Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tái diễn tình trạng đổ trộm rác thải nguy hại ven Đại lộ Thăng Long

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ tính từ đầu năm 2020 đến nay, cả chục mét khối phân bùn bể phốt đã bị đổ trộm ra dải phân cách tuyến Đại lộ Thăng Long, gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị. Điều đáng nói, tình trạng trên đã diễn ra từ lâu, lực lượng chức năng, chính quyền địa phương cũng đã biết, song chưa có biện pháp xử lý, ngăn chặn các hành vi tái vi phạm.

Rác thải nguy hại chưa qua xử lý tiếp tục bị đổ trộm ra tuyến.

Năm 2019, báo Kinh tế & Đô thị có chùm bài phản ánh về tình trạng phân bùn bể phốt, vỏ các thùng phi đựng hóa chất nguy hại… bị đổ trộm ra dải phân cách giữa và hành lang ATGT tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long gây mất vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người dân trong khu vực.
Sau khi báo phản ánh, lực lượng chức năng, chính quyền các địa phương có liên quan đã vào cuộc kiểm tra, xác minh, yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm. Song, đến thời điểm này, khi việc xử lý những vi phạm cũ vẫn còn đang dở dang thì những vi phạm mới tiếp tục xuất hiện.
Theo phản ánh của người dân, ngày 10/2, tại khu vực Km12 tuyến đường đường gom Đại lộ Thăng Long hướng đi Hòa Lạc thuộc địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức, xuất hiện một lượng lớn phân bùn bể phốt chưa qua xử lý tiếp tục bị đổ trộm trực tiếp ra môi trường. Chưa hết, theo phản ánh của người dân, cách đây khoảng một tháng, tình trạng trên cũng xảy ra tại khu vực cầu T6, hướng đi Hòa Lạc thuộc địa bàn xã Song Phương, huyện Hoài Đức. “Đơn vị chức năng cứ dọn được vài hôm thì vi phạm mới lại phát sinh” – một người dân thường xuyên di chuyển trên tuyến Đại lộ Thăng Long chia sẻ.
Xung quanh vấn đề này, trao đổi với phóng viên, lãnh đạo Chi nhánh Cầu Diễn (Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội - Urenco) thừa nhận, tình trạng đổ trộm phế thải, đặc biệt là phế thải nguy hại chưa qua xử lý ra dải phân cách giữa và tuyến đường gom Đại lộ Thăng Long là chuyện thường xuyên xảy ra. Khi phát hiện vụ việc, đơn vị đã tổ chức thu dọn, thông báo, phối hợp với lực lượng Cảnh sát Môi trường và các đơn vị có liên quan để tìm biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Thực tế cho thấy, khi xảy ra vụ việc, các lực lượng chức năng, đặc biệt lực lượng Cảnh sát Môi trường đã khẩn trương vào cuộc phối hợp với đơn vị Chi nhánh Cầu Diễn để thu gom số phế thải bị đổ trộm nhằm bảo đảm vệ sinh môi trường, sức khỏe của người dân. Tuy nhiên, những biện pháp mà các lực lượng chức năng đã và đang thực hiện vẫn chưa đủ mạnh để ngăn chặn các hành vi tái vi phạm.
Liên quan đến vấn đề này, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực môi trường cho biết, Nghị định 155/2016/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường đã quy định rất cụ thể, chi tiết về chức trách, nhiệm vụ, mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm. Trong đó, một trong những lực lượng có vai trò đặc biệt quan trọng là Cảnh sát Môi trường phụ trách địa bàn. Tuy nhiên, nếu chỉ trông chờ vào lực lượng này là chưa đủ để ngăn chặn các hành vi tái vi phạm bởi “nước xa không cứu được lửa gần”. Để xử lý dứt điểm tình trạng trên, với khả năng hiện nay, nhiều ý kiến đề nghị nên đặt hệ thống camera giám sát trên toàn tuyến, vừa góp phần xử lý vi phạm giao thông mà còn giải quyết triệt để tình trạng đổ phế thải ở tuyến đường này.