Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tại cuộc họp khẩn của NATO, Nga cam kết vẫn thực hiện Hiệp ước Bầu trời mở

Nguyễn Phương (Theo Tass)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phát biểu tại cuộc họp trực tuyến của NATO hôm 22/5, Nga tuyên bố Moscow sẽ vẫn tuân thủ Hiệp ước Bầu trời Mở cho đến khi thỏa thuận này còn hiệu lực.

“Nga xác nhận vẫn tiếp tục thực hiện Hiệp ước Bầu trời mở”- phái đoàn Nga phát biểu với hãng tin Tass sau khi tham dự cuộc họp họp khẩn cấp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây dương (NATO) thào luận về quyết định đơn phương của Mỹ rút khỏi Hiệp ước này hôm 22/5.
Nga khẳng định tiếp tục tuân thủ Hiệp ước Bầu trời mỏ.
Phái đoàn Nga cũng bày tỏ rằng Moscow sẵn sàng tổ chức đối thoại về Hiệp ước Bầu trời mở, song phải dựa trên "cơ sở tôn trọng lẫn nhau, và không phải bằng ngôn ngữ của một tối hậu thư".
"Phía Nga đã tái khẳng định quan điểm tiếp tục tuân thủ các điều khoản của Hiệp ước. Chúng tôi sẵn sàng đối thoại về vấn đề liên quan đến Hiệp ước này, song phải dựa trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau, đặt biệt không phải bằng ngôn ngữ của một tối hậu thư - vì lợi ích và an ninh của châu Âu cũng như của quốc tế"- đại diện Nga nêu rõ.
Cùng ngày, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Liên bang Nga Dmitry Medvedev cho rằng việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước Bầu trời mở là bước đi tiếp theo của Washington nhằm phá hủy cấu trúc an ninh quốc tế vốn đã đã được thiết lập trong nhiều thập kỷ qua.
Theo ông Medvedev, Washington đã hơn một lần sử dụng “cách thức tương tự” để biện minh cho hành động của mình để rút khỏi các văn kiện cơ bản khác trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.
Ông Medvedev khẳng định các vấn đề kỹ thuật không thể biện minh cho việc rút khỏi "thỏa thuận đa phương cơ bản" này.
Hiệp ước Bầu trời mở được ký năm 1992 và bắt đầu có hiệu lực vào năm 2002. Thỏa thuận cho phép các quốc gia tham gia (34 quốc gia) công khai thu thập thông tin về các lực lượng vũ trang của nhau cũng như các hoạt động quân sự của các nước thành viên.
Ngày 21/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ chuẩn bị rút khỏi thỏa thuận này và đây là hiệp ước kiểm soát vũ khí quan trọng thứ ba mà nhà lãnh đạo này quay lưng kể từ khi ông nhậm chức tháng 1/2017.
Trước đó, Tổng thống Trump đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân mang tên Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA), ký năm 2015 giữa nhóm P5+1 với Iran, và Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) ký với Nga năm 1988.
Trong tất cả các trường hợp, Tổng thống Trump đều cáo buộc bên còn lại vi phạm các quy định của thỏa thuận. Ngoài ra, ông cũng để ngỏ khả năng chấm dứt một thỏa thuận khác là Hiệp ước Cắt giảm Vũ khí chiến lược mới (New START) ký kết với Nga năm 2010 và cần được gia hạn vào đầu năm 2021./.