Các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực tài chính và kinh nghiệm quản trị sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với các ngân hàng Việt Nam.
Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng đang là vấn đề được nói đến nhiều hiện nay. Các ngân hàng nước ngoài có thể tham gia như thế nào vào quá trình này, thưa ông?
- Các ngân hàng nước ngoài với tiềm lực về vốn và kinh nghiệm quản trị sẽ có lợi thế rất lớn trong việc tham gia tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam. Thời gian qua, Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất đặt vấn đề về tái cấu trúc hệ thống ngân hàng bởi rất nhiều các quốc gia trong trong khu vực châu Á đã trải qua thời kỳ này, đặc biệt sau khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997. Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm với Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng tại Việt Nam trong việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng nhưng rất khó khăn.
Quá trình tái cơ cấu đặt ra không ít nhiều thách thức cho hệ thống ngân hàng Việt Nam. Theo ông, những thách thức đó là gì?
- Các ngân hàng thương mại Việt Nam đang đối mặt với nhiều vấn đề nghiêm trọng: Chất lượng tài sản kém, thiếu vốn, thanh khoản kém, lợi nhuận thấp và quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro không hiệu quả.
Quá trình tái cơ cấu không chỉ đơn thuần là việc sáp nhập các ngân hàng nhỏ với nhau hoặc giảm bớt số lượng của các ngân hàng thương mại, mà là cơ hội để các ngân hàng thúc đẩy quá trình phát triển việc cải thiện bảng cân đối tài sản, nâng cao tính thanh khoản của các ngân hàng một cách bền vững, giải quyết các khoản nợ xấu. Các ngân hàng thương mại sẽ được phân loại, đảm bảo năng lực cạnh tranh và hoạt động kinh doanh hiệu quả, từng bước cung cấp tín dụng và các sản phẩm dịch vụ thích hợp cho nền kinh tế.
Tất nhiên, sẽ có những khó khăn và thử thách đi kèm với những biện pháp mà Chính phủ áp dụng như cắt giảm đầu tư và giảm tăng trưởng, các ngân hàng sẽ tiếp tục đối mặt với tăng trưởng tín dụng và phải xoay xở để phát triển kinh doanh, nhưng chúng ta vẫn nên tin tưởng vào một môi trường tài chính vững mạnh hơn.
Nợ xấu gia tăng, thanh khoản yếu… đang là những rủi ro lớn của hệ thống ngân hàng Việt Nam. Ông có thể đưa ra những gợi ý để các ngân hàng Việt Nam hoạt động một cách hiệu quả hơn, thưa ông?
- Hiện, một số ngân hàng thương mại tại Việt Nam không chấp hành nghiêm túc chế độ tín dụng và các điều kiện cho vay. Chính sách và quy trình cho vay tại các ngân hàng còn lỏng lẻo, chưa chú trọng đến phân tích, đánh giá khách hàng để tính toán điều kiện và khả năng trả nợ. Các phương pháp xem xét, phân tích rủi ro tại các ngân hàng còn nhiều hạn chế và thiếu chính xác dẫn đến tình trạng nợ xấu tăng, thanh khoản của ngân hàng kém. Đồng thời, trình độ và đạo đức nghề nghiệp của cán bộ nhân viên tín dụng còn kém dẫn đến những sai phạm về quy trình cho vay tín dụng gần đây, gây mất lòng tin và thất thoát về mặt vật chất cho ngành ngân hàng và cho nền kinh tế nói chung.
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động, các ngân hàng thương mại cần tăng cường quản trị rủi ro tín dụng thông qua những công tác sau:
Thứ nhất, đẩy mạnh công tác kiểm soát nội bộ với mục tiêu quan trọng là xây dựng được hệ thống tìm kiếm những xu hướng tiềm ẩn tiêu cực, bất ổn và thiếu sót trong hoạt động của ngân hàng để đưa ra biện pháp chấn chỉnh.
Thứ hai, đẩy mạnh công tác tổ chức và đào tạo cán bộ quản lý và nhân viên tín dụng.
Cung cấp cho khách hàng những dịch vụ tư vấn tín dụng để khách hàng hiểu rõ về sản phẩm dịch vụ của ngân hàng. Đồng thời thông qua quá trình tư vấn, ngân hàng cũng đánh giá đầy đủ và chính xác thông tin của khách hàng - yếu tố quan trọng khi thực hiện công tác quản trị rủi ro tín dụng. Đồng thời, NHNN cần giám sát và thanh tra chặt các hoạt động tín dụng cùa các ngân hàng thương mại để từ đó đưa ra những biện pháp xử lý kịp thời.
Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2012 còn có nhiều khó khăn, hoạt động ngành ngân hàng Việt Nam cần hết sức thận trọng trong việc điều chỉnh tốc độ tăng trưởng.
Xin cảm ơn ông!