Nhìn lại giai đoạn 1 (2011 - 2015), việc thực hiện tái cấu trúc hệ thống NH đã đạt được những kết quả nhất định. Thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), hệ thống NH đã thực hiện cơ cấu một số NH thương mại (NHTM) như Sacombank-Southernbank,VietinBank-PGBank, BIDV-MHB, Vietcombank-SaigonBank… Thống kê của Vụ Pháp chế (NHNN), sau 5 năm triển khai đề án tái cơ cấu, số TCTD yếu kém đã được thanh lọc đáng kể, toàn hệ thống đã giảm được 22 TCTD với các thương vụ M&A như Đệ Nhất, Tín Nghĩa, Nhà Hà Nội, Phương Tây, Đại Á và NHNN đã mua lại 3 NHTMCP (VNCB, OceanBank và GPBank). Hiện, hệ thống NH Việt Nam có 1 NHTM nhà nước (Agribank), 28 NHTMCP, 8 NH 100% vốn nước ngoài, 4 NH liên doanh, 1 NH chính sách và 1 NH HTX.
|
Giao dịch tại chi nhánh VietinBank Đống Đa, Hà Nội. Ảnh: Công Hùng |
NHNN đã khắc phục được hầu hết tình trạng hỗn loạn trước đây. Kỷ cương, kỷ luật trên thị trường đã trở lại, nguy cơ đổ vỡ, gây mất an toàn hệ thống các TCTD giảm. Tuy vậy, thực tế các giải pháp tái cơ cấu NH thời gian qua chỉ mang tính tình thế và 3 NH 0 đồng là một ví dụ. Ngoài ra, toàn hệ thống vẫn còn 12 NH có vốn điều lệ chỉ từ 3.000 - 4.000 tỷ đồng. “Những NH quy mô nhỏ nếu không tăng được vốn điều lệ sẽ rất khó tồn tại khi tham gia sân chơi hội nhập kinh tế quốc tế giai đoạn tới, vốn đòi hỏi rất lớn về năng lực tài chính, quản trị và công nghệ” - chuyên gia Vũ Thành Tự Anh đánh giá.
Còn không ít thách thức Năm 2017 là năm thứ 2 của giai đoạn II (2016 - 2020) trong quá trình tái cấu trúc hệ thống NH với mục tiêu: Cắt giảm tỷ lệ nợ xấu một cách bền vững; Kéo lãi suất cho vay xuống mức trung bình của các nước đang phát triển là khoảng 5%; Quản trị NH theo thông lệ quốc tế, niêm yết, đảm bảo 70% số NHTM thực hiện đầy đủ tiêu chuẩn Basel II vào năm 2020. Cả 4 mục tiêu đề ra trong quá trình tái cơ cấu đều đang còn dang dở. Đây là lúc phải xử lý những vấn đề khó khăn và phức tạp nhất như vốn, sở hữu chéo, nợ xấu.
Theo kết quả kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước (KTNN), kết thúc giai đoạn 1: Agribank có tỷ lệ nợ xấu lên đến 10,7% tổng dư nợ, tương đương 73.472 tỷ đồng. Cho dù tỷ lệ nợ xấu hơn 10% bao gồm cả nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) nhưng tóm lại tất cả khoản nợ xấu đó vẫn là của Agribank và NH này phải lo xử lý trong những năm tới. KTNN cũng chỉ ra, việc xử lý nợ xấu chưa hiệu quả, còn một số TCTD bị kiểm soát đặc biệt như NHTMCP Đông Á, hoặc tình hình tài chính rất yếu kém tại 3 NH được NHNN mua lại 0 đồng (CBBank, GPBank, OceanBank).
Nhiều NHTM tồn đọng các khoản cho vay, công nợ khó thu hồi do lãnh đạo NH cố ý làm trái, việc xử lý hết sức khó khăn và tỷ lệ thu hồi rất thấp, như ACB, Eximbank, Sacombank, CBank, GPBank, OceanBank. Một số TCTD trong thời gian tái cơ cấu chưa trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng: Agribank. Bên cạnh đó, việc tăng vốn điều lệ để nâng cao năng lực tài chính của TCTD còn khó khăn và không hoàn thành mục tiêu theo Đề án, tình trạng sở hữu chéo vẫn còn và khó kiểm soát.
“Chúng ta đã có quy định về việc một cổ đông không thể sở hữu quá 5% vốn điều lệ của NH và NH cũng không được sở hữu, góp vốn cổ phần tại quá 2 TCTD khác, song tình trạng sở hữu chéo vẫn chưa được làm rõ. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do thông tin của các cổ đông không thật sự chính xác và nó còn liên quan tới nhiều mối quan hệ nhạy cảm. Vì vậy, giải quyết vấn đề này cũng như đụng vào tổ kiến lửa” - chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu bình luận và cho rằng, nợ xấu và nợ tiềm ẩn nợ xấu toàn ngành lên tới 600.000 tỷ đồng, tương đương 10,8% tổng dư nợ tín dụng (thống kê của NHNN), chưa kể mục tiêu giảm lãi suất xuống còn khoảng 5% và nâng cao hiệu quả thị trường trái phiếu vẫn là khó khăn của NHNN thời điểm này.