Tái cơ cấu ngân hàng vào giai đoạn quyết liệt

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2015 là năm cuối ngành ngân hàng thực hiện Đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011 - 2015. Nhiều giải pháp quyết liệt và mạnh tay đang được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) thực hiện để quá trình tái cơ cấu cán đích đề ra trong giai đoạn cuối này.

Nóng bỏng mua bán, sáp nhập ngân hàng

Đầu năm 2015, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình đã phát đi thông điệp về việc kiên quyết xử lý những ngân hàng yếu kém, không có triển vọng phục hồi, phát triển… Theo đó, năm 2015, NHNN sẽ sáp nhập ít nhất khoảng 6 ngân hàng. Phát ngôn của người đứng đầu NHNN càng khiến hoạt động mua bán, sáp nhập (M&A) ngân hàng thêm nóng bỏng. Nhiều ngân hàng trong “tầm ngắm” sẽ phải “vắt chân lên cổ” tìm cách “vượt qua chính mình” hoặc tìm đối tác thương thảo kế hoạch sáp nhập.

Việc M&A các ngân hàng nhỏ với nhau, hoặc ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn là tất yếu, vì trong tình hình cạnh tranh khốc liệt hiện nay, nếu không mở rộng quy mô, nâng cao sức mạnh, ngân hàng nhỏ sẽ khó tồn tại. Vì vậy, sự thận trọng của NHNN và các ngân hàng trong lộ trình M&A cho thấy, M&A không phải là con đường dễ dàng.
 
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội. 	Ảnh: Thanh Hải
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietcombank Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Tuy nhiên, theo các chuyên gia kinh tế, câu chuyện làm thế nào để tìm thấy lợi ích từ hoạt động M&A, để 1 + 1 lớn hơn 2 là nguyên nhân chính khiến hoạt động M&A ngân hàng chưa đạt được tiến độ như mong muốn. Bên cạnh đó, sau thời gian tái cơ cấu tự nguyện, tình hình thị trường tiền tệ đã ổn định hơn. Thanh khoản dồi dào, các ngân hàng tích cực trích lập dự phòng rủi ro, xử lý nợ xấu, lãi suất ngân hàng đang có xu hướng giảm, tình trạng cạnh tranh lãi suất gây “nhiễu” thị trường cũng chấm dứt hoàn toàn. 

Năm 2015, nhiều cái tên trong “tầm ngắm” sáp nhập cũng đã được hé lộ. Đó là SaiGonBank có thể “về chung nhà” với Vietcombank. NamABank đã xin ý kiến cổ đông về việc sáp nhập với một ngân hàng khác. VietinBank, DongA Bank... cũng đã tính đến chuyện tìm kiếm một ngân hàng nhỏ “về chung nhà” để mở rộng quy mô hoạt động. “Hiện, tái cơ cấu đã đi qua giai đoạn một nhưng chỉ là dừng ở xử lý những ngân hàng yếu kém nhất trong hệ thống. Giai đoạn hai, sẽ có những TCTD mạnh hơn và thông qua đó để xử lý ngân hàng yếu tiếp như ngân hàng lớn phải nhận ngân hàng nhỏ; hoặc có những TCTD sẽ do NHNN trực tiếp xử lý. Tham gia đợt này, các ngân hàng thương mại (NHTM) lớn không mất mát gì. Các ngân hàng chỉ phải bỏ công sức, uy tín, kinh nghiệm, hỗ trợ đào tạo; còn cơ chế chính sách, NHNN sẽ nghiên cứu để làm sao các NHTM không bị thua thiệt” - Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định.

 
Thực tế, việc mua một ngân hàng với giá rất thấp là một phương pháp tái cơ cấu đã được nhiều ngân hàng T.Ư trên thế giới thực hiện. 
Cụ thể, trong khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008 - 2009, ngân hàng T.Ư Mỹ (FED) đã mua lại Ngân hàng Bear Stearns (Ngân hàng Đầu tư và Kinh doanh chứng khoán toàn cầu) và Tập đoàn Bảo hiểm quốc tế Mỹ (AIG - American International Group Inc.).
Năm 2008, Bear Stearns bị đổ vỡ do tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, buộc chính phủ Mỹ phải tiếp quản ngân hàng này và bán lại cho Ngân hàng JPMorgan Chase.
Tháng 3/2008, cổ đông của JPMorgan Chaseđã thống nhất chi 1,2 tỷ USD để mua lại Ngân hàng Bear Stearns với giá 10 USD/cổ phiếu. 
Cũng trong năm 2008, chính phủ Mỹ đã tiếp quản AIG với khoản cho vay 85 tỷ USD nhằm ngăn ngừa phá sản của công ty bảo hiểm lớn nhất thế giới trước thảm họa tài chính chưa từng có trong lịch sử.
Can thiệp bắt buộc để lành mạnh hệ thống

TS Cao Sỹ Kiêm - nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, động thái của NHNN trong chủ trương tái cấu trúc ngành năm nay quyết liệt và mạnh mẽ hơn. Điều này được NHNN đặt ra trong thời gian gần đây khi nhấn mạnh đến vấn đề không chỉ sáp nhập tự nguyện mà còn tính đến cả chuyện can thiệp bắt buộc để lành mạnh hệ thống. Theo ông Kiêm, đây là một quyết sách mạnh mẽ và phù hợp, để từ đó có thể hình thành được các định chế tài chính lớn cạnh tranh được với các nước trong khu vực.

Ngày 5/3, NHNN đã chính thức công bố quyết định chuyển đổi mô hình hoạt động của NHTM CP Xây dựng Việt Nam (VNCB) thành NHTM TNHH MTV do Nhà nước làm chủ sở hữu. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB. Sau khi tiếp quản VNCB, NHNN phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai phương án tái cơ cấu xử lý những tồn tại, yếu kém đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đồng thời triển khai các giải pháp phát triển VNCB hoạt động an toàn, đúng pháp luật. Vietcombank sẽ tham gia quản trị ngân hàng này, cùng với việc cắt cử cán bộ trực tiếp quản lý, điều hành. Trong đó, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Tuân sẽ giữ chức Chủ tịch VNCB và thôi nhiệm các chức vụ tại Vietcombank theo quy định, để tập trung cho cương vị mới. NHNN cũng bầu một loạt cán bộ vào các vị trí Ban kiểm soát. Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết, NHNN sẽ bỏ ra 40.000 tỷ đồng để đưa VNCB trở lại hoạt động bình thường. NHNN mua lại bắt buộc VNCB khi VNCB không còn khả năng tăng vốn để khắc phục khó khăn tồn tại và đặc biệt là để đảm bảo lợi ích người gửi tiền. Còn các cổ đông gây thất thoát mất vốn bị mất quyền lợi là đúng theo luật pháp.

Trong giai đoạn đầu tiên, NHNN đã đánh giá và thực hiện tái cơ cấu các NHTM yếu kém. Năm 2015, cơ quan này sẽ thực hiện theo đúng các giải pháp đã đề ra tại Đề án tái cơ cấu các TCTD theo Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, trong đó, sẽ tái cơ cấu toàn diện các ngân hàng với mục tiêu các ngân hàng hoạt động chưa tốt sẽ trở nên tốt, các ngân hàng tốt rồi sẽ tốt hơn nữa.

Cũng theo lãnh đạo NHNN, thời gian tới, nếu ngân hàng nào bị âm vốn và không thể tự tăng vốn, phương án mua lại với giá 0 đồng sẽ được NHNN tính đến. “Người gửi tiền có thể hoàn toàn yên tâm với sự tham gia của NHNN tại các ngân hàng này” - Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh cho biết.

Theo các chuyên gia, việc NHNN mua lại ngân hàng yếu kém với giá 0 đồng là giải pháp phù hợp trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam. Động tác này vừa đảm bảo quyền lợi người gửi tiền, vừa tránh được những đổ vỡ gây bất ổn xã hội. Tuy nhiên, đây chỉ nên là giải pháp tạm thời của NHNN, không nên duy trì lâu mà cần sớm trả những ngân hàng này về lại thị trường sau khi được phục hồi.

 
Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng: NHNN mua cổ phần   chỉ là một trong nhiều biện pháp tái cơ cấu
Thời gian qua, NHNN đã thực hiện giải pháp mua lại ngân hàng với giá 0 đồng với VNCB khi mà ngân hàng này có vốn điều lệ đã âm so với vốn pháp định. Tôi xin nhấn mạnh lại là, việc NHNN trực tiếp mua cổ phần hay chỉ đạo NHTM tham gia mua cổ phần là một trong những giải pháp mà NHNN thực hiện trong quá trình tái cơ cấu. 
Với những ngân hàng khi NHNN đánh giá nếu có vấn đề như vốn điều lệ âm so với vốn pháp định thì NHNN có thể áp dụng các giải pháp như tôi đã đề cập. Năm 2015, những ngân hàng nằm trong diện tái cơ cấu đều phải thực hiện theo lộ trình. Bản thân các ngân hàng trong diện tái cơ cấu, M&A phải làm việc với nhau và có đề án trình NHNN xem xét, phê duyệt.
Chuyên gia Kinh tế Nguyễn Trí Hiếu: Sẽ có đột phá trong tái cơ cấu ngân hàng
Năm 2015 là một năm mà NHNN chịu áp lực rất lớn khi giải quyết rốt ráo những tồn đọng từ các năm trước, nhất là liên quan đến xử lý nợ xấu và tái cơ cấu. Bởi vậy, ngay từ đầu năm, NHNN đã có nhiều động thái ngày càng quyết liệt nhằm thúc đẩy nhanh xử lý nợ xấu, tái cơ cấu như: Ban hành các chỉ thị với yêu cầu cụ thể, quy định rõ ràng, kiên quyết; yêu cầu các ngân hàng báo cáo cụ thể tỷ lệ xử lý nợ xấu…
Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ, chúng ta không thể kỳ vọng quá rằng, đến cuối năm, nợ xấu sẽ được giải quyết dứt điểm. Chúng ta cần thêm thời gian để nền kinh tế hồi phục mạnh hơn và hệ thống ngân hàng hoạt động lành mạnh, phát triển vững chắc hơn.