Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái cơ cấu trồng trọt: Lựa chọn cây trồng chủ lực

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tái cơ cấu trồng trọt của Hà Nội đã và đang chuyển biến rõ rệt với nhiều mô hình sản xuất cho thu nhập vài trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, để tái cơ cấu thành công, hướng tới phát triển bền vững, ngành nông nghiệp Thủ đô vẫn còn nhiều vấn đề cần tháo gỡ.

Đánh giá hiệu quả mô hình trồng măng tây ứng dụng công nghệ cao tại xã Hồng Thái, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Ánh Ngọc
Bộc lộ bất cập
Diện tích cây trồng hàng năm của Hà Nội đạt khoảng gần 300.000ha. Thời gian qua, Hà Nội không chỉ chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng nâng cao giá trị mà còn đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và hình thành một số vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vùng chuyên canh lúa, hoa, rau, cây ăn quả. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi đã và đang tồn tại một số hạn chế nhất định như: Phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; ở mỗi địa phương việc xác định sản phẩm, cây trồng chủ lực còn hạn chế; tích tụ ruộng đất, kêu gọi DN đầu tư còn gặp khó khăn...

Theo Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại, lĩnh vực trồng trọt đã có những chuyển biến tích cực, góp phần không nhỏ nâng cao giá trị gia tăng chung của ngành nông nghiệp, song sản xuất vẫn thiếu ổn định, nhỏ lẻ, phân tán. Đơn cử như mô hình trồng hoa chất lượng cao, mỗi hộ chỉ có từ 1.000 - 2.000m2. Đáng nói, sản xuất hàng hóa mang lại hiệu quả và khả năng cạnh tranh, góp phần thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp thành công nhưng trên thực tế, nhiều địa phương triển khai chậm, lúng túng, thậm chí còn mơ hồ về định nghĩa tái cơ cấu.

Về vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho rằng, tái cơ cấu thực tế là thay đổi phương thức sản xuất, chuyển đổi sang những cây trồng chất lượng, giá trị kinh tế cao, song không phải huyện nào cũng triển khai một cách thuận lợi được. Do đó, ngoài việc tích tụ ruộng đất, hình thành quy hoạch thì các sở, ngành TP cần có hướng dẫn cụ thể để các địa phương triển khai tái cơ cấu thực chất và hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao

Năm 2018 là năm thứ ba Hà Nội triển khai chương trình ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Theo đó, ngành trồng trọt sẽ tập trung vào các nhóm cây trồng như rau, cây ăn quả, chè và hoa chất lượng cao. Bên cạnh đó, TP đang thực hiện nhiều giải pháp mang tính chiến lược và tạo bước đột phá, trọng tâm là phát triển theo vùng tập trung, xây dựng mô hình chất lượng đi đôi với hình thành mạng lưới thị trường. “Để tái cơ cấu lĩnh vực trồng trọt, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, nhất là ứng dụng công nghệ cao sẽ được tiếp tục đẩy mạnh, trong đó ưu tiên phát triển lúa hàng hóa chất lượng cao, tăng sản xuất rau an toàn, cây ăn quả” – ông Nguyễn Xuân Đại nhấn mạnh.

Chuyên gia Nguyễn Lân Hùng – Tổng Thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam nhận định, tái cơ cấu trồng trọt phải hướng đến nâng cao hiệu quả và phát triển bền vững, trên cơ sở lựa chọn những cây trồng chủ lực có lợi thế kinh tế cao. Theo đó, tái cơ cấu không chỉ là thay đổi cơ cấu cây trồng mà phải thay đổi cách tiếp cận trong tổ chức sản xuất theo hướng sản xuất hàng hóa, cạnh tranh quốc tế và phát triển bền vững. Các sản phẩm của ngành trồng trọt Hà Nội phải hướng đến chất lượng cao hơn, với giá thành giảm nhằm tăng khả năng cạnh tranh với nông sản nhập khẩu.

Theo ý kiến của nhiều lãnh đạo huyện, thị xã, để tái cơ cấu thành công, TP cần tạo thuận lợi hơn nữa để thu hút DN đầu tư vào nông nghiệp với những chính sách phù hợp để tích tụ, tập trung ruộng đất, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư phát triển. Từ đó, từng bước hình thành các tổ hợp nông nghiệp - công nghiệp - dịch vụ công nghệ cao. Đồng thời, phải xác định vai trò hạt nhân của DN trong nông nghiệp, qua đó mới tạo thành chuỗi khép kín trong sản xuất.