Câu nói này đã thôi thúc Giám đốc Trung tâm Văn hóa Khoa học (VHKH) Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cùng các đồng nghiệp suốt thời gian dài; để suốt 3 năm qua trăn trở cho ra đời chuyên đề trưng bày mang tính đột phá: “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” - tái dựng hành trình hơn nghìn năm của nền giáo dục khoa cử Việt Nam thời quân chủ.
Gian nan thực hiện
108m2 nhà Tả Vu (thuộc không gian Văn Miếu - Quốc Tử Giám) từng là nơi bán đồ lưu niệm đã phải dọn dẹp, trả lại mặt bằng trở thành không gian trưng bày cho chuyên đề về “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên”.
Trưng bày “Quốc Tử Giám - Trường Quốc học đầu tiên” xuất phát từ điều kiện Văn Miếu - Quốc Tử Giám không có nhiều hiện vật. Điều này đã làm khó cho những người xây dựng ý tưởng trưng bày.
Ban đầu, nhóm thực hiện chỉ có trong tay các hiện vật được tìm thấy qua quá trình khảo cổ phục dựng nhà Thái Học (1999). Trong đó chủ yếu là những viên ngói, viên gạch, mảnh gỗ (có niên đại từ thế kỷ XI - XIII) được lưu lại. Nhưng sau đó, bằng sự phối hợp và kiếm tìm, nhóm thực hiện đã có thêm nguồn hiện vật từ Trung tâm lưu trữ I và trung tâm lưu trữ tại Pasri (Pháp).
Với tất cả các nguồn tư liệu được huy động, trưng bày lần này giới thiệu nhiều hiện vật quý như: Niên đá thời nhà Lê (niên đá các sĩ tử mài mực), bức ảnh giếng Thiên Quang thời nhà Nguyễn… Tinh tế của người thiết kế là diễn giải câu chuyện thăng trầm ở ngôi trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam qua các thời kỳ.
Ví dụ như hình ảnh giếng Thiên Quang tiêu điều với đứa trẻ đứng cởi trần để kể câu chuyện Văn Miếu - Quốc Tử Giám từ sau thời hoàng kim ở nhà Lê đến sự xuống cấp thời nhà Nguyễn. Nơi đây không còn là Văn Miếu trung tâm mà là Văn Miếu của các thành ở Hà Nội; nơi đây thay vì là nơi dạy học thành trại lính, thành nơi cách ly của người bị dịch bệnh.
Nhưng điều quan trọng nhất, vượt qua những rào cản về hiện vật, các chuyên gia thiết kế người Pháp, chuyên gia trưng bày bảo tàng và tư liệu lưu trữ trong nước đã kể câu chuyện lịch sử trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam rất sinh động. Điểm xuất phát là Quốc Tử Giám, khởi đầu dưới thời Lý bắt đầu cho nền giáo dục và khoa cử Nho học, phát triển dưới thời Trần - Hồ, đạt đỉnh cao thời Lê sơ - Mạc - Lê Trung Hưng rồi biến đổi dưới thời Nguyễn và kết thúc ở sự hồi sinh của di tích thời đương đại.
Ông Patrick Hoarau - chuyên gia đồ họa, trưởng nhóm thiết kế, bày tỏ: “Kịch bản trưng bày của cuộc triển lãm thể hiện theo trình tự dòng thời gian. Trục thời gian đó giống như một dòng sông gắn liền với những dòng chảy đưa chúng ta đến những thời điểm, giai đoạn khác nhau của quá trình phát triển về mặt tri thức”.
Ngay khi bước vào không gian trưng bày, du khách được chiêm ngưỡng những nội dung rất cụ thể nhưng đầy hàm ý. Khởi đầu của bức trưng bày là nói về quá trình dời đô của Lý Thái Tổ (với hàm ý là dòng sông), điểm cuối (đầu hồi bên kia) là tấm gương.
“Tấm gương có hai hàm ý, danh nhân là tấm gương là mình soi vào, tấm gương tượng trưng cho nước – gắn với Văn Miếu là nhiều ao hồ. Nhưng quan trọng là từ sông Hồng, vua Lý Công Uẩn dời đô, dòng chảy liên tục của Quốc Tử Giám với đạo học từ thời đó vẫn kéo dài đến ngày nay” – Giám đốc Trung tâm VHKH Văn Miếu – Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu thông tin.
Cũng tại không gian trưng bày, du khách được cung cấp các thông tin các kỳ thi của khoa cử Việt Nam: Thi hương, thi hội, thi đình. Với trường Quốc Tử Giám là việc tái hiện lại buổi bình văn, tái hiện lại vinh quy bái tổ qua các bức vẽ của họa sĩ Nguyễn Thành Phong.
Trưng bày thông minh
Những tư liệu, hiện vật về lịch sử, văn hóa của Quốc Tử Giám được thể hiện bắt mắt, sáng tạo thông qua rất nhiều thủ pháp trưng bày thông minh, giúp du khách kết hợp giữa xem và trải nghiệm.
Câu chuyện giai thoại của danh nhân gắn với Văn Miếu - Quốc Tử Giám như danh nhân Nguyễn Hiền, Lê Văn Hưu… đã được thu âm, mã hóa QR để khi tham quan khách có thể truy cập cùng lắng nghe. Các màn hình dùng dể cung cấp toàn bộ dữ liệu số hóa về bia tiến sĩ hoặc giới thiệu hình ảnh Bác Hồ, đại tướng Võ Nguyên Giáp và các lãnh đạo và nguyên thủ các nước đến từng tham quan Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Thu hút sự tò mò của đông đảo du khách tại không gian trưng bày là hoạt động viết chữ Hán bằng bút lông. Du khách người Việt cũng như người nước ngoài đều rất hào hứng thử tài viết chữ Hán của mình.
Ngay sau dãy nhà Tả vu, không gian triển lãm ngoài trời được thiết kế phác họa bức tranh chân thực về cuộc đời của các nho sinh tại làng quê, mộc mạc mà gần gũi. Đó là không gian học hành, thi cử sắp xếp theo từng chặng đường, từ thời điểm học hành tại trường, lên kinh đô thi cử, đỗ đạt rồi trở về quê hương “vinh quy bái tổ”.
Cách bài trí mô hình lớp học thời xưa, phục dựng lều chõng đi thi ở chốn kinh thành theo trình tự khiến không gian trưng bày ngoài trời giống như một “khu vườn tri thức” giúp người xem theo dõi hành trình tôi luyện, nỗ lực học hành, thi cử của các sĩ tử thời xưa dưới Trường Quốc học đầu tiên của Việt Nam.
Bên cạnh đó, không gian trưng bày ngoài trời còn được thiết kế nhằm tổ chức những hoạt động mang tính truyền thống của Quốc Tử Giám như trải nghiệm, tìm hiểu về quy trình làm giấy dó; in tranh truyền thống “vinh quy bái tổ”; trưng bày hiện vật, đồ lưu niệm… Tất cả những hoạt động này tạo ra sức hấp dẫn đặc biệt không chỉ với khách tham quan khi đến với Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Và điều quan trọng là lần đầu tiên nơi đây có một không gian trưng bày kể lại lịch sử câu chuyện hình thành và phát triển của di tích.
"Trưng bày “Quốc Tử Giám -Trường Quốc học đầu tiên” là triển lãm lần đầu tiên hoàn hảo, tuyệt vời về Quốc Tử Giám. Chúng tôi mong muốn mang đến một không gian trưng bày mang tính quốc tế." - Chuyên gia thiết kế đồ họa (Pháp) Patric Hoarau