Khắc hoạ chân dung những anh hùng
Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, Liên đoàn Xiếc Việt Nam vừa ra mắt công chúng vở diễn “Sống mãi với Điện Biên”, tái hiện chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Chỉ với thời lượng 90 phút, chương trình “Sống mãi với Điện Biên” do NSND Tống Toàn Thắng - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam dàn dựng đã mang đến cho người xem nhiều cung bậc cảm xúc.
Trong thời khắc đó, hình ảnh anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn bánh pháo được tái hiện đầy xúc động. Trao đổi với phóng viên KT&ĐT, nghệ sĩ Nguyễn Hà Bình – Liên đoàn Xiếc Việt Nam, người vào vai anh hùng Tô Vĩnh Diện chia sẻ: “Thực hiện hoạt cảnh hò kéo pháo tôi rất xúc động và tự hào. Khi mới được giao đảm nhiệm, tôi còn khá lúng túng. Vì vậy, tôi phải đọc nhiều sách báo, xem các thước phim về Chiến thắng Điện Biên Phủ năm xưa, lắng nghe hướng dẫn của đạo diễn để có thể nhập vai, nỗ lực thể hiện được hết tinh thần bất khuất và đặc điểm của nhân vật”. Trong hoạt cảnh “Hò kéo pháo”, người xem được quan sát các nghệ sĩ nâng cao tạo hình tượng đưa pháo trụ đỡ trên vai (đạo cụ cầu bật xiếc) trong tiếng đạn pháo nổ vẫn đồng lòng hò kéo pháo lên dốc.
Kết thúc hoạt cảnh, nghệ sĩ Nguyễn Hà Bình trong vai anh hùng Tô Vĩnh Diện được đồng đội nâng cao, đứng hiên ngang trong những tràng pháo tay cổ vũ, động viên và xúc động của người xem. Chương trình càng trở nên đặc biệt hơn khi có sự xuất hiện của những người cựu chiến binh năm xưa và đặc biệt là Đại tá La Văn Cầu - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Công dân Thủ đô ưu tú.
Nhiều cung bậc cảm xúc
Theo dõi vở diễn, khán giả có thể thấy, từ kịch bản đến khâu dàn dựng đã được Liên đoàn Xiếc Việt Nam chuẩn bị kỹ lưỡng. Hình ảnh về các anh hùng Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót được các nghệ sĩ tái hiện trong chương trình đầy xúc động, tự hào.
Trong hoạt cảnh về anh hùng Bế Văn Đàn với hình tượng 4 nam do những nghệ sĩ: Thế Ninh, Mạnh Thường, Tiến Phương, Tùng Dương thể hiện gây xúc động với người xem về tinh thần anh dũng hi sinh khi lấy thân mình làm giá súng.
Nghệ sĩ Nguyễn Mạnh Thường chia sẻ: “Khi vào vai anh hùng Bế Văn Đàn, bằng ngôn ngữ xiếc, tôi cố gắng luyện tập, tạo hình tượng anh hùng dũng cảm không ngần ngại cầm hai chân khẩu trung liên đặt lên vai mình. Ở hoạt cảnh này, kỹ thuật xiếc đế trụ được chúng tôi áp dụng, nhằm khắc họa hình ảnh vinh quang khi người chiến sĩ đứng trên cao phất cờ Tổ quốc trên nóc hầm”.
Trong vở diễn còn có hoạt cảnh “Trận Him Lam” - là trận đánh mở màn trong chiến dịch Điện Biên Phủ vào ngày 13/3/1954. Hoạt cảnh Trên đồi Him Lam khắc họa hành động anh dũng của anh hùng Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai. Các chiến sĩ trẻ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam nhào lộn qua các ụ pháo, các thùng đạn tạo thành những chướng ngại vật vượt qua, có người bị ngã, đồng đội lao đến đỡ dậy rồi tiếp tục lao lên (các tiết mục nhào lưới, cầu bật, nhào lộn được thể hiện độc đáo) tạo nên khung cảnh khốc liệt của cuộc chiến cam go.
Theo NSND Tống Toàn Thắng – Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam: "Từng hoạt cảnh của Điện Biên Phủ tái hiện hình ảnh các anh hùng liệt sĩ, đặc biệt có những màn anh Bế Văn Đàn ơi, Qua miền Tây Bắc, Hành quân xa rồi, Trên đồi Him Lam, Hò kéo pháo… để truyền cảm xúc tới khán giả. Khi thì cảm xúc hào hùng, lúc lại sâu lắng nhằm đưa người xem tưởng nhớ đến những anh hùng liệt sĩ đã hi sinh bằng ngôn ngữ xiếc. Đây cũng là cách để mỗi nghệ sĩ của Liên đoàn Xiếc Việt Nam tri ân tới những thế hệ đi trước, đặc biệt là những người đã tham gia “Chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.