Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành chia sẻ về Bộ tài liệu âm thanh |
Trước ngày diễn ra bầu cử, các thành viên Hội Người mù quận Thanh Xuân đã được tiếp cận bộ tài liệu âm thanh về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Chủ tịch Hội Người mù quận Thanh Xuân Nguyễn Tiến Thành cho biết: Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Hội Người mù quận Thanh Xuân không thể tổ chức hội nghị tuyên truyền về Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cho toàn thể các cán bộ, hội viên dưới hình thức tập trung đông người.
Ban chấp hành Hội đã quyết định xây dựng các tài liệu về cuộc bầu cử dưới dạng âm thanh. Đây là hình thức tuyên truyền phù hợp với dạng tật của người khiếm thị, cũng như vẫn đảm bảo giúp các hội viên tiếp cận với các thông tin của cuộc bầu cử một cách đầy đủ và tốt nhất…
Được sự giúp đỡ của Đoàn trường Đại học Phương Đông, bộ tài liệu âm thanh về cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp đã được hoàn thiện và triển khai. Nội dung bộ tài liệu bao gồm các thông tin cơ bản về cuộc bầu cử như ý nghĩa, quy định, nguyên tắc bầu cử; các quyền của người khuyết tật khi tham gia bầu cử… đặc biệt là danh sách chính thức các ứng cử viên được giới thiệu tham gia vào HĐND quận Thanh Xuân nhiệm kỳ 2021-2026 tại các tổ bầu cử trên địa bàn các phường.
Nội dung của bộ tài liệu được thu thập từ các nguồn chính thống như Thành đoàn Hà Nội, Ủy ban MTTQ quận Thanh Xuân. Sau đó, các thành viên ban biên tập đã biên soạn và chuyển hóa sang dạng file âm thanh.
Hội viên Hội Người mù quận Thanh Xuân sử dụng bộ tài liệu âm thanh |
Để các hội viên tiếp cận được các thông tin trong bộ tài liệu, Hội Người mù quận Thanh Xuân đã phân loại các nhóm hội viên, nhóm sử dụng được điện thoại thông minh được gửi tài liệu qua các ứng dụng như Zalo, Facebook, email… Nhóm hội viên không sử dụng được điện thoại thông minh thì sẽ được các chi hội trưởng đến tận nhà copy tài liệu vào thẻ nhớ và nghe trên radio.
Phó Bí thư Đoàn trường Đại học Phương Đông Vũ Thanh Trà chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất của chúng tôi và Ban Chấp hành Hội Người mù quận Thanh Xuân trong quá trình xây dựng bộ tài liệu âm thanh này là thời gian để hoàn thành khá ngắn mà khối lượng thông tin về cuộc bầu cử lại quá nhiều. Tuy nhiên, bằng sự nỗ lực của các thành viên ban biên tập, các thông tin quan trọng nhất, cơ bản nhất của cuộc bầu cử đã được hoàn thiện để gửi đến các hội viên khiếm thị đúng thời gian đề ra…
Ông Trương Quang Hải, hội viên 58 tuổi bày tỏ: “Theo các quy định của luật, những người khuyết tật như chúng tôi có quyền nhờ người khác đưa đi hoặc hỗ trợ tham gia bầu cử nhưng đó chỉ là khâu cuối cùng, còn việc cho chúng tôi tiếp cận các thông tin cụ thể về cuộc bầu cử như ý nghĩa, nguyên tắc, danh sách các ứng cử viên thì chúng tôi hoàn toàn chưa được hỗ trợ. Với việc ra mắt bộ tài liệu âm thanh này đã giải quyết được các khó khăn của những người không nhìn thấy như chúng tôi, giúp những người khiếm thị chúng tôi thực hiện quyền và nghĩa vụ của một người công dân.
Trong khi đó, hội viên Nguyễn Huy Cường chia sẻ, chỉ cần mở điện thoại thông minh lên là có thể tìm hiểu, nghiên cứu và lựa chọn ra trước được các đại biểu quốc hội, đại biểu HĐND các cấp tại cuộc bầu cử diễn ra vào ngày 23/5. Các thông tin trong bộ tài liệu rất dễ nghe, giọng đọc rõ ràng, thiết thực. Bộ tài liệu này đã giúp người khiếm thị hoàn toàn chủ động trong việc thực hiện quyền công dân của mình trong cuộc bầu cử.
Sau bộ tài liệu âm thanh về cuộc bầu cử, Hội Người mù quận Thanh Xuân và Đoàn trường Đại học Phương Đông tiếp tục xây dựng các bộ tài liệu phục vụ cho công việc học tập và lao động của người khiếm thị.