Té… bẩn theo mưaVừa qua, báo Kinh tế & Đô thị nhận được phản ánh của những người dân xã Di Trạch (huyện Hoài Đức) về việc nhiều DN sản xuất sơn trong khu công nghiệp Di Trạch có hành vi xả thẳng nước thải chưa qua xử lý ra môi trường gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sản xuất, sinh hoạt của người dân. Điều đáng nói, theo phản ánh của người dân, tình trạng trên đã diễn ra từ lâu, hàng năm, vẫn có hàng chục đoàn công tác về kiểm tra, xử lý, nhưng không hiểu vì lý do gì vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại. Trao đổi với chúng tôi, một số người dân sống sát khu công nghiệp Di Trạch (xin giấu tên) cho biết, kênh mương T2 - 7 có vai trò rất quan trọng trong viêc sản xuất nông nghiệp, cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, từ khi cụm công nghiệp Di Trạch đi vào hoạt động, nó đã trở thành một cái “mương chết”.
Theo thống kê, hiện tại, điểm công nghiệp Di Trạch có gần 20 DN đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau như: Sản xuất sơn, dệt nhuộm, cơ khí, sản xuất miến… Nhưng do không có hệ thống xử lý nước thải tập trung nên hầu hết các DN đều xả thải trực tiếp ra môi trường, gây ô nhiễm trầm trọng cho khu vực. |
Theo tìm hiểu của phóng viên Kinh tế & Đô thị, giữa năm 2018, từ những phản ánh của người dân, UBND xã Di Trạch và các đơn vị chức năng đã tiến hành kiểm tra thực địa. Qua kiểm tra, đoàn công tác xác định các cửa cống của điểm công nghiệp đều xả một lượng lớn nước trắng như sơn pha loãng ra kênh tiêu. Theo nhận định của các đơn vị chức năng xác định, có 3 công ty sơn là Infor, Jymec và Facomax thường lợi dụng khi trời mưa tham gia vào việc xả nước thải chưa qua xử lý xuống mương T2 - 7. Theo ghi nhận của đoàn kiểm tra, 3 công ty sơn nằm ở 3 khu vực khác nhau và xả theo 3 cống xả khác nhau. Tuy nhiên thời điểm kiểm tra, ba cống xả đều có nước màu trắng như sơn pha loãng. Không chỉ vậy, hồ chứa nước thải tập trung của điểm công nghiệp này cũng xuất hiện tình trạng tương tự…
|
Mương T2 -7 trở thành mương chết. Ảnh: Công Trình |
Lúng túng trong xử lýXung quanh vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch UBND xã Di Trạch Phạm Văn Mạnh. Ông Mạnh thừa nhận thực tế nêu trên và cho biết, điểm công nghiệp Di Trạch bắt đầu đi vào hoạt động từ cuối năm 2014, đầu năm 2015. Theo nguyên tắc, các đơn vị phải có một hệ thống xả thải ra hệ thống chung để xử lý, sau đó mới cho ra môi trường. Tuy nhiên, do khu vực này nằm trong Quy hoạch xây dựng Thủ đô đến năm 2050, nên các DN chỉ được thuê đất hàng năm. Từ đó, việc xây dựng một khu xử lý nước thải tập trung rất khó khăn do tâm lý không được làm ăn lâu dài của các DN.
Đề cập đến tình trạng ô nhiễm môi trường tại điểm công nghiệp Di Trạch, ông Mạnh cho biết, các DN thực hiện hành vi xả thải trộm ra môi trường rất tinh vi, các DN thường lợi dụng lúc trưa nắng to, trời mưa lớn hoặc vào buổi đêm để xả trộm. Qua tin báo của Nhân dân, chúng tôi phải rất vất vả mới có thể bắt được quả tang hành vi vi phạm. Thế nhưng, dù bắt quả tang, việc xử lý của các lực lượng chức năng xã cũng không hề đơn giản. Bởi, đất thì TP Hà Nội cho thuê, khi phát hiện DN xả thải xã cũng không thể vào kiểm tra, xử lý mà phải báo cáo lên huyện và chờ phương án giải quyết. Thậm chí, ông Mạnh còn cho biết, dù là điểm nóng về tình trạng ô nhiễm môi trường, nằm trên địa bàn xã nhưng đến việc xã muốn xin một bộ tài liệu đầy đủ đến điểm công nghiệp, đến các DN đóng trong điểm công nghiệp cũng rất khó.
Kinh tế & Đô thị sẽ tiếp tục phản ánh thông tin vụ việc.