anna Krotova - Giám đốc Bền vững Mambu, cho biết: “Người tiêu dùng ngày càng tìm cách để đưa ra các quyết định tài chính xanh hơn, nhưng vẫn hoài nghi về mức độ cam kết của ngân hàng. Họ muốn đóng một vai trò tích cực hơn trong việc biến tài chính xanh trở thành tương lai của ngành tài chính.

Do vậy, đó là cơ hội rất lớn cho những người trong cuộc có tư duy đi trước thời đại để dẫn đầu trong quá trình chuyển đổi này”.

Báo cáo khảo sát cũng làm rõ hai định nghĩa chính là tài chính xanh và tài chính đạo đức. “Tại Việt Nam, phần lớn người tiêu dùng (84%) chưa hiểu đầy đủ về sự khác biệt giữa tài chính xanh và tài chính đạo đức. Theo đó, tài chính xanh - một sản phẩm được thiết kế để bảo vệ môi trường hoặc để quản lý các tác động của tài chính và đầu tư lên môi trường; và tài chính đạo đức - là tài chính trong đó không chỉ xem xét lợi nhuận tài chính mà còn xem xét các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị”- ông Phạm Quang Minh - Tổng Giám đốc Mambu Việt Nam chia sẻ thêm.

Cuộc khảo sát cũng cho thấy, 52% người tiêu dùng Việt Nam mong muốn các ngân hàng thể hiện cam kết bền vững của họ, bằng cách thêm hoặc tạo ra các quà tặng, phần thưởng, hoặc chương trình khách hàng thân thiết để khuyến khích khách hàng đưa ra các quyết định tài chính hỗ trợ quá trình chuyển đổi bền vững. Khoảng 49% cho rằng ngân hàng cần làm cho khách hàng nhận thức được các cam kết bền vững của mình xuyên suốt các sản phẩm và dịch vụ có áp dụng cam kết này.

Gần 6/10 (58%) người tiêu dùng Việt Nam sẽ coi trọng tài khoản tiết kiệm xanh và trái phiếu, cùng với khoảng một nửa (49%) yêu thích thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ bền vững. Một ưu tiên khác ở Việt Nam là dịch vụ tiền điện tử bền vững (48%) - cùng với Thái Lan là quốc gia duy nhất khác mà dịch vụ này được coi là ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng.

Mambu là nền tảng ngân hàng lõi thuần đám mây kinh doanh theo mô hình dịch vụ cho thuê phần mềm Software-as-a-Service (SaaS) duy nhất trên thế giới. Ra mắt vào năm 2011, Mambu nhanh chóng thiết kế và xây dựng các loại hình cung cấp tài chính cho các ngân hàng ở mọi quy mô, các công ty tài chính, công ty tài chính công nghệ (fintech), nhà bán lẻ, công ty viễn thông… Mambu có 900 nhân viên, hỗ trợ hàng trăm khách hàng lớn tại hơn 65 quốc gia.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần