Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu nông nghiệp: Linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xác định chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những nhiệm vụ quan trọng trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương đã tích cực đưa những cây trồng phù hợp, hiệu quả cao vào sản xuất, góp phần nâng cao giá trị canh tác và thu nhập cho nông dân.

 Thu hoạch loa ly ở xã Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng. Ảnh: Ánh Ngọc
Rõ hiệu quả
Hộ ông Vũ Văn Sáu, ở cụm 2, xã Vân Phúc (huyện Phúc Thọ), là một trong những điển hình phát triển kinh tế từ trồng rau trong nhà màng, nhà lưới. Ông cho biết, trồng rau ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi chi phí cao, song bù lại hiệu quả kinh tế tăng gấp 5 - 7 lần so với trồng rau truyền thống. Nếu như trước đây, mỗi năm chỉ trồng được 2 - 3 vụ rau thì nay nhờ có nhà màng, nhà lưới có thể trồng 5 vụ/năm, với nhiều loại rau phong phú, đa dạng. Nhờ đó, trung bình mỗi năm gia đình ông Sáu thu lãi trên dưới 150 triệu đồng từ 5 sào rau.

Phát triển nông nghiệp hiện nay đang đặt ra vấn đề rất lớn là phải gắn với nguyên tắc thị trường. Sản xuất nông nghiệp của TP vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là bài toán cung - cầu, nâng cao giá trị sản phẩm…

Việc một số địa phương chuyển đổi một phần diện tích canh tác sang trồng hoa, cây ăn quả, rau an toàn, khi cần thiết có thể trở về đất lúa một cách dễ dàng mà lại nâng cao được giá trị sử dụng đất là một việc làm cần khuyến khích. Vấn đề là việc linh hoạt chuyển đổi không được làm biến dạng đất lúa và phải được quản lý chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu
Tại xã Hạ Mỗ (huyện Đan Phượng), từ năm 2008 đến nay, người dân đã chuyển đổi 102ha ruộng cấy lúa sang trồng hoa. Giám đốc HTX Nông nghiệp Hạ Mỗ Tạ Thị Bình cho hay, năm 2008, một số hộ dân xã Tây Tựu (huyện Từ Liêm cũ) đã tìm đến thuê 3ha đất của người dân để trồng hoa và sử dụng lao động địa phương chăm sóc hoa. Quá trình làm thuê, người dân Hạ Mỗ đã học hỏi được kinh nghiệm và chuyển diện tích đất nông nghiệp của gia đình sang trồng hoa. Hạch toán kinh tế cho thấy, trồng hoa ly giá trị thu nhập đạt trung bình 2 tỷ đồng/ha, hoa hồng, cúc, loa kèn đạt khoảng 1 tỷ đồng/ha; cao hơn nhiều lần so với cấy lúa truyền thống.

Những năm gần đây, nhiều mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng đang ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần đáng kể nâng cao thu nhập cho nông dân. Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, đến nay, toàn huyện đã chuyển đổi được hơn 1.000ha lúa kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao hơn. Nhờ đó, thu nhập của người dân cũng được cải thiện rõ rệt. Năm 2017, thu nhập bình quân đầu người đạt 40,3 triệu đồng/người.

Chuyển đổi đi đôi với quản lý

Kết quả rà soát của Sở TN&MT Hà Nội, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở ngoại thành hiện nay cơ bản được thực hiện theo Nghị định số 35/2015/NĐ-CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ về quản lý, sử dụng đất trồng lúa, đảm bảo theo vùng chuyên canh tập trung, cho hiệu quả kinh tế cao hơn trồng lúa. Đồng thời, không làm mất đi lớp đất mặt thuộc tầng canh tác và các điều kiện chủ yếu cho trồng lúa, diện tích đất được phục hồi dễ dàng khi trồng lúa trở lại, hệ thống mương tưới tiêu và đường giao thông nội đồng giữ nguyên theo bờ vùng bờ, thửa sẵn có.
Theo các chuyên gia nông nghiệp, đối với sản xuất nông nghiệp ở ven đô Hà Nội, người dân không nhất thiết phải trồng lúa miễn là sử dụng đất đúng mục đích, cây trồng đem lại hiệu quả cao hơn và khi cần thiết có thể chuyển lại trồng lúa một cách dễ dàng. Trưởng phòng Trồng trọt (Sở NN&PTNT Hà Nội) Nguyễn Thị Thoa dẫn chứng: “So sánh giá trị sản xuất thực tế giữa vùng bãi ven sông Hồng chuyên trồng chuối và vùng đồng chuyên cấy lúa tại một số địa phương cho thấy, thu nhập từ một sào cấy lúa sau khi trừ các khoản chi phí chỉ đạt 500.000 đồng/năm, chỉ bằng tiền bán 2 - 3 buồng chuối tiêu hồng”..