70 năm giải phóng Thủ đô

Tái đàn lợn để ổn định thị trường

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), lượng lợn tiêu hủy nhiều khiến nguồn cung giảm mạnh. Giải pháp tái đàn hiện đang được các địa phương gấp rút thực hiện.

Thịt lợn bày bán tại siêu thị ở Hà Nội. Ảnh: Công Hùng
Nhiều địa phương tăng tốc 
Do ảnh hưởng của DTLCP, tổng đàn lợn của Hà Nội giảm gần 30%. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT trong công tác tái đàn, Hà Nội đã có nhiều văn bản chỉ đạo phù hợp và linh hoạt với tình hình thực tế. Tái đàn lợn được gắn liền với công tác quản lý đàn tại các địa phương trên địa bàn TP. Đến nay, DTLCP trên địa bàn TP cơ bản đã được khống chế. Các DN, trang trại chăn nuôi đang tăng tốc tái đàn, nâng tổng đàn lợn tăng thêm 231.000 con.
Thời điểm này cần khẩn trương tái đàn lợn để cung cấp thịt cho thị trường, góp phần ổn định nguồn cung. Việc tái đàn cần tuân thủ 3 nguyên tắc: Đảm bảo an toàn sinh học, cân đối cung cầu và an sinh xã hội. Đây là giải pháp chăn nuôi an toàn trong điều kiện chưa có vaccine phòng bệnh.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến
Tương tự, tại tỉnh Bắc Giang, trước khi DTLCP xảy ra, tổng đàn lợn của tỉnh là 1,1 triệu con nhưng đến nay chỉ còn 818.000 con. “Thời điểm này, 100% số xã trên địa bàn tỉnh đã qua ít nhất 65 ngày không xuất hiện DTLCP, dự kiến đến hết tháng 3 tỉnh sẽ công bố hết dịch. Theo kế hoạch, tỉnh Bắc Giang sẽ nâng tổng đàn lợn lên khoảng 1 triệu con trong năm 2020” - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bắc Giang Nguyễn Viết Toàn cho biết.
Còn tại tỉnh Đồng Nai, địa phương có tổng đàn lợn lớn nhất cả nước, đến nay đã tái đàn được 354.000 con, tăng 28% so với cuối năm 2019. Hiện đang có 64 cơ sở đăng ký tái đàn với tổng số gần 82.000 con. Tỉnh Đồng Nai đã có định hướng phù hợp và triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi như xây dựng cơ sở vùng an toàn dịch bệnh, áp dụng quy trình VietGAP trong chăn nuôi, xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Xuân Dương cho biết, thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, hiện nay nhiều địa phương đã chủ động tăng đàn, tái đàn rất tốt. Tổng đàn lợn của cả nước hiện nay là 24,9 triệu con, đàn nái là 2,7 triệu con. Các cơ sở chăn nuôi đã tái đàn từ tháng 7/2019 và đảm bảo tổng đàn lợn có mặt thường xuyên trong quý I/2020 là ở mức 24 - 25 triệu con. Nguồn lợn thịt chủ yếu là ở các công ty, trang trại và hộ chăn nuôi lớn. Những cơ sở này có đủ điều kiện áp dụng chăn nuôi an toàn sinh học và kiểm soát tốt dịch bệnh.
Còn nhiều khó khăn
Theo ông Nguyễn Xuân Dương, bên cạnh những địa phương tái đàn nhanh thì vẫn còn một số địa phương đến thời điểm này vẫn chưa ký thông qua kế hoạch tái đàn. Một số địa phương đã hết dịch nhưng chưa công bố hết dịch để thực hiện việc tái đàn. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phát sinh thêm vấn đề thiếu hụt nguồn cung thịt lợn cho thời điểm các tháng cuối năm 2019 và quý I/2020.
Trên thực tế việc tái đàn của các địa phương vẫn còn nhiều khó khăn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nam Định Hoàng Thị Tố Nga cho biết, những tháng cuối năm 2019, tình hình DTLCP trên địa bàn tỉnh từng bước đã được khống chế, nhu cầu thực phẩm tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán nên một số hộ đã thực hiện tái đàn. Tuy nhiên, hiện nay nguồn giống khan hiếm, đặc biệt giá con giống quá cao (1,8 – 2,3 triệu đồng/con) nên tỷ lệ tái đàn trên địa bàn tỉnh còn thấp (khoảng 35.000 con).
Trong khi đó, việc thiếu kinh phí đang là nguyên nhân ảnh hưởng tới việc tái đàn lợn ở Lạng Sơn. Giám đốc Sở NN&PTNT Lạng Sơn Lý Việt Hưng kiến nghị: “Chính phủ sớm bổ sung kinh phí còn thiếu cho tỉnh Lạng Sơn để tiếp tục thực hiện hỗ trợ người chăn nuôi có lợn chết, buộc phải tiêu hủy do mắc bệnh DTLCP. Từ đó giúp người dân có kinh phí tái sản xuất”. Tương tự, lãnh đạo Sở NN&PTNT Bắc Giang cũng cho biết, hiện tại tỉnh vẫn còn hơn 100 tỷ đồng chưa chi trả, hỗ trợ người chăn nuôi lợn bị thiệt hại do DTLCP năm 2019.