Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại chùa Phúc Khánh: Có dấu hiệu biến tướng lễ cầu an

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xuân Canh Tý, ở chùa Phúc Khánh (hay còn gọi là tổ đình Phúc Khánh) không còn hiện tượng phật tử ngồi tràn ra lòng đường, trèo lên cầu cản trở giao thông, vái vọng vào chùa để giải sao xấu. Năm nay, sư trụ trì chùa Phúc Khánh cam kết chỉ tổ chức lễ cầu an trong khuôn viên chùa.

Người dân đi lễ chùa Phúc Khánh. Ảnh: Lại Tấn
Chùa chỉ tổ chức cầu bình an
Từ trước Tết, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam có ra công văn yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện khi tổ chức lễ cầu an tránh mê tín dị đoan, lệch chuẩn tâm linh nhằm bảo vệ sự trong sáng của chính pháp. Ban Thường trực Hồi đồng Trị sự cũng yêu cầu các chùa, cơ sở tự viện, tăng ni khi thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an không dùng các thuật ngữ như “giải hạn”, “dâng sao giải hạn”, “cắt giải oan gia trái chủ”… mà phải nêu bật ý nghĩa, sự vận hành luật nhân quả của Phật giáo, tạo phúc đức bằng việc tránh ác, làm thiện, làm nhiều việc tốt.
Thực hiện chỉ đạo này, chùa Phúc Khánh ra “Thông Bạch” với nội dung: “Kính gửi Chư vị phật tử tổ đình Phúc Khánh. Theo nguyện vọng của Nhân dân, phật tử, để bảo đảm trật tự giao thông, vệ sinh môi trường và tôn nghiêm nơi thờ tự, tổ đình Phúc Khánh xin bố trí lại các khóa lễ cầu bình an để ai cũng được ngồi trong chùa, tránh ách tắc giao thông. Khóa lễ bắt đầu từ 19 giờ ngày 6 tháng Giêng năm Canh Tý”. Thông báo in đậm chữ “khóa lễ cầu bình an” để người đọc chú ý.
Theo ghi nhận của phóng viên Kinh tế & Đô thị, từ đầu năm đến nay, điều chỉnh trong việc tổ chức các khóa lễ của chùa Phúc Khánh đã xóa bỏ tình trạng người dân, phật tử tập trung đông vào một ngày. Tránh được hiện tượng người dân ngồi tràn ra lòng đường để làm lễ.
Đừng để lễ cầu an bị biến tướng
Năm nay, ở chùa Phúc Khánh, không còn cảnh bàn ghế xếp đầy, người dân chen chúc đăng ký dâng sao giải hạn. Những chiếc bảng, biển in năm sinh, sao để phục vụ nhu cầu “soi” sao cũng không còn. Ngày mùng 8 tháng Giêng (31/1), đi cùng anh Bùi Nam Hải (Cầu Giấy, Hà Nội) để tìm hiểu về thủ tục “dâng sao giải hạn” tại chùa Phúc Khánh, phóng viên Kinh tế & Đô thị ghi nhận thực trạng vẫn nhiều người mong muốn được dâng sao giải hạn. Nhưng khi tìm hỏi các bà sãi (người giúp việc chùa) đặt vấn đề làm lễ giải sao xấu, sẽ được đưa cho một tờ giấy ghi họ tên, địa chỉ để cầu bình an. Anh Hải thắc mắc: Phiếu chỉ có phần ghi họ tên, tuổi, địa chỉ thì biết sao gì để "giải" sao. “Người có nhu cầu cúng sao thì viết thêm vào mục ghi chú là sao gì” - một bà vãi trả lời.
Theo quan sát của phóng viên, quyển sổ soi sao bé bằng lòng bàn tay, nhăn nhúm, đầy vết bút bi khoanh tròn, gạch chân. Vậy nhưng có lúc, 10 người chụm đầu vào cùng xem, ai cũng cầm điện thoại, cộng trừ tuổi ông, bà, con, cháu để được dâng sao giải hạn sớm. Sau khi khai đủ thông tin, anh Hải được chỉ dẫn đưa tờ giấy cho người tiếp nhận và để 150.000 đồng vào hòm công đức. Tờ giấy đăng ký cầu an được người phụ nữ ngồi bên cạnh hòm công đức gạch chân, ghi một chữ đỏ bên dưới là "giải sao", cùng một tờ giấy hẹn có ghi “Lễ cầu bình an” vào 19 giờ ngày 16 tháng Giêng.
Tối 3/2, đi cùng anh Hải quay lại chùa Phúc Khánh để hỏi về thủ tục dâng sao, chúng tôi được biết, chùa chỉ làm lễ cầu quốc thái dân an, việc cúng sao là do nhu cầu của người dân. Trước 19 giờ, dù trời mưa, hàng trăm phật tử vẫn xếp hàng ngồi trong chùa. Đường đi, lối lại phía xung quanh các gian thờ nơi đặt tam bảo đều chật kín. 18 giờ 53 phút, tiếng trống, chiêng báo hiệu chuẩn bị đến giờ lễ vang lên, ai cũng chắp tay, hướng về phía cửa chùa khấn vái. Bên trong chùa, tiếng nhà sư được phát qua loa phóng thanh có nêu “Đại lễ cầu an của tổ đình Phúc Khánh nhất tâm cầu nguyện quốc thái dân an, dân tộc quốc cường, nhân sinh an lạc. Đại lễ của chúng ta còn có ý nghĩa hướng thiện, hành thiện. Chỉ khi nào trong chính nội tâm chúng ta không còn tư duy, ý nghĩ xấu, độc ác thì thực sự mới được bình yên”. Trong các thông tin đọc qua loa, nhà sư không đề cập đến việc dâng sao giải hạn. Tuy nhiên, khi ai đó có nhu cầu, vẫn có người của nhà chùa hướng dẫn. Và dấu hiệu phân biệt sao xấu sao đẹp là trong lá sớ mỗi người, sẽ được nhà chùa đem hóa sau khi kết thúc nghi lễ cầu an.
Vài năm trở lại đây, tư tưởng làm lễ giải được sao xấu, tránh được vận hạn trong năm đã ăn sâu vào nếp nghĩ của nhiều người. Người dân đổ xô đi giải sao, nhà chùa và nhiều cơ sở tín ngưỡng cũng ra sức mở dịch vụ phục vụ cúng sao. Bằng văn bản chấn chỉnh của Hội đồng Trị sự đã và đang giảm bớt các hiện tượng mê tín dị đoan này. Tuy nhiên, để xóa bỏ hoàn toàn, ngoài công tác tuyên truyền để người dân nhận thức, bỏ đi thói quen xấu, thì các chùa cũng phải làm gương, thực hiện đúng tinh thần của Phật giáo. Với hành động “cơi nới”, tổ chức lễ cầu an nhưng vẫn viết giải sao trong sớ là việc làm chưa đúng của các bà vãi trong chùa Phúc Khánh, cần Ban quản lý, sư trụ trì nhắc nhở và xử lý nghiêm khắc hơn nữa để lễ cầu an giữ đúng nét đẹp vốn có.