Đây là khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế đưa ra tại Hội thảo “Nghiên cứu sử dụng công cụ chính sách nhằm điều tiết nền kinh tế hướng tới tăng trưởng xanh, phát triển bền vững ở Việt Nam” sáng 11/3.
Kinh nghiệm đánh "thuế xanh" của quốc tế
Thực hiện tài khóa xanh bao gồm: Thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhóm hàng gây tác động xấu đến môi trường (xăng dầu, than đá, thuốc diệt cỏ…); thuế tài nguyên đối với nhóm tài nguyên thiên nhiên; thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) miễn giảm cho các DN thực hiện xã hội hóa và đầu tư trong lĩnh vực môi trường; thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) nhằm ưu đãi khuyến khích sử dụng mặt hàng xăng sinh học, xe ô tô thân thiện với môi trường; thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế xuất khẩu, nhập khẩu (XNK)...
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế T.Ư (CIEM), kinh nghiệm quốc tế của Thái Lan, Malaysia, Nam Phi, Trung Quốc… là miễn thuế TNDN đối với thu nhập từ chuyển nhượng chứng chỉ giảm phát thải; Nhật Bản, Ba Lan, Hàn Quốc ưu đãi thuế cho các DN có hoạt động KH - CN; hoặc ưu đãi thuế đối với DN công nghệ cao, DN ứng dụng công nghệ cao như: Indonesia, Hàn Quốc. Ngoài ra, để hạn chế sản xuất tiêu dùng các sản phẩm gây nguy hại đối với môi trường có Hà Lan, Na Uy, Thuỵ Điển, Đức, Italy; đánh thuế các bon: Mỹ, Phần Lan, Thuỵ Điển, Na Uy, Đan Mạnh, Anh, Trung Quốc…
Với Việt Nam, Chính phủ đã ban hành và áp dụng một số chính sách thuế nhằm khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh. Cụ thể, áp thuế suất 10% trong 15 năm đối với thu nhập của DN từ thực hiện dự án đầu tư mới ứng dụng công nghệ cao, dự án trong lĩnh vực môi trường.
Ngoài ra dùng chính sách thuế tác động tới nhận thức người tiêu dùng thông qua chính sách thuế TTĐB: áp dụng mức thuế suất thấp hơn đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học. Áp dụng mức thuế TTĐB thấp nhất là 7% đối với xăng sinh học E10 và 8% đối với xăng E5 (so với mức thuế suất 10% áp dụng đối với xăng khoáng); Ngược lại, hạn chế nguy hại với môi trường thông qua chính sách thuế BVMT đối với xăng, dầu, than đá, túi ni lông, các loại thuốc bảo quản nông, lâm sản thuộc loại hạn chế sử dụng, nước thải, khai thác khoáng sản và với chất thải rắn…
Tuy vậy nhóm nghiên cứu đánh giá, chính sách thuế ưu đãi về thuế chưa đủ mạnh để khuyến khích sản xuất, tiêu dùng xanh (thuế TNDN, thuế XNK, GTGT...) trong khi chính sách thuế nhằm hạn chế sản xuất tiêu dùng với các sản phẩm gây nguy hại với môi trường chưa tương xứng với những tổn hại do hoạt động sản xuất tiêu dùng gây ra (như thuế BVMT, thuế tài nguyên, thuế TTĐB).
“Đơn cử như cần quy định mức thuế suất thuế TTĐB đối với xăng sinh học giảm một nửa so với xăng khoáng nhằm tạo sự chênh lệch đáng kể giữa xăng sinh học và xăng khoáng; với các loại thuế TTĐB đối với xe ô tô, nhiên liệu hoá thạch, tiếp tục duy trì và tăng thu thêm với các loại thuế này nhằm hạn chế tiêu dùng. Cần sửa đổi chính sách thuế GTGT về 0% đối với dịch vụ duy trì vườn hoa, công viên, cây xanh đường phố, vận chuyển hành khách công cộng bằng xe bus, xe điện. Mở rộng phạm vi đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, chống thất thu đối với các sản phẩm phân bón hoá học, khí thải và khuyến khích tư nhân đầu tư tham gia thu gom, xử lý chất thải”- TS Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng nhóm nghiên cứu, Viện CIEM chia sẻ.
Trong khi theo TS Nguyễn Thường Lạng (ĐH KTQD) có thể nghiên cứu đánh thuế tiếng ồn, thuế rác thải (spam) trên mạng, thuế ô nhiễm tần số, thuế ô nhiễm nguồn nước để sử dụng nguồn nước tốt hơn.
Thêm nhiều công cụ chính sách khác
Việt Nam đang là một trong những quốc gia phải chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, do vậy, tăng trưởng xanh là vấn đề được đặc biệt ưu tiên đối với Việt Nam. Theo các chuyên gia, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD để thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đến năm 2030...
PGS. TS Vương Thị Thị Thu Hiền (Học viện Tài chính) cho rằng, Việt Nam cần có chính sách thuế phù hợp làm sao hiệu quả, công bằng, minh bạch. TS Đặng Thị Thu Hoài - Thư ký Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần nghiên cứu thật kỹ, có lộ trình theo từng giai đoạn, phù hợp với thực tế của Việt Nam. Bên cạnh nhóm chính sách thuế, cần tạo nền tảng một số chính sách khác đi kèm như tín dụng. Ví như xây dựng chương trình tín dụng xanh cho một số ngành nghề, lĩnh vực, dự án (như năng lượng tái tạo, sản phẩm nông nghiệp sạch…) hoặc cho vay hỗ trợ lãi suất đối với hoạt động BVMT, tiết kiệm năng lượng, năng lượng tái tạo và công nghệ sạch. Ngoài ra, cần xã hội hoá nguồn lực vì tăng trưởng xanh đòi hỏi nguồn lực không nhỏ để đầu tư cải tiến công nghệ, thực hiện các dự án đầu tư xanh.
Bên cạnh việc áp dụng các chính sách đúng đắn, các chuyên gia cũng đề cao sự cần thiết phải nâng cao ý thức BVMT, chất lượng đào tạo và giáo dục. “Nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo sẽ giúp triển khai các công nghệ mới hiệu quả hơn và nhận thức về bảo vệ môi trường cũng cao hơn” - Phó Viện trưởng CIEM Nguyễn Thị Tuệ Anh khuyến nghị.
"Có thể coi thuế xanh là "chính sách cây gậy và củ cà rốt", thưởng - phạt phân minh. Ví dụ, đối với việc phát thải ra môi trường, DN phát thải cao phải chịu thuế cao, DN phát thải thấp chịu thuế thấp. Lúc đầu có thể khó khăn, nhưng dần dần sẽ có thay đổi. " - TS Nguyễn Mạnh Hải - Trưởng Ban nghiên cứu các vấn đề xã hội (CIEM) "Với xu hướng phát triển bền vững cùng với bài học từ sự cố môi trường diễn ra trong thời gian gần đây, việc thu hút đầu tư nói chung và FDI nói riêng phải phục vụ tái cấu trúc kinh tế theo mô hình tăng trưởng mới, hướng tới nền kinh tế xanh, tăng trưởng bền vững trong tương lai. " - TS Lê Quang Thuận - Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Bộ Tài chính |