Tái cơ cấu hệ thống ngân hàng: Không để đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Với số lượng 52 ngân hàng thương mại, 51 chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 31 tổ chức tín dụng phi ngân hàng, 1.083 quỹ tín dụng cơ sở..., chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, số lượng các ngân hàng trên lãnh thổ Việt Nam quá lớn.

Như vậy, tính riêng các ngân hàng đã trên con số 100 nhưng chỉ để phục vụ đối tượng là 20% dân số, thị trường bị bội thực vì số lượng ngân hàng.

Bất ổn sau thời kỳ tăng trường nóng

Ông Hiếu cho biết: "Có ý kiến không đồng ý, nói rằng mỗi ngân hàng có một chức năng riêng, phục vụ dân chúng trong từng lĩnh vực, khu vực... nên không thể gọi là quá nhiều ngân hàng. Nhưng ở Việt Nam đang tồn tại thực trạng là các ngân hàng đều muốn trở thành ngân hàng mang tính quốc gia, phục vụ cho khách hàng toàn quốc. Định hướng này đã khiến nhiều ngân hàng nông thôn chuyển lên đô thị ồ ạt mở chi nhánh, phòng giao dịch mà không biết hiệu quả đến đâu". Cuộc đua lãi suất là một minh chứng cho điều này, nhiều ngân hàng tìm mọi cách để kéo được khách hàng về phía mình. Từ đó dẫn đến sự hỗn loạn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng, làm cho thị trường tiền tệ không còn minh bạch.

Bên cạnh đó, một hệ quả khác của việc tăng trưởng nóng là tình trạng tăng trưởng tín dụng quá nhanh. Cách đây vài năm, từ chỗ đồng vốn tại các ngân hàng chỉ ở con số vài chục tỷ, nay đã tăng lên tới hàng ngàn tỷ, hàng trăm chi nhánh. Với sự tăng trưởng mạnh như thế, các ngân hàng huy động vốn ồ ạt từ dân chúng và ngay cả khi cho vay ra cũng ồ ạt. Hậu quả là nợ xấu tăng. Đây là một trong những nguyên nhân tất yếu phải tái cấu trúc lại toàn ngành ngân hàng.

Đo “sức khỏe” ngân hàng bằng an toàn vốn

Trong khi NHNN đang cân nhắc 3 phương án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, tái cơ cấu, cần thanh lọc những ngân hàng quản lý rủi ro không tốt. "Không nên phân biệt ngân hàng lớn hay ngân hàng nhỏ. Trường hợp một số ngân hàng chưa thể tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng nhưng vận hành ít rủi ro, thanh khoản tốt thì vẫn là ngân hàng hoạt động tốt. Trong khi ngân hàng có vốn điều lệ 5.000 hay 6.000 tỷ đồng mà hoạt động nhiều rủi ro có thể đi đến tình trạng không đủ thanh khoản vẫn nguy hiểm như thường"- ông Thành đánh giá.

Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước sau khi họp với 12 ngân hàng lớn cho biết, 12 ngân hàng này chiếm 85% tổng số tín dụng ở Việt Nam. Như vậy, còn khoảng hơn 30 ngân hàng Việt Nam và vài chục ngân hàng nước ngoài ở Việt Nam chỉ chiếm có 15% tổng dư nợ trên thị trường. Do vậy, có thể thấy, khoảng 30 ngân hàng trong nước của chúng ta ở quy mô rất nhỏ.

Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu đã từng có thời gian dài làm việc ở nước ngoài trong lĩnh vực ngân hàng đưa ra nhiều kinh nghiệm bổ ích. Ở Mỹ, cơ quan chức năng đòi hỏi các ngân hàng phải có chỉ số an toàn vốn (chỉ số CAR) vào khoảng 8%. Theo đó, nếu khi ngân hàng T.Ư kiểm tra hệ số CAR rơi ở mức 5-8% sẽ bị đưa vào "tầm ngắm", nếu CAR ở mức 3 - 5% bị theo dõi nghiêm ngặt và có những cảnh báo. Còn nếu CAR ở mức dưới 3% thì cơ quan chịu trách nhiệm sẽ tiến hành thảo luận để đi tới giải thể, hoặc sáp nhập ngân hàng đó.

"Tôi nghĩ đây là cách làm chúng ta nên học tập bởi hệ số CAR phản ánh một cách rõ ràng nhất tỷ lệ an toàn vốn của mỗi ngân hàng" - ông Hiếu đề xuất.

Nên ưu tiên sáp nhập

Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định, hiện có một số ngân hàng đang nằm trong mức nguy hiểm. Các ngân hàng này nên tìm đến nhau bàn bạc xem nợ xấu, nợ tốt sau khi cân đối có còn “sống” được hay không? NHNN sẽ là người tư vấn cho nhóm ngân hàng đó sáp nhập lại với nhau. Trong lộ trình 5 năm, 10 năm nếu ngân hàng mới này thiếu thanh khoản nhưng vẫn có nợ tốt, NHNN có thể cho vay thanh khoản để hoạt động... Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Thẩm Dương cũng đồng ý với cách tái cơ cấu theo hướng để tồn tại chứ không nên giải thể. Nên biến ngân hàng yếu thành ngân hàng khu vực, còn trường hợp không thể cứu vãn, hãy tiến hành sáp nhập. Hai việc này cần làm song song.

Nguyên Thống đốc NHNN Lê Đức Thúy cho biết: "Khi là Thống đốc, bằng cách này, cách khác tôi đã quyết định tiến hành sáp nhập, giải thể 17 ngân hàng cổ phần, nhưng hầu như không ai biết ngân hàng nào bị sáp nhập, ngân hàng nào bị giải thể. Lúc đó, tôi được giao nhiệm vụ giảm thiểu tổn thất tài chính và giảm thiểu sự đổ vỡ ngoài kiểm soát".

Hiện nay, việc tái cơ cấu ngành tài chính nói chung, trong đó có tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề đặc biệt nhạy cảm. Việc nhạy cảm ấy cần phải được giải quyết trước hết bằng việc làm lành mạnh nền tài chính, ngăn chặn nợ xấu, không để  đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát. "Lúc này, không nên ảo tưởng sẽ tạo ra ngân hàng lớn mạnh mà quan trọng là cần tránh sự đổ vỡ của ngân hàng, nếu có thì nên để lúc khác xử lý" - ông Thúy nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần