Tại Diễn đàn “Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp tổ chức chiều 23/3 ở Hà Nội, các chuyên gia, nhà quản lý đã thảo luận những nhân tố tác động đến tăng trưởng kinh tế và hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
4 khó khăn chính
Trong bối cảnh hội nhập và cạnh tranh toàn cầu, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng những chuẩn mực đồng thời tạo ra hàng rào kỹ thuật trong thâm nhập thị trường, nhất là thị trường các nước phát triển.
Các khuyến nghị cũng đưa ra những biện pháp nhằm thúc đẩy động lực tăng trưởng mới và giải pháp phát triển lực lượng doanh nghiệp, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực nội tại và tính tự chủ, tự cường của nền kinh tế.
TS Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, trải qua hai năm rưỡi ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, doanh nghiệp vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong và ngoài nước.
Đáng lo ngại, tình hình lạm phát tăng ở nhiều quốc gia sẽ diễn biến trầm trọng hơn và ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam. Trong báo cáo cập nhật tháng 3/2023 của Ngân hàng Thế giới đã dự báo kinh tế Việt Nam năm 2023 có thể tăng trưởng ở mức 6,3%.
Bên cạnh đó, Viện trưởng CIEM đã chỉ ra 4 khó khăn, thách thức chính mà doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt trong năm 2023 và những năm tiếp theo. Khó khăn thứ nhất theo bà Minh, trên bình diện chung, tăng trưởng chậm lại ở những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Hoa Kỳ, Trung Quốc và khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) có thể ảnh hưởng tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Thứ hai, một số thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam chuyển dần sang áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững một cách chặt chẽ hơn.
Thứ ba, vấn đề tiếp cận vốn của doanh nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
"Chúng ta đều biết, khoảng 97 - 98% doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ. Hầu hết các doanh nghiệp này đều gặp nhiều hạn chế trong tiếp cận tài chính chính thức. Mặt khác, những khó khăn trên thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu thời gian vừa qua đã làm giảm đáng kể khả năng tiếp cận vốn của các doanh nghiệp thông qua các kênh này" - bà Minh nói.
Thứ tư, việc bảo đảm chất lượng lao động góp phần tăng năng suất lao động và thích ứng với yêu cầu làm việc trong bối cảnh mới. Hiện nay, theo thống kê, trình độ/chất lượng kỹ năng của người lao động Việt Nam chậm được cải thiện.
Đồng quan điểm, Trưởng ban Cố vấn Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Hà Nội Trịnh Thị Ngân cũng kiến nghị các doanh nghiệp cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước trong việc tạo môi trường sản xuất kinh doanh thuận lợi đồng thời đa dạng kênh tiếp cận vốn, tăng cường hỗ trợ thông tin thị trường và xúc tiến thương mại.
Cơ hội nếu kịp nắm bắt
Để giải quyết các thách thức này, bà Minh cho biết, cần nâng cao chất lượng tư vấn, nhận thức cho doanh nghiệp để chuyển đổi và thích ứng với tình hình mới. Bên cạnh đó, Chính phủ cần tạo không gian hơn nữa cho các mô hình kinh tế mới một cách bền vững. Đồng thời tiếp tục tháo gỡ khó khăn về tiếp cận vốn cho doanh nghiệp.
"Cần duy trì, củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá tiếp tục là những ưu tiên quan trọng để hỗ trợ và tạo sự yên tâm cho doanh nghiệp. Điểm quan trọng là các chương trình, chính sách hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp cần được thực hiện sớm, phát huy tác dụng sớm" - Viện trưởng CIEM bày tỏ.
Bàn về vấn đề, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho rằng, dù kinh tế có gam màu xám, song đây lại là thời cơ để doanh nghiệp tạo ra đột phá, nền tảng “bứt tốc” trong tương lai nếu kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới.
Theo báo cáo Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của VCCI, cộng đồng doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh do những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19 và suy thoái kinh tế. Hơn nữa, các doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm số lượng lớn đóng góp khoảng 40% GDP, nộp ngân sách nhà nước 30% và thu hút gần 60% lao động, song khu vực kinh tế này lại dễ bị tổn thương khi gặp các bất lợi từ bên ngoài, như dịch bệnh, thiên tai, chiến tranh...
Để nắm bắt các cơ hội, tạo ra sức bật trong tương lai, ông Phạm Tấn Công cho rằng, tái định vị doanh nghiệp phải gắn liền với tư duy mới, trong đó phát triển bền vững, thúc đẩy tính đa dạng hòa nhập, bao trùm trong kinh doanh, theo đuổi mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.
"Đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số giúp doanh nghiệp đẩy nhanh quá trình xây dựng các trụ cột bền vững. Các giá trị phát triển bền vững của doanh nghiệp cần được định hình và xây dựng dựa trên đạo đức doanh nhân, văn hoá kinh doanh” - ông Phạm Tấn Công nói.
Đồng thời cho rằng, cơ hội sẽ đến nếu doanh nghiệp kịp thời nắm bắt, hòa nhịp vào các xu thế mới, tranh thủ động lực tăng trưởng từ kinh tế xanh và chuyển đổi số, thu hút các nguồn lực đầu tư...
Chủ tịch Phạm Tấn Công khẳng định, VCCI tiếp tục đề xuất, xây dựng, triển khai các chương trình, dự án, đề án, nhiệm vụ quốc gia về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, doanh nhân, hiệp hội doanh nghiệp.
Tái định vị doanh nghiệp để phát triển bền vững là vấn đề thời sự, cấp bách của doanh nghiệp trong thời điểm hiện nay, khi kinh tế toàn cầu có nhiều biến động ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Để tái định vị doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững, cần phải dự báo tình hình kinh tế thế giới, đánh giá kinh tế trong nước và sức khoẻ thực tế của doanh nghiệp.
Phó Trưởng ban chuyên trách Ban chỉ đạo Đổi mới phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long